Nồi cháo từ thiện nơi bếp chùa và những điều tươi đẹp

07:00 | 15/03/2019

1,132 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ nhiều năm nay, ban Thiện nguyện chùa Pháp Vân đều đặn tổ chức nấu và phát cháo từ thiện cho các bệnh nhân hằng tuần. Bên cạnh mong muốn sẻ chia bớt nỗi khốn khó cho người bệnh, các thành viên của tổ cháo còn mong các bệnh nhân trong lúc khổ sở nhất vẫn cảm thấy cuộc đời có nhiều điều tươi đẹp.

Thầm lặng nơi bếp chùa

Đúng 12 giờ, tất cả các thành viên trong tổ cháo chiều ban Thiện nguyện chùa Pháp Vân (Hà Nội) đã có mặt tại gian bếp quen thuộc. Chiều thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, tổ có nhiệm vụ nấu 5 nồi cháo 40 lít và mang phát tại bệnh viện Nội tiết Trung ương. Mỗi người khẩn trương một công một việc và khi bếp được nhóm lên, các nồi cháo, nồi đỗ hạt được đặt lên ninh mới là lúc câu chuyện về nhóm bắt đầu được chia sẻ.

noi chao tu thien noi bep chua va nhung dieu tuoi dep
Gian bếp của các tổ cháo từ thiện chùa Pháp Vân

Ông Thức, Trưởng ban Thiện nguyện chùa Pháp Vân và đã có 10 năm gắn bó với công tác thiện nguyện của ban, cho biết ban Thiện nguyện đã có từ hàng chục năm nay, lúc đó những người tu tập ở chùa mong muốn được từ thiện, bố thí cho những người nghèo khổ hơn mình nên đã bạch thầy trụ trì cho phép lập nên ban Thiện nguyện.

Được nhà chùa cho một cái tên, một địa điểm để tụ hội, Ban Thiện nguyện đã hình thành với hoạt động và nguồn quỹ riêng do các Phật tử đóng góp. Ban đầu, ban chỉ nấu một tuần một buổi cháo cho bệnh viện K2. Đến nay, ban thực hiện đều đặn 5 buổi cháo một tuần vào các sáng thứ Ba, Năm, Bảy và chiều thứ Tư, Sáu và mang tới phát tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì và Bệnh viện K - cơ sở 2 (sáng thứ Ba, Năm), Bệnh viện Tim mạch (sáng thứ Ba), Bệnh viện Nội tiết Trung ương Cơ sở 1 (chiều thứ Tư, Sáu).

Hiện ban có hơn chục người, chia làm 3 tổ cháo, mỗi người mạnh việc gì đảm nhiệm việc đó. Anh Phát trẻ khỏe nhất giành việc nặng nhọc, người già nhất là cụ Thự hơn 80 tuổi đã yếu không thể trực tiếp nấu cháo lại dành tâm sức trì chú khi cháo bắt đầu sôi.

“Đến đây làm không ai trả công, cũng không có lợi nhuận gì và mình phải hi sinh bớt các công việc gia đình để làm được việc này, nhưng là việc hoàn toàn tự nguyện và rất mong muốn được làm" - bà Thọ, một thành viên trong tổ chia sẻ.

noi chao tu thien noi bep chua va nhung dieu tuoi dep
Các thành viên đều hoan hỉ như đến với tổ cháo

Còn với chị Hà, tổ cháo như một gia đình nhỏ. "Gắn bó rồi mình yêu tổ cháo này lắm. Mỗi người một tính cách nhưng đến đây đều vì mục đích chung. Nghĩ đến người bệnh càng thương và càng muốn gắn bó với nhóm để cùng làm những việc tốt giúp cho những người nghèo khổ bệnh tật”, chị Hà nói.

Vậy là, dù trời nắng hay trời mưa, thậm chí có lúc có bận rộn hay ốm đau, các thành viên vẫn cố gắng thu xếp để đến nấu cháo, lúc thiếu hụt quỹ trưởng ban hay có thể thành viên nào đó lại chủ động đóng góp vào.

Sau nhiều năm hoạt động, ngân quỹ cũng lớn hơn, cháo cũng qua 3 lần điều chỉnh từ cháo thịt đến cháo nấm và ổn định cháo đỗ như bây giờ, nhưng phương thức nấu cháo bằng bếp củi vẫn như những ngày đầu. Chia sẻ về việc này ông Thức cho biết, có thể chuyển dùng gas hoặc điện nhưng hiện nhóm có khả năng đi xin được dàn giáo cũ, nên vẫn muốn tận dụng để dành toàn bộ tiền mua nguyên liệu nấu cháo. “Quan trọng nhất, là xác định được làm từ thiện đúng nghĩa, phải thực chất và bảo đảm chất lượng”, ông Thức chia sẻ.

Việc nấu cháo được thực hiện nhiều hơn nhưng công tác thiện nguyện của ban dường như vẫn thầm lặng với nguồn kinh phí đến từ chính các thành viên của nhóm, bạn bè người thân và từ các Phật tử trong và ngoài chùa. Không facebook, không quảng bá rộng rãi, ấy vậy cũng vẫn có người đến chùa để phát tâm góp quỹ cho nồi cháo từ thiện.

Lan tỏa yêu thương

15h30, cháo đã chín, hạt sen, ý dĩ, đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ trắng cũng đã mềm, cả nhóm lại khẩn trương trộn cháo và múc đóng vào các thùng lớn và chuyển lên xe lam chở tới bệnh viện Nội tiết Trung ương.

noi chao tu thien noi bep chua va nhung dieu tuoi dep
Cháo chay của bếp chùa được bệnh nhân chờ đón

“Bệnh nhân họ chờ cháo lắm, nhưng với các cô chú đó không chỉ là một miếng khi đói bằng một gói khi no đâu, mà còn muốn những người đang chịu khổ sở vì bệnh có thêm niềm vui, sự lạc quan và thấy được cuộc sống có nhiều điều tươi đẹp”, ông Thức chia sẻ.

Khi xe chở cháo dừng lại trong khuôn viên bệnh viện, đã có những tiếng reo vui “cháo chùa đến rồi”. Thậm chí lúc này, tổ cháo còn nhận được sự hỗ trợ ngược từ người nhà bệnh nhân để đưa những thùng cháo xuống xe. Bà Cần - một bệnh nhân đến từ Bắc Giang cười tủm tỉm: “Một năm tôi 8 lần đi viện đã quen với cháo của nhà chùa rồi, ngon lắm, các cô chú đây thật có lòng tốt”.

noi chao tu thien noi bep chua va nhung dieu tuoi dep
Bệnh nhân vui mừng nhận cháo

“Ban đầu, bệnh nhân chưa biết thì nghi ngờ, vì thực phẩm rất quan trọng với người bệnh, nhất là những người phải kiêng nhiều thứ, nhưng đến khi thử ăn và hiểu cháo chùa được nấu bằng các loại hạt hoàn toàn chay mà vẫn rất ngon và bổ dưỡng thì nhiều bệnh nhân thích lắm”, bác Quý - thành viên của nhóm chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Mai Phương, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Thực phẩm từ thiện cho bệnh nhân, viện phải chọn lọc kỹ mới duyệt đơn. Mấy năm nay, cháo của nhà chùa nấu chay luôn được bệnh nhân rất khen và tin tưởng. Bệnh nhân đi viện nhiều người rất khổ. Những việc làm tốt như thế này thực sự rất đáng quý và cần được lan tỏa.

noi chao tu thien noi bep chua va nhung dieu tuoi dep

Hiện nay, chính bản thân nhóm cũng đang muốn làm được nhiều hơn nữa cho bệnh nhân. Chị Hà cho biết: “Ngoài nồi cháo từ thiện đều đặn đến viện, nhóm nhất trí sẽ kêu gọi sự giúp sức, chung tay từ nhiều người để có thể hỗ trợ một phần nào cho người bệnh hiểm nghèo mà gia cảnh khó khăn, tiếp xúc với họ mình mới biết được thực sự nỗi khó khăn và họ đang phải gánh chịu”.

Quả thật, điều tốt cần được lan tỏa và hơn cả “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự giúp đỡ các bệnh nhân trong lúc hoạn nạn không chỉ hỗ trợ về vật chất là còn là món quà tinh thần để bệnh nhân thêm tin yêu cuộc sống, thêm động lực vượt qua mọi khó khăn. Hi vọng rằng tâm nguyện của nhóm sẽ được thực hiện, công việc cảu nhóm sẽ được nhiều người biết tới và từ những nồi cháo nơi bếp chùa, nhiều việc làm ý nghĩa và thiết thực sẽ được nhân lên.

Thanh Sơn

noi chao tu thien noi bep chua va nhung dieu tuoi depNgười phụ nữ căn nhà số 52: 'Đâu phải ai xăm trổ cũng đều không tử tế?''
noi chao tu thien noi bep chua va nhung dieu tuoi depBăng rừng, vượt sông mang nhu yếu phẩm đến tâm lũ Mường Lát
noi chao tu thien noi bep chua va nhung dieu tuoi depChuyện thật về “Trung từ thiện thật”
noi chao tu thien noi bep chua va nhung dieu tuoi depTrên những nẻo đường từ thiện

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps