Kỳ lạ tục thờ ngựa ở Huế

07:23 | 17/01/2014

12,069 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ trên cả nước ta hiếm có địa phương nào thờ con ngựa như ở xứ Huế. Ngựa được thờ như con vật linh thiêng, gồm ngựa đá, ngựa giấy và ngựa gỗ; màu sắc chủ yếu đỏ và trắng tượng trưng cho một vị thần.

Các loại ngựa được thờ trong am miếu ở Huế.

Từ tục thờ ngựa độc đáo ở Huế

Tục thờ rất lạ, lạ ở chỗ, có đến gần 100% dân số ở Huế lập am, miếu để thờ, từ trong nhà ra đến sân, trong số các am miếu phổ biến nhất là miếu thờ các cô, cậu, ông chiêm thành, ông quận, ở đó họ đều có thờ con ngựa. Vậy, con ngựa có gì mà phải thờ, vì sao dân tin tôn thờ đến như thế?

Ông Lê Văn Ngộ, Trưởng ban Bảo trợ di tích Điện Huệ Nam cho biết: “Tục thờ ngựa có từ rất lâu đời, nhất là ở các am, miếu và đền đài. Trong dân gian thường quan niệm, âm dương nhất lý (tức lúc sống thế nào, chết cũng như vậy), họ quan niệm khi các vị thánh còn sống dùng ngựa để xuất quân ra trận, dẹp loạn đem lại bình yên cho đất nước nên khi chết có lẽ dưới âm dương hoặc trên trời cao vẫn thế các vị thần dùng ngựa để đi lại, đi chầu, hoặc giảng đạo…”.

Theo đó, ngựa đỏ dùng cho cho tôn ông ngự giá, chu du, hành đạo (6 tôn ông: gồm ngài đệ nhất, đệ nhị, đệ tam giám sát, đệ tam thủy phủ, đệ ngũ, đệ nhị ngoại), còn ngựa trắng là để thờ các cậu ngoại càng.

Trong tứ phủ đền thần, 2 loại ngựa này được thờ để tôn ông đi chầu. Và khi làm ngựa để thờ, người thợ làm ngựa phải hiểu rõ nguyên lý hoạt động cũng như ngựa dùng ở cõi nào, ví dụ ở cõi thượng thiên (cõi trên trời- PV) thì phải làm khác với ngựa thờ ở am miếu cõi trung thiên (cõi trần gian- PV). Do tôn ông ngự giá ở cõi thượng thiên nên khi làm ngựa thờ ngựa đó phải có cánh, vì ở cõi trời nên ngựa có cánh dùng để bay, còn ở cõi trung thiên thì làm ngựa như ngựa ra chiến trận bình thường, có yên ngựa, dây cương, đao kiếm để ra trận…chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh thờ ngựa đá ở đền Đức thánh trần Hưng Đạo Đại Vương, hay các đền Quan Thánh, và ngựa đá ở các am miếu trong dân gian.

Người dân Huế quan niệm, ở trên trời cao, giữa dân gian và âm phủ các đức thánh cũng dùng ngựa để đi chầu, đi hành đạo nên khi họ đặt am miếu thờ cúng phải thờ ngựa thể hiện lòng thành kính của mình đối với các vị thần thánh của đất nước, những vị thánh đã có công mở mang bờ cõi, giữ vững bình yên cho đất nước. Cho nên, các am, cảnh, miếu ở Huế, người dân thờ ngựa đá là như thế, ông Ngộ nhấn mạnh.

Chính vì việc trân trọng thờ ngựa như thờ một trong những con vật linh thiêng ở Huế nên ngựa cũng chiếm một vị trí rất đặc biệt trong am miếu, đền đài…ví như ở đền thờ Hưng Đạo Đại Vương ở 399 đường Chi Lăng, cặp ngựa đá được làm y như ngựa thật, màu đỏ, được đặt trang trọng trước đền, hai con đối xứng nhau trong tư thế sẵn sàng bất cứ lúc nào ngài xuất quân, còn ngựa trắng được người dân Huế thờ phổ biến nhất ở các am miếu ngoài trời.

Ngày nay, khi dâng cúng ngựa cho các cõi, người ta thường làm con ngựa to nhất bằng màu đỏ để dâng cúng cho tôn ông và những con ngựa nhỏ  bằng màu trắng để cúng cho các cậu ngoại càng.

Đến chuyện dân làm vàng mã hình ngựa để đốt cho các thần

Cứ mỗi dịp xuân đến, Tết về người dân Huế lại tất bật chuẩn bị chu đáo trang hoàng nhà cửa, trong số những vật dụng như chúng ta thường thấy là vàng mã, áo binh, giấy tiền vàng bạc tiền, xe hơi,…thỏi vàng thì không thể thiếu hình ảnh những con ngựa giấy được làm giống y như thật để đốt trong dịp cuối năm, trong đêm giao thừa đầu năm mới.

Và các loại ngựa bằng giấy để cúng cho các ngài.

Cụ Hoàng Bảo Ngọc, 80 tuổi, ở đường Mai Thúc Loan, TP.Huế cho biết: “Hàng năm, cứ Tết đến tôi lại đến các cửa tiệm đồ giấy đặt mua 3 cặp ngựa đầy đủ màu sắc trắng, đen, đỏ để đốt cho các ngài. Tôi được biết, truyền thống thờ ngựa thần đã có từ lâu đời ở Huế, nhất là sau năm 1975 phong trào thờ am miếu ở Huế bắt đầu phát triển mạnh. Vì đây là đất thần kinh, xứ sở kinh kì, trải qua bao binh đao lửa đạn, chết chóc lại nằm trên đất chiêm thành nên họ luôn quan niệm các thần, ngài luôn ngự trị ở đâu đây trên đất Huế vì thế ngựa được người ta xem như một linh vật dụng cho các ngài (thần) đi lại, ngựa để các ngài đi chầu, đi giảng đạo…”.

Ông Nguyễn Văn Bân, 78 tuổi, nguyên Phó Ban tổ chức lễ hội Điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén), nối nghiệp cha ông cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà người dân Huế bày ra các con ngựa để thờ và càng không phải ngẫu nhiên mà người ta chia ra các loại ngựa màu sắc khác nhau để thờ thần này, thần khác, tất cả đều có lý do của nó. Tôi sinh ra trong gia đình có 3 đời làm thủ am nên tôi cũng như những người theo đạo thánh đều am tường về cách thờ ngựa ở Huế. Trong đó, người Huế đặc biệt lưu tâm đến 2 loại ngựa được làm bằng đá, hoặc gỗ, giấy màu đỏ và trắng giống y như ngựa thật để thờ, trong đó ngựa màu đỏ để thờ cho lục vị tôn ông (quan lớn) và ngựa trắng dành cho các cậu ngoại càng (quan nhỏ) cứ mỗi năm một lần tôi đều sắm cho các ngài một cặp ngựa để thờ trước am điện”.

Trong dân gian cũng truyền miệng nhau rằng, nếu như thờ ngựa trắng là con ngựa bình thường với đầy đủ tứ chi, dây cương, đao kiếm thì thờ ngựa đỏ con ngựa đó phải có thêm đôi cánh để bay, người dân Huế quan niệm, ngựa đỏ ở cõi thượng thiên nên di chuyển theo hướng bay là chủ yếu nên đã lắp thêm đôi cánh.

Còn người dân Huế khi thờ ngựa đen có nghĩa là họ đã thờ ngựa đó cho ông chiêm thành (bản thân ông Chiêm là người thượng nên ông cũng ăn toàn những vật dụng là đồ nướng) nên khi cúng ngài cũng phải có những vật dụng như sau: khoai nướng, thịt nướng (thịt heo quay), xôi đậu đen…

Anh Xích, chủ cửa hàng vàng mã trên đường Điện Biên Phủ cho biết: “Chính vì sự linh thiêng của các bậc thánh và các cậu ngoại càng nên khi người ta đặt cho tôi làm ngựa, chúng tôi đặc biệt hết sức lưu ý, công đoạn làm ngựa cũng rất công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi người làm phải làm giống y như thật và tuyệt đối cấm kị khi làm thiếu một bộ phận, chi tiết nào đó của ngựa, như vậy là xúc phạm đến thần linh. Cả đời tôi làm vàng mã, tôi luôn quan niệm đã không tin thì thôi, nhưng khi đã tin thì phải là có nên không bao giờ tôi dám mạo phạm”.

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Huế, ông Hồ Tấn Phan nhấn mạnh: “Xét về khoa học, người Huế có cái cách thờ rất đặc biệt, ở chỗ không có địa phương nào có nhiều am miếu như ở Huế. Cũng chính vì thế, cách thờ ngựa ở am miếu Huế cũng xuất phát từ quan niệm, ngựa là một trong những vật linh thiêng như: Rồng, rắn, rùa, voi, cá gáy (cá chép)…trong số những linh vật đó ngựa được xem là con trung thành nhất. Ngoài 2 con ngựa đỏ, trắng, ở Huế người dân còn thờ ngựa đen dâng cho ông Chiêm Thành, họ quan niệm rằng người Chiêm sống trên đất Huế nên họ thờ ngựa đen, và trên mỗi cái am họ còn thờ ngựa xanh lục cho Thái tử Đông Cung và ngựa vàng cho Ngài đệ nhị…tất cả các loại ngựa này khác về màu sắc nhưng đều dùng làm phương tiện đi lại cho các ngài- thần”.

 

H.Phương

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.