Lạm phát tăng, sức mua giảm sút

15:43 | 28/02/2012

476 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2012 tăng 1,37% so với tháng trước, đây là mức tăng tháng Tết thấp nhất so với tháng 2 trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, không thể chủ quan vì lạm phát vẫn chưa dừng lại.

Dịch cúm gia cầm bùng phát sẽ tác động đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với nhóm thực phẩm khác

Ngày 27/2, Tổ điều hành thị trường trong nước đã họp để đánh giá tình hình thị trường tháng 2/2012 và đưa ra dự đoán cho những tháng tới.

Tháng 2: Sức mua giảm 3,79%

Phân tích những yếu tố tác động tăng, giảm CPI tháng 2, các thành viên Tổ điều hành thị trường cho rằng, trong tháng 2, giá hầu hết hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới như gạo, đường kính, phân bón… đều có xu hướng tăng nhẹ. Đặc biệt là giá dầu thô ngọt nhẹ giao kỳ hạn giao dịch đã lên mức 108,62 USD/thùng, là mức giá cao nhất trong 8 tháng trở lại đây (trên thị trường Singapore, giá xăng dầu đều tăng 3% so với tháng trước) đã gây áp lực lên giá nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, đầu vào của sản xuất trong nước.

Trong nước, các tỉnh phía Bắc thời tiết giá lạnh kéo dài đã gây nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Do ảnh hưởng của giá gas nhập khẩu và việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu gas từ 1/1//2012 nên giá bán gas liên tục tăng nhanh và gây nhiều tranh luận về hình thành giá bán. Ngoài ra, do ảnh hưởng vòng 2 của việc tăng giá điện và giá sữa tăng nhanh cũng là những yếu tố làm tăng CPI.

Sau Tết thị trường hàng hóa tiêu dùng kém sôi động, sức tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm giảm mạnh, giá nhiều loại rau, trái cây, một số loại thịt bò, gà, lợn có chiều hướng giảm nhẹ do nhu cầu yếu, trong lúc tồn kho thép xây dựng, đường, lúa gạo, phân bón… cao; nguồn cung xi măng, giấy, thức ăn chăn nuôi vẫn ổn định. Đặc biệt, đang trong mùa thu hoạch lúa gạo nên giá lương thực trong tháng giảm 0,41% là những yếu tố góp phần giảm tốc CPI.

Để kiềm chế CPI, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (chiếm 1/3 cung cầu cả nước) tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá; Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xăng dầu để ổn định giá bán trong nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra giải pháp: chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động và cho vay; kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, tập trung phân nhóm ngân hàng và áp dụng các mức tăng trưởng cho từng nhóm; ổn định tỉ giá USD/VND liên ngân hàng… Những nỗ lực đó đã kéo CPI xuống 1,37% trong tháng 2, thấp nhất so với tháng 2 trong 10 năm trở lại đây.

Mặc dù CPI tháng 2 không cao như quy luật những năm trước nhưng các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước vẫn cảnh báo không thể chủ quan với lạm phát, vì trong 3 tháng liên tiếp gần đây, CPI vẫn có xu hướng tăng.

Do ảnh hưởng của lạm phát nên nhu cầu tiêu dùng trong nước đã giảm sút đáng kể. Tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 186.463 tỉ đồng, giảm 3,79% so với tháng 1/2011. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2012, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng tiêu dùng chỉ còn 4,4%, đây là mức thấp so với các năm thông thường.

Tăng cường kiểm soát thị trường

Phân tích những tác động đến tình hình thị trường tháng 3, một số ý kiến cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực giúp giá cả hàng hóa ổn định hoặc giảm, đó là: Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm giữ ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát (theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ). Một số mặt hàng thiết yếu như giá lúa gạo sẽ tiếp tục ổn định vì đang mùa thu hoạch, giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản đã quá cao nên khó tăng tiếp; do thời tiết thuận lợi nên rau, củ, quả sẽ phát triển tốt giá có xu hướng giảm; riêng thịt gà có thể tăng tại một số địa phương do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm. Mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, xi măng, đường kính, thuốc chữa bệnh… giá vẫn tiếp tục ổn định. Bên cạnh đó, tỉ giá USD/VND ổn định và lãi suất có xu hướng giảm; nguồn cung hàng hóa dồi dào trong lúc sức mua yếu sẽ quyết định kiềm tốc CPI.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố gây sức ép tăng giá: Dịch cúm gia cầm bùng phát sẽ tác động đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với nhóm thực phẩm khác; Áp lực tăng giá xăng dầu do giá thế giới và giá nhập khẩu tăng cao; Giá bán than cho các hộ sản xuất lớn như phân bón, giấy, xi măng đã tăng 10% từ 25/2/2012 sẽ gây áp lực đầu vào cho những ngành này; Điều chỉnh tăng mạnh nhiều dịch vụ y tế cũng sẽ tác động đáng kể đến CPI. Bên cạnh đó, tình trạng đầu cơ, tăng giá tùy tiện, bất hợp lý nếu không kiểm soát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá tiêu dùng.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Tổ điều hành thị trường trong nước đã đưa ra một số giải pháp:

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để và nghiêm túc Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước.

Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp như đưa ra cơ chế xuất nhập khẩu linh hoạt đối với mặt hàng đường kính; tiếp tục thu mua lúa, gạo cho nông dân để tồn trữ trong khoảng thời gian 3 tháng. Đối với mặt hàng phân đạm, các bộ, ngành liên quan có những biện pháp quản ý chặt chẽ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và buôn lậu qua biên giới.

Để bình ổn giá sữa, Tổ điều hành cho rằng nên làm theo cách của TP Hồ Chí Minh, vận động những doanh nghiệp lớn trên địa bàn như Vinamilk, Nutifood… cam kết chỉ tăng giá 1 lần trong năm hoặc không tăng giá khoảng 6 tháng.

Đặc biệt, nhằm thiết lập lại trật tự thị trường, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổ phó Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật kinh doanh đối với 2 mặt hàng xăng dầu và gas, đồng thời làm tốt công tác đăng ký, niêm yết giá đối với 2 mặt hàng này. Bộ Công Thương vừa qua đã họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm quản lý, kiểm soát chất lượng, giá cả đối với hệ thống phân phối của mình từ khâu bán buôn cho tới bán lẻ nhằm loại trừ yếu tố bán xăng dầu kém chất lượng và tăng giá gas bất hợp lý trong hệ thống đại lý.

Theo CTO