Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi:

Kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo

18:40 | 05/11/2013

2,739 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm nay, 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Về các thành phần kinh tế (khoản 1 Điều 51), theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đa số ý kiến tán thành với quy định về thành phần kinh tế trong Dự thảo, nhưng đề nghị phân biệt rõ giữa khái niệm “kinh tế nhà nước” và “doanh nghiệp nhà nước”. Ý kiến khác băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 “các thành phần kinh tế bình đẳng”. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Hiến pháp quy định về các thành phần kinh tế cụ thể. 

 “Việc quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế”, ông Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý báo cáo trước Quốc hội

 

Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ, ông Phan Trung Lý tiếp tục khẳng định, hoàn toàn không có sự mâu thuẫn ở đây. “Kinh tế nhà nước bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, đất đai, tài sản, tài nguyên, con người… còn doanh nghiệp nhà nước chỉ là chủ thể hoạt động theo nguyên tắc bình đẳng.”

Bên cạnh những nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhằm thể hiện bản chất chế độ kinh tế của Nhà nước ta, thể hiển rõ định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Hơn nữa, “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng, chứ không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước.

“Về ý kiến đề nghị bổ sung các thành phần kinh tế cụ thể khác trong Hiến pháp, như đã thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, nếu liệt kê cụ thể các thành phần kinh tế sẽ không bảo đảm tính khái quát của Hiến pháp. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các thành phần kinh tế như Dự thảo,” ông Lý bổ sung.

Đối với chính sách khuyến khích đầu tư (khoản 3 Điều 51), có ý kiến đề nghị bổ sung từ “doanh nhân” vào khoản 3 để ghi nhận vai trò và trách nhiệm của doanh nhân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất quan trọng. Do đó, tiếp thu ý kiến này của đại biểu Quốc hội, xin thể hiện lại khoản 3 Điều 51 như sau: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân và các tổ chức, cá nhân khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Liên quan các nội dung quy định về đất đai, đa số đại biểu nhất trí, việc thu hồi đất đai phải được thực hiện theo pháp luật, nhưng ông băn khoăn với cụm từ thu hồi theo quy hoạch. Tuy nhiên, quy định này vô hình chung đã đặt tính chất của quy hoạch ngang với pháp luật mà quy hoạch thì diễn ra ở mọi cấp, không tránh khỏi chồng chéo, thiếu khoa học. Thực tế, việc điều chỉnh nhiều lần quy hoạch là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai nên nếu lấy đây là cơ sở để thu hồi đất đai thì “không ổn”. 

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) phát biểu tại Hội trường chiều nay 5/11

Tán thành quan điểm này, Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Nhiên (TP Hải Phòng) nhất trí, cần quy định vấn đề thu hồi đất vào trong hiến pháp vì quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân. Đại biểu Nhiên khẳng định việc thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh là cần thiết nhưng vẫn còn băn khoăn về việc thu hồi thực hiện các dự án kinh tế xã hội. Theo ông Nhiên, dự thảo phải quy định rõ các trường hợp thu hồi để làm cơ sở xây dựng Luật đất đai sửa đổi.

Nhận xét về dự thảo sửa đổi lần này, các đại biểu đánh giá cao với nội dung đã được tiếp thu, chỉnh sửa và thể hiện trong bản dự thảo hiến pháp mới. 

“Dự thảo lần này đã gần tiếp cận đến “chân lý” của loài người. Mỗi lần sửa hiến pháp đều dựa trên các định chế phù hợp, xuất phát từ những chủ thuyết mang tính kế thừa. Hiến pháp lần này tập trung xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền”, Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói.

Theo phân tích của đại biểu Quyền, dự thảo mới đã khẳng định rõ ràng hơn nữa chủ quyền nhân dân, toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thể hiện qua hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Đồng thời, dự thảo hoàn thiện hơn nữa thể chế chính trị và mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, rạch ròi hơn 3 quyền lập pháp – hành pháp - tư pháp. Bên cạnh đó, dự thảo mới đã thể hiện được đặc trưng mô hình tổ chức bộ máy nhà nước luôn phải gắn với thể chế chính trị; quyền con người và công dân được bảo đảm, hiện thực hóa hơn, có khả năng luật hóa để đi vào cuộc sống; mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân theo hướng dân chủ hơn, trách nhiệm Nhà nước được tăng cường hơn; các chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra đều được quy định rõ.

Lê Tùng