Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới

16:31 | 30/11/2022

564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới”. Hội thảo bàn về các vấn đề xoay quanh mô hình kinh tế chia sẻ từ đó tìm ra giải pháp thúc đẩy cạnh tranh trong kinh doanh.
Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới
Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; ThS Dương Thu Hương, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp; TS Bùi Thái Quyên, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó trưởng phòng điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương; bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại công ty Grab tại Việt Nam.

Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới
TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Phát biểu khai mạc, ông Đặng Đức Anh cho biết, trong 3 năm vừa qua, trong đề án phê duyệt về kinh tế chia sẻ (KTCS), một số hoạt động đã được triển khai tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung chưa được thực hiện. Hội thảo lần này sẽ tập trung vào thảo luận những điều đã làm được, hoạt động nào làm cản trở KTCS, từ đó tìm ra ra hướng đi nhằm thúc thúc đẩy quá trình phát triển mô hình kinh doanh theo mô hình KTCS.

Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới
Ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Theo ông Lưu Đức Khải, bản chất của mô hình KTCS là một mô hình kinh doanh mới tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số. Mô hình kinh doanh này giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.

Đối tượng tham gia KTCS bao gồm: Người sử dụng cá nhân, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp phi lợi nhuận, doanh nghiệp vì lợi nhuận, cộng đồng địa phương, Chính phủ.

KTCS chưa phát triển mạnh ở nhiều nước nhưng có tiềm năng phát triển lớn. Bằng chứng chính là trước và sau đại dịch Covid-19.

Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện như: dịch vụ vận tải trực tuyến từ 2014 (Uber, Grab, dichung...); dịch vụ chia sẻ phòng (cơ sở Airbnb), dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (peer to peer lending). Nhiều dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như: du lịch (Triip.me), dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng; radar…, hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định chung mà là những chính sách cụ thể ở từng lĩnh vực (vận tải, ngân hàng, lưu trú…).

Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới
ThS Dương Thu Hương, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp.

Bà Dương Thu Hương cho biết, KTCS vẫn là một xu hướng, cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của mô hình này; không cần thiết phải ban hành một luật riêng chỉ để điều chỉnh KTCS.

Việc điều chỉnh pháp luật trong thời gian tới cần tập trung vào việc xử lý, hạn chế các rủi ro phát sinh do sự phát triển của KTCS, chẳng hạn: rủi ro đối với người lao động, người tiêu dùng khi tham gia KTCS; rủi ro biến tướng thành “tín dụng đen” của các mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending); rủi ro xâm phạm dữ liệu cá nhân...

Bà Hương đưa ra một số gợi ý chính sách gồm: (1) Cần tư duy lập pháp “mở’ và “linh động” để các “nhà làm chính sách”, các nhà lập pháp “đồng hành” cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (2) Đối với dịch vụ cho vay ngang hàng P2P lending: cần sớm ban hành khung khổ pháp lý để thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh cũng như hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước (3) Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; (4) Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (5) Bảo vệ quyền lợi người lao động trong nền KTCS (6) Bảo vệ dữ liệu cá nhân (7) Tăng cường quản lý thuế với các nhà cung cấp nền tảng trung gian.

Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới
TS Bùi Thái Quyên, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Theo TS Bùi Thái Quyên, lao động trong KTCS thông qua các nền tảng kỹ thuật số trung gian, thực hiện công việc nền tảng hoặc cung cấp cho người khác quyền truy cập tạm thời đối với tài sản.

Cần phân biệt rõ 2 khái niệm trong KTCS là lao động phi chính thức (nói đến con người); việc làm phi chính thức (nói đến công việc). Mỗi lao động chỉ được xác định trên công việc chính. Lao động phi chính thức sẽ được xác định cả trong khu vực phi chính thức và ngoài khu vực phi chính thức.

Khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chủ yếu là hộ sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác, cơ sở sản xuất nhỏ...; Việc làm phi chính thức là việc làm không có bảo hiểm xã hội và không có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Ở Việt Nam hầu hết việc làm thuộc khu vực kinh tế phi chính thức được coi là việc làm phi chính thức.

Hiện nay tại Việt Nam đang có sự độc quyền của các nền tảng và người lao động không được đàm phán về các điều khoản trong hợp đồng.

Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới
Bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó trưởng phòng điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương.

Bà Hoàng Thị Thu Trang cho biết, những rào cản cạnh tranh trong KTCS tại Việt Nam bao gồm: rào cản về vốn; rào cản pháp lý; rào cản từ hiệu ứng mạng lưới của các nền tảng số lớn; rào cản từ sự độc quyền sở hữu; rào cản từ chiến lược hình thành hệ sinh thái số.

Để thúc đẩy cạnh tranh trong kinh doanh theo mô hình KTCS tại Việt Nam cần xây dựng và ban hành hướng dẫn chi tiết thực thi pháp luật cạnh tranh; xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho các nền tảng lớn; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực của các cơ quan cạnh tranh và tăng cường kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế có tác động HCCT, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới
Bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại công ty Grab tại Việt Nam.

Bà Đặng Thùy Trang cho biết, Grab bắt đầu thâm nhập thị trường từ 2014, đến nay đã tạo thành hệ sinh thái đa dạng. Sau 8 năm từ ứng dụng gọi xe đã trở thành ứng dụng đa dịch vụ và là mô hình điển hình trong áp dụng KTCS.

Trong đại dịch Covid-19, hầu hết đối tượng được ra đường là các shipper chuyên chở các sản phẩm thiết yếu đến cho người dân. Hành trình di chuyển đều được quản lý và dễ dàng truy vết. Hiện nay, Grab đang giữ vai trò duy trì việc làm, nguồn thu nhập cho tài xế; hỗ trợ thương nhân, hộ kinh doanh; thúc đẩy gắn kết cộng đồng thông qua nền tảng số.

Trước những khó khăn do quy định hiện hành của pháp luật chưa rõ ràng, bà Trang đề xuất cần xây dựng quy định phù hợp mô hình kinh doanh mới, bổ sung quyền lợi cho BHXH tự nguyện và triển khai thêm nhiều giải pháp thúc đẩy nền KTCS.

Minh Đức