Người phụ nữ căn nhà số 52: 'Đâu phải ai xăm trổ cũng đều không tử tế?''

16:10 | 07/12/2018

2,644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - "Đừng nghĩ xăm trổ là không đàng hoàng. Nhiều anh em đến giúp tui nấu cơm từ thiện sống tử tế, hiền queo, thương người nghèo. Họ không như một số người suy nghĩ đâu", chị Hoài Chung cười vui.

Đêm 6/12, trận bóng giữa Việt Nam- Philipines đang diễn ra, nhiều tiếng hò reo khi Quang Hải, Công Phượng ghi bàn. Trong căn nhà số 52 khu dân cư Tân Quy Đông (Q7, TP.HCM), chị Hoài Chung cùng những người bạn của mình lặng lẽ lụp bụp dao thớt, gọt củ, quả, nấu cơm.

Ngày mai mồng Một, đúng hẹn, chị Hoài Chung phát 1.500 phần cơm chay cho người nghèo, người cơ nhỡ, vô gia cư. Hôm nay mọi người phải làm đến khuya, kịp xong trước sáng.

nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Chị Hoài Chung chuẩn bị rau củ sáng mai nấu ngay khi trận đấu Việt Nam- Philipines diễn ra

Sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại nhà chị Chung, chứng kiến việc làm ý nghĩa của người phụ nữ tuổi Dần này (sinh năm 1974).

Mở đầu câu chuyện, chị Chung vui vẻ: "Tui tuổi con cọp, bạn bè thấy tui làm từ thiện nên chọc tui là con cọp giấy. Không nhớ bao lần nấu cơm, nhưng tui đã làm công việc này được hai năm nay rồi đó".

Cơ duyên đưa chị Chung đến với công việc nấu cơm giúp người nghèo xuất phát từ những lần chị vào bệnh viện, thấy người nuôi bệnh nhịn đói, dành tiền mua thuốc, đóng viện phí cho người thân. Là những đêm khuya chị Chung chạy xe ngang cầu Muối, thấy những cụ già cơ nhỡ co ro duới trời lạnh. Ban đầu, hàng tháng chị chỉ tặng người nghèo vài trăm hộp cơm, dần dà con số đội lên 1.500 hộp lúc nào chị cũng không hay.

nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Căn nhà rộn tiếng cười thiện nguyện của chị Hoài Chung trong sáng mồng Một (7/12)

Nở nụ cười đôn hậu, người phụ nữ này chia sẻ: "Mình có cơm ăn, áo mặc là may mắn, phải giúp đỡ những người bất hạnh hơn. Ban đầu tui định mở quán ăn từ thiện nhưng thấy sức mình làm không nổi nên chọn cách nấu ăn định kỳ hàng tháng cho bà con".

Chị Chung cho biết chồng của mình làm ngành xuất nhập khẩu, ba má có tiệm vàng ở quận 4, cũng hỗ trợ chị chi phí làm công việc từ thiện. Các anh chị em cũng của chị cũng góp mỗi người một ít.

Rau, củ, hành... chị phải ra chợ đầu mối mua cho rẻ, giảm chi phí để bù tiền mua gạo loại ngon, thơm cho bà con.

Theo lời chị Chung, mỗi lần chị tổ chức nấu ăn thì rất đông anh em, bạn bè "ngoài xã hội" bỏ công ăn việc làm, đến xúm xít phụ nhặt rau, nấu cơm, nấu canh, phát cơm... Căn nhà của chị rộn rã tiếng cười vào hai ngày âm lịch: Ngày Ba Mươi chuẩn bị thực phẩm nấu nướng, mùng Một phát cơm. Nhà chị Chung đã trở thành địa điểm thân thuộc của những người thích công việc vì cộng đồng và của người nghèo.

Chỉ qua anh Trung đang lúi húi múc canh chua cho vào hộp, chị cười: "Nhìn ổng xăm trổ vậy đó chứ hiền queo, sống đàng hoàng, tử tế lắm. Lần nào tui nấu cơm từ thiện, vợ chồng ổng cũng đến phụ từ tối đến sáng".

nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Chi Chung và anh Trung chuẩn bị cơm cho người ngheò trong tâm trạng thoải mái, vui tươi

Khác với ngoại hình có phần "hầm hố", anh Trung cười bẽn lẽn: "Vợ chồng tui cũng nấu cơm từ thiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo hơn mười năm nay. Lát nữa tới giờ phát cơm, cũng có nhiều người xăm giống tui đến phụ. Đừng có nhìn thâý người xăm trổ là nghĩ người ta xấu nha. Chưa chắc nha".

Nghe chồng nói, chị Vân ngừng múc canh, cười xoà: "Ổng mang cơm đi phát ở bệnh viện Nhi Đồng I riết, các bác sĩ, y tá quen mặt ổng luôn đó. Nhìn vậy chứ ổng sống có tâm lắm, thấy người ta khổ là rơi nước mắt liền hà. Mấy ông da láng bóng chưa chắc gì tốt bụng như ổng".

Ngoài cửa, nam thanh niên tên Đạt, tay xăm kín, đang phụ anh Huy đầu bếp chế biến thức ăn. Cái dáng vẻ lãng tử, nam tính ngút trời của anh chàng, trái ngược hoàn toàn công việc tỉ mỉ vốn dành cho phụ nữ này.

Quệt mồ hôi trên trán, Đạt nói từ tốn: "Chịu cực một chút để bà con có bữa no, là tui vui rồi. Bà con đến nhận cơm đều có hoàn cảnh đáng thương. Đối với người giàu, một hộp cơm không đáng là bao, nhưng với người nghèo thì cũng được no bụng cả ngày".

nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Anh Đạt (trái) đang phụ anh Huy đảo thức ăn trong nồi

Mỹ Ngân, cô giáo mầm non, có mặt tại nhà chị Chung từ tối hôm trước, phụ rửa nồi niêu xoong chảo đến khuya. vậy mà sáng vừa banh mắt ra, Ngân lại tranh thủ đến sớm phụ phân chia cơm, thức ăn vào hộp. Nữ giáo viên đẹp như hotgirl này cười, khoe hàm răng trắng ngọc ngà: "Chị Hoài Chung bỏ tiền ra làm việc thiện. Mình không góp tiền thì góp công, cũng vui mà".

11 giờ 30 trưa, cơm canh đã chuẩn bị sẵn sàng. Người nhận cơm lác đác tìm đến.

Những hộp cơm lần lượt trao tay cho cô bán vé số, cụ già nhặt ve chai, đứa bé tóc cháy nắng, anh thanh niên chạy Grab, công nhân...

nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Trước giờ phát cơm từ thiện

Dáng liu xiu, quần áo rách rưới, cụ Hằng làm nghề nhặt ve chai khệ nệ khiêng 10 hộp cơm ra chiếc xe đạp cũ mèm, chất lỉnh kỉnh hầm bà lằng đồ phế thải. Cụ cười móm mém: "Tui già yếu, ăn chỉ 1 hộp là đủ cả ngày. Những hộp kia tui xin giùm những người ở trọ chung".

Anh công nhân chưa kịp bỏ chiếc mũ bảo hộ ra, đến nhận cơm xong, vội vã đi ngay cho kịp giờ làm. Một chú bé đen nhẻm, đứng chưa cao đến mép bàn, lễ phép chìa đôi bàn tay, nói lời cám ơn.

nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Niềm vui của cụ Hằng khi nhận những hộp cơm nghĩa tình

Chị Dậu cũng làm nghề mua ve chai, đến nhận cơm về ăn, vui vẻ: "Hôm nay cả nhà tui đỡ tốn tiền chợ. Cơm, canh, đồ kho ở đây rất ngon, sạch sẽ".

Dòng người đến mỗi lúc mỗi đông. Chồng hộp cơm thấp dần. Cuối giờ, một chị bán vé số chạy đến lấy cơm, lại mất phiếu nhận cơm, đứng tần ngần. Cầm hộp cơm cuối cùng đưa cho người phụ nữ, chị Hoài Chung nhẹ nhàng: "Hộp cơm này chừa lại, định lát nữa em ăn. Thôi chị cầm luôn đi. Lần sau đến sớm hơn chị nhé".

Đã có nhiều mạnh thường quân muốn góp thêm tiền nấu cơm phát cho người nghèo nhưng chị Hoài Chung không dám nhận vì ngại...trách nhiệm. Chị chia sẻ: "Mình có bao nhiêu thì nấu bấy nhiêu thôi. Tui không dám nhận tiền của ai hết. Sắp tới tui có mở một quán bún mắm, có thêm thu nhập để tăng thêm số phần cơm hàng tháng. Tui chỉ mong trời thương, cho mình khoẻ mạnh để tiếp tục làm công việc thiện nguyện".

Trước khi chia tay, chị Hoài Chung cười, khiêm tốn: "Ở Sài Gòn này còn nhiều nguời làm việc tốt lắm. Công việc tui làm chẳng thấm tháp gì đâu, lên báo người ta cười chết đó. Anh có viết thì cũng khéo khéo giùm nha".

Xem thêm số hình ảnh:

nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Rau củ đã chuẩn bị xong từ đêm khuya
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Phút điệu đà của cô giáo mầm non Mỹ Ngân sau khi công việc hoàn tất
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Chị Chung âm thầm xắt rau củ, giữa tiếng reo hò mừng Việt Nam thắng trận Philipines
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Cơm được nấu, sẵn trong đêm, ủ giữ ấm
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Trời tảng sáng, Mỹ Ngân đã có mặt, tranh thủ múc canh chua cho vào từng hộp
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Anh Đạt và anh Huy phụ trách phần nấu nướng
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Người đàn ông này có trên 10 năm lo miếng ăn cho người nghèo
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Ấm áp giờ trao những phần cơm nghĩa tình
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Một chú bé đến nhận cơm
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Chị Dậu nhận cơm cho mình và cho các bạn cùng phòng
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Anh công nhân tranh thủ giờ nghỉ đến nhận cơm lót dạ
nguoi phu nu can nha so 52 dau phai ai xam tro cung deu khong tu te
Những phần cơm mang đi tặng cho người nghèo ở xa

Lê Ngọc Dương Cầm

Tuổi trẻ NIPI với 300 suất cháo nghĩa tình
Hơn 1,1 tỷ quyên góp hỗ trợ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo
Đoàn Thanh niên Tập đoàn chia sẻ với thanh niên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn của PVDrilling và PVC
Vietsovpetro tổ chức chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo
Ba loại tiền "tiêu nhiều, có nhiều" ai cũng nên biết