Kinh tế chia sẻ - “Chìa khóa” của tăng trưởng

Kỳ 1: Mở lối, dẫn dắt phát triển

06:55 | 16/01/2019

156 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Làn sóng của cuộc CMCN 4.0 cũng như sự bùng nổ của công nghệ số là cơ hội vàng để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia thông qua KTCS, dựa trên sức sáng tạo và lợi thế cạnh tranh.

Chồng mất sớm, sau khi con trai cả vào Nam lập nghiệp, con gái út lập gia đình, bà Hậu sống một mình trong căn nhà ba tầng giữa trung tâm phố cổ Hà Nội. Cuộc sống thay đổi từ khi bà Hậu tu sửa lại căn nhà cho khách du lịch thuê theo “tư vấn” của con gái. Khoản thu nhập đều đều mỗi tháng gần chục triệu đồng từ việc cho thuê phòng trên Airbnb quá dư dả để bà trang trải cuộc sống. Thi thoảng rỗi việc, cô con gái lại gọi giúp bà xe Grab đón tận cửa chung cư về lại khu nhà cũ, thăm hàng xóm, bạn bè. Đi bằng taxi Grab, bà cảm thấy rất yên tâm vì không phải chỉ đường cho lái xe, biết trước số tiền phải trả, giá cả lại rẻ hơn taxi thông thường.

ky 1 mo loi dan dat phat trien

Theo cách hiểu của những người dân bình thường như bà Hậu, Airbnb hay Grab đơn giản chỉ là hình thức kinh doanh mới hay dịch vụ mang lại nhiều đổi thay tích cực cho cuộc sống. Nhưng trong mắt các chuyên gia kinh tế, đây là dấu hiệu rõ nét nhất của KTCS, một mô hình kinh tế mới đã hiện diện trong mọi ngóc ngách của đời sống.

Sau 10 năm, startup Airbnb của Mỹ đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia. Với khoảng 2,5 triệu cơ sở đăng ký cung cấp phòng trọ cho 150 triệu người sử dụng toàn cầu, Airbnb được định giá tối thiểu 30 tỉ USD. Tận dụng sự ưu việt của công nghệ, KTCS có lợi thế hơn hẳn các mô hình kinh tế truyền thống nhờ khả năng nhanh chóng tiếp cận số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Tất cả các giao dịch đều được thực hiện trực tuyến bởi nhà cung cấp nền tảng số, mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng và giá cũng rẻ hơn nhờ tiết kiệm chi phí giao dịch.

Ngoài ra, KTCS còn được kỳ vọng mang lại nhiều tiềm năng mới khi người tiêu dùng có được cơ hội tiếp cận và khai thác, sử dụng những tài sản mà họ không sở hữu, trong khi người sở hữu tài sản lại có cơ hội để tăng thêm thu nhập. Với nguyên lý khuyến khích tận dụng các nguồn lực dư thừa trong xã hội, KTCS thúc đẩy việc phân bố và sử dụng tài sản, tài nguyên thêm hiệu quả.

Chúng ta sử dụng dịch vụ chia sẻ xe hơi vì không cần sở hữu một chiếc xe (Grab); cho thuê lại một căn phòng trong nhà vì không muốn bỏ trống lãng phí (Airbnb); thậm chí chia sẻ cả thời gian rảnh rỗi để hỗ trợ công việc cho người khác và kiếm thêm thu nhập cho chính bản thân mình (Rada). Thêm nữa, lợi ích về tiết kiệm tài nguyên của KTCS còn có hiệu ứng tích cực tới môi trường khi giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức trong nền kinh tế. Chính vì những lợi thế đó, KTCS được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác và trở thành xu hướng tiêu dùng chính trong tương lai.

ky 1 mo loi dan dat phat trien
AIRBNB - Chiến thắng của nền kinh tế chia sẻ

Đối với nhiều người đang sinh sống tại các thành phố lớn của Việt Nam, trước đây mỗi khi đi lại thường sử dụng dịch vụ “xe ôm” hay taxi truyền thống, còn nay họ sẽ gọi Grab qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Chỉ sau vài năm, Grab đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của hàng triệu người Việt. Không những vậy, Grab còn tác động làm chuyển biến nhận thức cũng như văn hóa kinh doanh của nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống. Dưới sức ép cạnh tranh từ “taxi công nghệ”, giá cước của taxi truyền thống không còn thường xuyên “nhảy múa”, trở nên ổn định mà không cần sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước. Thêm nữa, “taxi công nghệ” buộc các doanh nghiệp taxi truyền thống phải nhanh chóng thay đổi, ứng dụng công nghệ mới.

Ths Đỗ Thị Nhung (Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh) cho rằng, qua việc tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống, KTCS thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh tế nói chung, vấn đề then chốt mà Việt Nam đang hướng tới. Nó còn giúp nước ta thích ứng tốt hơn với những đổi thay lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu; phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng mọi nguồn lực để đất nước tiến lên phía trước nhưng “không ai bị bỏ lại phía sau”, mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng. Là quốc gia có dân số trẻ, thích ứng nhanh với thay đổi của công nghệ, cộng thêm tỷ lệ người sử dụng Internet chiếm tới 53% tổng dân số, Việt Nam được đánh giá là “miền đất màu mỡ” cho KTCS.

Kết quả khảo sát công bố mới đây của Nielsen (công ty chuyên về thông tin, dữ liệu và đo lường toàn cầu của Mỹ) càng khẳng định tiềm năng to lớn của KTCS khi 75% số người Việt Nam được hỏi cho biết thích các ý tưởng kinh doanh của mô hình này, cao hơn nhiều so tỷ lệ 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu. Chính vì vậy, dù chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam, song KTCS đã có được những bước phát triển mạnh mẽ. Trước hết là sự gia nhập của các dịch vụ vận tải trực tuyến như Uber, Grab (năm 2014), tiếp đó là hàng loạt mô hình khác như chia sẻ phòng (Airbnb), ước tính hiện có khoảng 16 nghìn cơ sở đăng ký trên cả nước; dịch vụ du lịch (Triip.me); sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng (Rada); tài chính, ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (huydong.com)…

Rõ ràng, chúng ta đang có vị thế tốt để tận dụng các cơ hội từ KTCS. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, KTCS cũng tiềm ẩn không ít thách thức. Trước hết, là mô hình mới nên KTCS chắc chắn sẽ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ ba bên trong hợp đồng kinh tế thay vì hai bên như trước đây, trong khi cơ sở pháp lý hiện hành còn thiếu nhiều quy định để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, KTCS còn tạo nên xung đột lợi ích với các mô hình kinh doanh truyền thống. “Cuộc chiến” giữa Grab và các hãng taxi truyền thống dai dẳng suốt mấy năm qua là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, sự phát triển nhanh chóng của KTCS khiến nhiều vấn đề như an toàn lao động, bảo hiểm… trở nên khó kiểm soát đối với các bên tham gia, nhất là nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

KTCS đang mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, mở ra những phương thức, cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0, tạo thêm việc làm, giúp người lao động nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, dưới tác động của KTCS, thị trường cũng trở nên minh bạch, cạnh tranh tích cực với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt, KTCS còn góp phần cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số, thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số. (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh)

(Xem tiếp kỳ sau)

Hải Phạm

Kinh tế chia sẻ - Những cơ hội mới
Kinh tế chia sẻ: Các xu hướng và tác động tới nền kinh tế Việt Nam
Đón nhận “nền kinh tế chia sẻ”

Giá vàng

Tỉ giá