Đón nhận “nền kinh tế chia sẻ”

09:08 | 02/08/2017

1,336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, nhiều người thường nhắc đến “nền kinh tế chia sẻ”, không chỉ trên những diễn đàn, hội thảo khoa học, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà ngay cả trong phần lớn các chương trình khởi nghiệp của giới trẻ.

Vậy nền kinh tế chia sẻ là gì, từ đâu đến, Việt Nam đã đón nhận nó như thế nào và sẽ gặp những thách thức gì…?

Đúng ra, sự chia sẻ về kinh tế đã hình thành cả nghìn năm gắn liền với cuộc sống con người. Nhưng kể từ khi bùng nổ công nghệ thông tin, sự kết nối giữa con người với con người vượt ra khỏi tầm mắt, thậm chí là xóa nhòa biên giới quốc gia thì sự chia sẻ kia đã phát triển đến mức biến thành một loại hình kinh tế mới, được gọi là nền kinh tế chia sẻ.

Có thể hiểu nền kinh tế chia sẻ một cách ngắn gọn rằng, “cái gì của tôi cũng có thể là của bạn, miễn là trả phí”. Có nghĩa là bạn không cần tốn nhiều tiền để sở hữu một sản phẩm đắt tiền mà thường xuyên không dùng đến nó. Thông qua hệ thống mạng, nền kinh tế chia sẻ sẽ xuất hiện và nhu cầu của bạn liền lập tức được đáp ứng với chi phí hết sức hấp dẫn.

don nhan nen kinh te chia se

Theo các nhà nghiên cứu thì nền kinh tế chia sẻ bắt đầu phát triển mạnh ở Mỹ những năm đầu của thế kỷ XXI và thành công nhất ở lĩnh vực cho thuê nhà và xe hơi. Theo thống kê của website Airbnb, trung bình những người cho thuê nhà ở San Francisco cho thuê nhà trong 58 đêm/năm và thu về 9.300USD. Những người cho thuê xe hơi trên website RelayRides cũng thu về số tiền không nhỏ mỗi năm.

Ở Việt Nam gần đây đã bắt đầu phát triển nền kinh tế chia sẻ này, dễ thấy nhất là lĩnh vực bán hàng đa cấp, vận tải công cộng Uber, Grab, căn hộ kiêm khách sạn Condotel… Lợi ích thì cũng nhiều nhưng sự trả giá và tranh cãi xảy ra không ít.

Chẳng hạn như loại hình căn hộ kiêm khách sạn Condotel, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam chỉ có những quy chuẩn cho căn hộ riêng và khách sạn riêng mà chưa có danh mục “lưỡng tính” này, vì thế thị trường Condotel hiện đang phát triển mạnh mẽ ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… nhưng thiếu các điều luật để Nhà nước quản lý và định hướng phát triển.

Các nguồn thông tin cho hay, hiện tại, có 7 đơn vị của Việt Nam cùng tham gia cung ứng dịch vụ tương tự Grab và Uber.

Hoặc rõ nét nhất là cuộc tranh cãi vô tiền khoáng hậu giữa taxi truyền thống và dịch vụ vận tải Uber, Grab.

Ở Mỹ, quê nhà của Uber, nhiều doanh nghiệp taxi lớn phá sản sau sự ra đời của taxi công nghệ. Cuối tháng 5-2017, nhiều hãng taxi truyền thống tại Mỹ đề nghị một khoản bồi thường do sự bất công trong quản lý khi taxi phải chịu nhiều khoản phí đăng ký, sơn xe theo quy định, còn các ứng dụng gọi xe thì không. Tòa án Tối cao bang Georgia đã đưa ra phán quyết từ chối bồi thường, khẳng định: "Các hãng taxi sẽ phải cạnh tranh với Uber, không có quyền áp đặt độc quyền không thể thay thế'".

Dù không bồi thường, nhưng một số bang áp dụng bỏ các quy định đối với taxi truyền thống như màu xe, nơi đón trả khách, các loại giấy phép đăng ký, để có thể cạnh tranh bình đẳng với taxi công nghệ.

Ở Việt Nam, để bảo đảm cho cạnh tranh công bằng, chắc chắn hệ thống luật pháp sẽ được điều chỉnh, tuy nhiên, nhiều hãng taxi truyền thống của Việt Nam đã “tự cứu mình trước khi trời cứu”.

Các nguồn thông tin cho hay, hiện tại, có 7 đơn vị của Việt Nam cùng tham gia cung ứng dịch vụ tương tự Grab và Uber. Bên cạnh việc đầu tư vào ứng dụng đặt xe, các hãng taxi truyền thống còn đẩy mạnh việc thay mới ôtô. Ngoài 2.000 xe Toyota Vios và Innova đời mới, Taxi Group đã bổ sung nhiều ôtô Hyundai i10 phục vụ dưới nhãn hiệu Taxi Group Eco. Trong khi đó, Mai Linh đang có kế hoạch triển khai 10.000 xe taxi chạy bằng điện.

Mặc dù vẫn phản ứng về sự thiệt thòi, như quy định logo, số lượng xe hoạt động, đường cấm, giờ cấm… đang được áp chặt với taxi truyền thống, nhưng lãnh đạo taxi Thành Công Car vẫn kịp thời ra mắt thêm ứng dụng đặt xe dựa trên nền tảng công nghệ Chatbot mới nhất của facebook với tên gọi ThanhCongApp. Khách hàng đặt xe qua những ứng dụng kết nối của Thành Công taxi như ThanhCongApp trên nền tảng facebook, ứng dụng MOCA để thanh toán… sẽ nhận được những ưu đãi lớn về mức cước cũng như những giá trị dịch vụ đi kèm. Cước tuyến sân bay của Thành Công taxi chiều đi từ Hà Nội - Nội Bài chỉ từ 119.000 đồng và chiều về Nội Bài - Hà Nội chỉ từ 159.000 đồng khi khách hàng đặt xe trước…

Nêu những ví dụ trên đây để có thể nói “nền kinh tế chia sẻ” là cơ hội và cũng là thách thức của bất kỳ ai trên trái đất này. Nếu ai khai thác khôn ngoan và thông minh thì ắt hưởng lợi.

don nhan nen kinh te chia se

Năm 2013, một từ khóa mới là “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của Chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới Industrie 4.0 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tháng 1-2015. Hiện nay, công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc