Lại thêm một kẻ giết sông Đồng Nai

10:15 | 11/08/2011

1,222 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ vỏn vẹn nửa tháng, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) bắt quả tang hai nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp ở Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh có hành vi xả lượng lớn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, sông rạch. Chuyện gì đang xảy ra? Phải chăng có sự tắc trách và gian dối trong vấn đề xử lý nước thải tại các khu công nghiệp để nguồn nước thải độc hại tiếp tục vô tư đổ ra các nhánh sông? Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần vào cuộc triệt để, xử lý tận gốc rễ…

* Chủ tịch HĐQT của công ty vi phạm là đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Sự thật của Sonadezi

Qua khảo sát trong suốt thời gian dài của các cơ quan bảo vệ môi trường cho thấy, đa phần các doanh nghiệp trong Khu chế xuất (KCX), Khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai, TP HCM đều đấu nối nguồn nước thải trong quá trình sản xuất, đưa về nhà máy xử lý chất thải tập trung. Thế nhưng điều lạ lùng là mật độ ô nhiễm trên hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn không những không giảm mà mức độ ngày càng nặng. Tại sao lại như vậy? Để làm rõ nguyên nhân, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Cơ quan phía Nam, Cục C49B – Bộ Công an) đã cắt cử nhiều tổ trinh sát đi khảo sát vấn đề xử lý chất thải tại một số khu công nghiệp trọng điểm.

Miệng cống xả thải của Nhà máy Xử lý nước thải KCN Long Thành

Và thực tế trong quá trình khảo sát điều tra, các trinh sát phát hiện một sự thật đáng buồn ở một số nhà máy xử lý nước thải tập trung, khi đêm về thì cống xả các KCN, KCX có hiện tượng nước thải bẩn liên tục được xả ra môi trường tự nhiên. Và càng đáng trách khi chính các các doanh nghiệp xử lý chất thải này có những hành vi tắc trách, gian dối trong chức trách, phận sự của mình.

Và cũng thật ngạc nhiên hơn khi chỉ trong một đêm 3-8, Cục C49B bắt quả tang Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi tại KCN Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) xả đến 9.300m3 nước thải chưa được xử lý với màu nước đen đặc, bốc mùi nồng nặc rồi tống thẳng ra một con rạch Bà Chèo (xã Tam An, huyện Long Thành) nối với sông Đồng Nai. Chính các nhân viên của nhà máy đang vận hành để nước thải ô nhiễm tuôn ra môi trường qua hệ thống cống ngầm thì bị bắt quả tang. Qua kiểm tra sơ đồ nhà máy và đào một số vị trí chôn cống ngầm, các trinh sát phát hiện thủ đoạn xả thải của nhà máy này rất tinh vi, cống ngầm âm sâu khoảng 2-3m dưới đất. Các trinh sát đã đào nhiều điểm có đường cống ngầm.

Trong động thái mới nhất, ngày 8-8, Cục C49B phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP HCM) đã quay lại nhà máy để tiến hành lấy mẫu nước tại khu vực bể lắng lọc và mẫu nước sau xử lý tại cửa xả ra rạch Bà Chèo để phân tích, so sánh với mẫu đã thu giữ trước đó. Cục C49B sẽ xem xét lại toàn bộ quá trình vận hành nhà máy, xử lý nước thải, kiểm tra khu vực van xả từ hồ sinh thái (có dung tích chứa 3.500m3 nước thải) ra rạch Bà Chèo để phục vụ công tác điều tra.

Còn ở một diễn biến khác, đã có ít nhất 11 hộ dân ở xã Tam An, huyện Long Thành vừa gửi đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương nhằm yêu cầu Nhà máy xử lý nước thải Sonadezi ở KCN Long Thành bồi thường cho họ về những thiệt hại môi trường. Và hàng chục hộ dân khác ở xã này cũng đang lên kế hoạch gửi đơn khiếu nại. Một người dân sinh sống ở đây cho biết: Chúng tôi sống cách con rạch Bà Chèo hơn 200m nhưng thở không nổi do nước thải bốc mùi gây ô nhiễm. Nhiều vườn cây ăn trái, gia cầm ở đây cũng sống không nổi vì hơi nóng bốc lên từ nước thải và mức ô nhiễm quá cao.

Theo ghi nhận của phóng viên, rạch Bà Chèo vốn là nguồn nước chính phục vụ khoảng 500ha đất nông nghiệp ở xã Tam An, huyện Long Thành. Đi ngược dòng rạch này (cách nhà máy khoảng 1km), đến khu dân cư ấp 2 xã Tam An, chỗ nào cũng thấy con rạch đen ngòm, nhớt bám dày cợm trên lớp bùn, dưới những gốc dừa nước là lớp váng dầu, hóa chất còn lưu lại.

Đến sự thật ở KCX Linh Trung I

Tương tự như vụ việc tại khu công nghiệp Long Thành là hành vi xả nước thải chưa qua xử lý tại Nhà máy Xử lý chất thải tập trung của Khu chế xuất Linh Trung I thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM.

Dòng nước đen ngòm, hôi nồng nặc trên con rạch Bà Chèo

Vào một đêm giữa tháng 7-2011, tổ trinh sát Cục C49B đã mai phục bắt quả tang Nhà máy Xử lý chất thải tập trung của KCX Linh Trung I đang xả nước và bơm bùn thải chưa qua xử lý từ bể 201A và bể 201B ra môi trường tự nhiên. Tại thời điểm kiểm tra, hai bể này đều có gắn 1 đến 2 máy bơm, được điều khiển bằng 4 công tắc điện đặt trong phòng vận hành máy xử lý nước thải.

Qua đấu tranh, hai ông Nguyễn Hữu Ái, Nguyễn Đăng Huy là nhân viên vận hành hệ thống xử lý nước thải khai nhận: Hàng ngày, sau khi tiếp nhận nước thải từ các nhà máy sản xuất đưa về hồ lắng tụ, đến khoảng thời gian từ 1-2 giờ sáng hôm sau thì tổ vận hành bơm nước thải, bùn thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường, lưu lượng 18m3/giờ. Việc làm sai trái của tổ vận hành là do Ban Quản ký nhà máy và Tổ trưởng Đoàn Hồng Phong chỉ đạo, nhằm là giảm chi phí mua hóa chất xử lý chất thải nguy hại từ các nhà máy đưa về.

Nước thải độc hại!

Qua tìm hiểu được biết, Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Công ty CP DV Sonadezi (thuộc Tổng Công ty Phát triển KCN – Sonadezi, chủ đầu tư KCN Long Thành) có công suất thiết kế 10.000m3/ngày đêm (gồm 2 module), thu gom nước thải (chủ yếu là các DN dệt nhuộm, chiếm tới 80% lưu lượng nước thải tiếp nhận) của 42 DN trong KCN để xử lý theo công nghệ hóa lý kết hợp xử lý sinh học bùn hoạt tính hiếu khí.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Đồng Nai về vụ xả thải của Sonadezi tại KCN Long Thành thì lẽ ra theo nguyên tắc nước thải phải qua công đoạn khử trùng, từ 2 module theo 2 đường ống chảy vào hồ tập trung vào hồ hoàn thiện diện tích 2.400m2. Nước thải được xử lý ở đây tiếp tục chảy qua hồ sinh thái, tới 1 hố ga đạt chuẩn rồi mới chảy ra Rạch Bà để tới sông Đồng Nai. Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra, các bể xử lý vi sinh hư hỏng, đường ống dẫn hóa chất vào bể khử trùng không hoạt động.

Cty CP DV Sonadezi trần tình rằng, do nước thải của một số doanh nghiệp dệt nhuộm có lưu lượng xả thải lớn, nhiệt độ, độ màu vượt quá giới hạn làm ảnh hưởng đến công đoạn xử lý sinh học của hệ thống xử lý nước thải tập trung. Vì vậy công ty phải cải tạo nâng cấp module 1. Trong quá trình nâng cấp nên chất thải chưa đạt.

Được biết nước thải sinh ra từ dệt nhuộm thường có nhiệt độ cao, độ pH lớn, chứa nhiều loại hóa chất, thuốc nhuộm khó phân hủy, độ màu cao. Nếu không được xử lý, cực kỳ độc hại cho nguồn nước.

Nói về vấn đề trên, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai cho rằng, đây là việc làm không đúng quy định khi tự ý cải tạo hệ thống xử lý thải mà không báo cáo cơ quan chức năng, cũng không làm việc để các DN giảm nguồn thải tránh quá tải. Cũng cần phải nhắc, khi hệ thống xử lý thải chưa hoàn thiện thì Cty vẫn tiếp nhận để xử lý mà không đảm bảo, lại vẫn thu tiền phí của DN cũng có vấn đề. Cty này ký hợp đồng xử lý nước thải với các DN với giá 0,32 USD/m3 tính trên 80% khối lượng nước cấp.

Hệ thống lại các sai phạm của Cty CP DV Sonadezi cho thấy vào năm 2009, đã bị xử phạt 17 triệu đồng bởi hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn từ 2-5 lần. Đến năm 2010, Cty bị phạt 31 triệu đồng vì không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, quản lý vận chuyển xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định, xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2-5 lần. Chưa kể, vào tháng 2-2011, Cty bị Thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) phạt 75 triệu đồng vì xả thải vượt quy chuẩn dưới 2 lần. Điều đáng buồn khi KCN Long Thành vốn được xem là có nhà máy xử lý thải sớm nhất đi vào hoạt động, từng được đánh giá rất cao trong số hàng chục KCN ở Đồng Nai.

Điều đáng trách hơn nữa khi dù đã bị cơ quan chức năng phản ánh nhiều lần về hành vi xả nước thải chưa qua xử lý, thế nhưng người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp này, bà Đỗ Thị Thu Hằng (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty phát triển KCN Sonadezi) vẫn một mực cho rằng Sonadezi không có hành vi gian dối(?!). Liệu bà Hằng trước khi trở thành đại biểu Quốc hội, trong những lần đi tiếp xúc cử tri để vận động ứng cử có biết hay không những tâm tư nguyện vọng của những hộ dân ở xã Tam An về việc chính doanh nghiệp của bà xả chất thải độc hại ra môi trường hay không? Trách nhiệm của bà với tư cách đại biểu Quốc hội ra sao khi ngay chính bản thân doanh nghiệp của mình gây ô nhiễm môi trường? Liệu chính quyền địa phương có ưu ái, nhún nhường hay không?

Bài toán nan giải

Nhìn từ vụ việc xả nước thải độc hại ở KCN Long Thành và KCX Linh Trung I mới thấy rằng, tình trạng một số nhà máy xử lý chất thải trong KCN, KCX có nhiều thủ đoạn lén lún đổ ra môi trường là khá nan giải.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, trên lưu vực sông Đồng Nai có 95 doanh nghiệp có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Một số doanh nghiệp trong số này đã lợi dụng chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại để ký hợp đồng với nhiều đơn vị chủ nguồn thải vượt công suất của nhà máy. Cuối cùng, chính các doanh nghiệp đó lại tìm mọi cách né tránh hoặc trì hoãn việc xử lý nước thải và cũng nhằm mục đích hạn chế chi phí.

Cảnh sát môi trường kiểm tra cống ngẩm xả nước thải chưa qua xử lý của Nhà máy Sonadezi

Qua ghi nhận tại các KCN-KCX lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn cho thấy lượng nước thải công nghiệp ước tính khoảng 1 triệu m3/ngày, đêm (chiếm 35% tổng lượng nước thải trên toàn quốc), trong đó có hơn 75% xả trực tiếp ra môi trường, không qua một bước xử lý nào. Đấy là chưa kể chất lượng nước thải sau xử lý vẫn chưa đạt yêu cầu và chưa ổn định. Nhiều nơi có nhà máy xử lý nước thải, nhưng thực chất không hoạt động vì không có kinh phí, hoặc hoạt động đối phó với đoàn kiểm tra nhằm hạn chế chi phí, tăng lợi nhuận. Mặt khác, còn nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), trên lưu vực sông Đồng Nai có 102 KCN-KCX với tổng diện tích tự nhiên đạt 33.311ha. Điều đáng bàn là kết quả điều tra khảo sát tại hầu hết các KCN-KCX ở Đồng Nai và TP HCM đã thấy các chỉ tiêu về BOD, COD, colifirm, tổng chất rắn lơ lửng, phốt pho tổng, amoniac, kim loại nặng đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Đây chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn. Chỉ tính riêng hệ thống sông Đồng Nai, mỗi ngày phải nhận 1.740.000m3 nước thải công nghiệp, trong đó có khoảng 671 tấn cặn lơ lửng, 1.130 tấn BOD5, 1.789 tấn COD, 104 tấn nitơ, 15 tấn phoostpho và kim loại nặng…

Hiện nay, chất thải chủ yếu được xử lý bằng các thiết bị đơn giản hoặc đổ lẫn vào các chất thải sinh hoạt, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân sinh sống xung quanh. Không những vậy, các thiết bị kỹ thuật và chất lượng xử lý nước thải ở các KCN-KCX trên lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn còn quá cũ kỹ, lạc hậu. Các hệ thống lọc khí thải, bụi tại các KCN-KCX, các nhà máy còn rất hạn chế, sơ sài, mang tính đối phó và thậm chí không hề có.

Bên cạnh đó, một số tổ chức cá nhân được cấp phép hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lại vi phạm quy định về quản lý chất thải, như: Ký hợp đồng với các doanh nghiệp không có chức năng xử lý chất thải. Sử dụng phương tiện vận chuyển không chuyên dụng. Không xử lý, phân loại chất thải theo quy định mà cho chôn lấp, hoặc lén lút đổ vào khu vực đất trống nhằm giảm chi phí xử lý. Mà điển hình là trường hợp của Công ty Sonadezi trong lần vi phạm này. Cũng cần phải nhắc lại cách đây 3 năm về trước, chính công ty này từng lưu giữ trái phép 5.300 tấn chất thải nguy hại. Hay như trường hợp Công ty TNHH Sông Xanh đã chôn lấp hơn 4.600m3 chất thải và cát nhiễm dầu…

Chính những tác hại từ việc xử lý chất thải KCN không đúng quy trình nên Cục C49B đã từng kiến nghị lãnh đạo tỉnh, thành phố thuộc Ủy ban Bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai cần nghiên cứu, xem xét quy hoạch khu xử lý chất thải (rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại…) tập trung quy mô lớn, không quy hoạch dàn trải nhỏ lẻ, khó kiểm soát nhằm chống ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai. Cục C49B cũng đã đề nghị lãnh đạo Bộ TN&MT xem xét lại các đơn vị đã được cấp phép thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại có thực lực xử lý hay không, tránh tình trạng lợi dụng giấy phép vận chuyển, xử lý để đưa đi đổ ở nơi đồng ruộng, ao hồ, ở rừng rậm nơi không có dân cư hoặc đào hố chôn lấp chất thải nguy hại tại khuôn viên của doanh nghiệp.

Chính từ những kiến nghị này, nên chăng đã đến lúc thành lập một hiệp hội xử lý rác thải trong các KCN-KCX để vừa có lợi cho các doanh nghiệp và vừa bảo vệ môi trường, tăng cường các hoạt động kiểm soát các cơ sở xử lý rác thải, không để các doanh nghiệp này lợi dụng để có những hành vi tắc trách và gian dối!

Thế Vinh