Kinh tế đứng vững trước những "cú sốc" từ bên ngoài

12:59 | 02/01/2023

447 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm qua, các chuyên gia kinh tế tin tưởng và kỳ vọng Chính phủ “sóng dù cả, tay chèo vẫn vững” tiếp tục đưa nền kinh tế Việt Nam đạt những thành tựu mới.
Những thành quả rất đáng tự hào

"Chính phủ đã có quan điểm và hành động rất rõ ràng, đó là kiên quyết giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đây là nét nổi bật nhất trong công tác điều hành của Chính phủ trong năm 2022", nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước trao đổi với Báo điện tử Chính phủ.

Kinh tế đứng vững trước những ‘cú sốc’ từ bên ngoài - Ảnh 1.
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Theo TS. Trương Văn Phước, con số tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát là những thành quả rất đáng tự hào khi nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế mở, lại đặt trong bức tranh thế giới năm 2022 là lạm phát bùng lên khắp toàn cầu.

Với quan điểm kiên quyết giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã sử dụng nhiều giải pháp, chính sách kịp thời.

"Trong khi giá xăng dầu, năng lượng, nhiêu liệu thế giới tăng cao, ở thị trường Việt Nam mặc dù có tăng nhưng Chính phủ đã sử dụng các chính sách như: Miễn, giảm các loại thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này đã làm giảm "cú sốc" giá xăng dầu từ bên ngoài vào Việt Nam", ông Phước dẫn chứng.

Điều đó đã thể hiện sự đóng góp nổi bật của Chính phủ trong tổ chức lưu thông, phân phối hàng hóa ở trong nước. Đặc biệt, nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là trụ đỡ rất quan trọng. Không giống như nhiều nước, chúng ta đã không bị cú sốc về giá nông sản, thực phẩm. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã chủ động trong việc điều phối giá các mặt hàng cơ bản, như giá giao thông vận tải, giá giáo dục, y tế.

"Chúng ta đã bảo vệ được ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức chấp nhận được dưới 4%, tăng trưởng khá cao, ứng xử của Chính phủ trong chính sách về lưu thông hàng hóa, chính sách về tiền tệ là phù hợp. Đó là nét nổi bật của Chính phủ", ông Phước nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phước, yếu tố lạm phát chưa đáng ngại bởi tỉ giá, lãi suất vẫn đang được điều hành tốt. Phản ứng về các chính sách tài chính, tiền tệ khá linh hoạt. Có thời điểm, chúng ta nâng lãi suất để tạo công cụ, góp phần cùng các giải pháp khác chống lạm phát. Chúng ta cũng điều chỉnh tỉ giá trong bối cảnh USD tăng mạnh...

Tuy nhiên, bàn về những vấn đề cần nhìn nhận, ông Phước cho rằng đó là gần đây, thị trường vốn đã bộc lộ một số hạn chế. Khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước về thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, do đó đã xảy ra những vi phạm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, sử dụng sai mục đích, công bố thông tin không chính xác, khiến cơ quan chức năng phải sử dụng nhiều biện pháp, kể cả hình sự để xử lý.

Ngoài ra, trong những tháng cuối năm, sau khi một số công ty ở TPHCM có sai phạm, lòng tin của thị trường cũng phần nào bị suy giảm, dẫn đến hiện tượng người dân ồ ạt rút tiền, lãi suất tăng quá cao, thanh khoản của thị trường có nơi có lúc khó khăn.

"Đây chính là những vấn đề mà năm 2023 chúng ta phải xử lý rốt ráo, căn cơ, căn bản", ông Phước cho hay.

Phân tích thêm về hiện tượng lãi suất quá cao so với lạm phát, ông Phước cho rằng, giữa lãi suất và lạm phát phải có mối tương quan hợp lý. Nếu lãi suất cao quá thì sẽ tác động đến chi phí vốn của toàn xã hội. Hiện nay NHNN đang tìm mọi cách để kéo giảm lãi suất.

Theo nhiều nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới và lạm phát toàn cầu trong năm 2023 có thể giảm (năm 2022 tăng trưởng toàn cầu khoảng 2,9%; dự kiến chỉ khoảng 2,5-2,6% vào năm 2023; năm 2022, lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh khoảng 9,5%, dự kiến năm 2023 giảm xuống còn 5,5%). Tăng trưởng thấp tác động đến tổng cầu của nền kinh tế thế giới. Như vậy thương mại hàng hóa của thế giới sẽ giảm xuống rõ rệt, sẽ chỉ tăng khoảng 1% so với mức tăng 3,4% của năm 2022.

Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, khi thương mại thế giới suy giảm, sẽ bị ảnh hưởng. Bởi một trong những yếu tố để tạo nên tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu ròng. Do đó, khu vực xuất khẩu sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn trong năm 2023.

Đối với đầu tư công, trong năm 2022, Chính phủ đã làm rất quyết liệt việc khởi công, giải ngân nhiều dự án lớn nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu. "Với trên 700.000 tỷ đồng cho năm sau, nếu chúng ta tiếp tục kiên quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chồng chéo trong hệ thống quy định của pháp luật, nỗ lực của các dự án, địa phương, bộ ngành thì đây sẽ là yếu tố đóng góp cho tăng trưởng", ông Phước cho hay.

Đương nhiên cũng phải giải quyết các vấn đề căn cơ, đó là xây dựng thị trường vốn, phải có hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh thị trường này theo hướng công khai, minh bạch và tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, ví dụ việc phát hành trái phiếu phải thỏa mãn các điều kiện nào, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp, tài sản bảo đảm, công bố thông tin ra sao…

Thị trường tiền tệ cũng cần tạo nên thanh khoản của thị trường, kéo giảm lãi suất, giữ ổn định tỉ giá khi đồng đô la Mỹ trên thế giới đang có hiện tượng không tăng giá mà từng bước giảm giá trong năm 2023. Đồng thời cần tạo môi trường đầu tư thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam.

Năng lực ứng phó với những điều kiện bất lợi

Đồng quan điểm, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm qua đã thể hiện tính linh hoạt, hiệu quả và khả năng ứng phó với điều kiện bất lợi.

Kinh tế đứng vững trước những ‘cú sốc’ từ bên ngoài - Ảnh 2.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Những con số mà Tổng cục Thống kê đưa ra gần đây đã nói lên điều đó. Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng GDP cao, so với nền chung của thế giới và so với một số nước trong khu vực.

"Nếu tính từ cuối năm 2021, chúng ta vẫn giữ mạch tăng. Điều đó đã cho thấy mặc dù trải qua những thời điểm vô cùng khó khăn chúng ta vẫn tận dụng được thời cơ, khai thác được các lợi thế. Điều đó thể hiện tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và năng lực ứng phó với điều kiện bất lợi, khó khăn của Chính phủ và thực tế đã được kiểm chứng", TS. Tô Hoài Nam nói.

Đáng chú ý, lạm phát được kiểm soát dưới 4% trong bối cảnh chi phí đẩy bởi nhiều yếu tố đầu vào xăng dầu, các vấn đề về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp xảy ra những vụ việc phức tạp tác động không nhỏ đối với tâm lý của doanh nghiệp và người dân.

Để kiểm soát được lạm phát có rất nhiều yếu tố nhưng theo đại diện VINASME yếu tố quan trọng chính là Việt Nam đã giữ vững an ninh lương thực, hàng hóa thiết yếu. Cũng chính yếu tố này đã đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế. Đó là thành công của Chính phủ.

Phân tích thêm một số điểm sáng trong kinh tế năm qua, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

"Chúng ta vẫn giữ vững được phong độ về xuất khẩu trong mọi bối cảnh, mọi tình huống, kể cả lúc trước thời điểm COVID-19, sau thời điểm COVID-19 hay có xung đột trên thế giới".

Hơn nữa, việc thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán sẽ bảo đảm nguồn lực hơn cho năm 2023 về chi tiêu công, bởi nếu giữ vững quốc khố khỏe mạnh thì đây là bệ đỡ hỗ trợ cho nền kinh tế lúc khó khăn và đầu tư cho phát triển, đặc biệt là cho những dự án đầu tư hạ tầng lớn tầm chiến lược quốc gia mà chúng ta không thể không làm trong năm 2023 như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam…

Bên cạnh đó, mặc dù năm 2022 là năm thực hiện một khối lượng công việc rất lớn với nhiều biến động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bối cảnh khó khăn như vậy, Việt Nam đã có thành công quan trọng trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ. Đây là yếu tố tăng trưởng có tính bền vững, lâu dài vì khoa học công nghệ sẽ tạo nên giá trị gia tăng cao cho hàng hóa Việt nam. Nhiều đơn vị phát triển khoa học công nghệ tầm thế giới nằm trong khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện được vị trí của mình. Điển hình như FPT đã sản xuất được chip vi mạch, VINFAST xuất khẩu ô tô điện ra thị trường thế giới…

Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều tập đoàn lớn, đơn cử như Samsung, Apple, LEGO,Foxconn… tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS. Tô Hoài Nam, điểm cần lưu ý là hiện nay, khả năng tiếp cận vốn của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực tư nhân còn khó khăn. Tính thanh khoản vẫn là vấn đề thách thức đối với các doanh nghiệp. Mặc dù NHNN đã nới room tín dụng nhưng trên thực tế vẫn khó để DN vay vốn.

Trong năm tới, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng Chính phủ tiếp tục khai thác các lợi thế, không để các động lực suy giảm đặc biệt là yếu tố "cung cầu" cho thị trường nội địa, kiên quyết giữ vững GDP, kiểm soát lạm phát tốt, tăng cường xuất khẩu (giảm chi phí bởi Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia chi phí cho thủ tục xuất nhập khẩu cao hơn với khu vực); đầu tư công mạnh mẽ, đặc biệt là có cơ chế giải ngân vốn đầu tư công thật nhanh để tạo cầu cho thị trường; quan tâm hơn nữa đến phát triển khoa học công nghệ; thực hiện tốt các hiệp định FTA thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết.

VINASME tin tưởng rằng, năm 2023, Chính phủ sẽ chỉ đạo nhiều giải pháp để cải thiện kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là cho khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Tài chính tín dụng, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, tín dụng phải thông thoáng, vừa bảo đảm an ninh tiền tệ nhưng cũng phải điều tiết, điều hòa vốn cho cả nền kinh tế. Bởi hiện nay, hơn 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu vốn. Do đó, cần có những chính sách sớm trong quý I để có thể xử lý được thanh khoản.

"Mong muốn nhất của cộng đồng doanh nghiệp vẫn là dẫn vốn cho nền kinh tế, cho sản xuất, doanh nghiệp", TS. Tô Hoài Nam cho hay.

Một điểm nữa là khu vực người lao động cần tiếp tục được chăm lo, quan tâm, trong đó có vấn đề nhà ở cho người lao động, công nhân. Nếu người lao động không được hỗ trợ, chất lượng sinh hoạt, sức khỏe không bảo đảm, họ sẽ không thể yên tâm làm việc và ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.

Tiếp tục cần những giải pháp mạnh, sự điều hành mạnh mẽ, linh hoạt

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, bất thường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp toàn diện và rất khẩn trương đưa ra các chính sách, giải pháp hiệu quả để đáp ứng với tình hình mới, phát triển kinh tế toàn diện, phù hợp với bối cảnh biến động và rất bất thường như hiện nay.

Kinh tế đứng vững trước những ‘cú sốc’ từ bên ngoài - Ảnh 3.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: VGP/Lan Anh

Đặc biệt, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh việc vừa tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa nỗ lực cao nhất để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.

"Chúng ta hẳn rất ấn tượng bởi ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác đặc biệt "xuyên Việt, xuyên Tết" kéo dài 3 ngày, băng qua những cung đường bộ dài gần 1.600km hiểm trở đang trong quá trình thi công và nhiều chặng bay vào Nam ra Bắc để chỉ đạo về đầu tư công và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm", TS. Nguyễn Bích Lâm chia sẻ ý kiến.

TS. Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, chính Chính phủ, Thủ tướng cũng làm việc với tinh thần này khi ngay ngày mùng 3 Tết, Thường trực Chính phủ đã họp về tình hình Tết và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết. Việc này cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc phục hồi kinh tế, bù đắp lại những khó khăn, mất mát do dịch bệnh gây ra, để đất nước có thể phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Trong năm 2022, TS. Nguyễn Bích Lâm đặc biệt rất ấn tượng bởi sự phối hợp, đồng hành giữa quốc hội và Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, môi trường, pháp lý trong tình hình mới. Việc này cho thấy hiệu quả cao trong công tác phối hợp, điều hành, bộ máy hành pháp của chính phủ.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết tâm đầy quyết liệt nên năm 2022 đã mang lại nhiều dấu ấn ấn tượng. Trong đó, Chính phủ dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt 8%, vượt chỉ tiêu 6%-6,5% được giao. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD - lập đỉnh mới sau kết quả gần 670 tỷ USD năm ngoái; vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua; thu ngân sách nhà nước tăng gần 8% so với 2021. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động gấp 1,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, môi trường pháp lý hiện vẫn còn bất cập, cụ thể hơn là vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật của chưa phù hợp, nên vẫn còn cản trở cho quá trình phát triển. Chẳng hạn như trong giải ngân vốn đầu tư công, có nhiều nguyên nhân giải ngân chậm, một trong những nguyên nhân đó là môi trường pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực này trói buộc vốn đầu tư công.

Do đó, trong năm 2023 tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp kịp thời, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong tình hình mới. Tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương để kịp thời đưa các giải pháp, chính sách vào cuộc sống. Bởi giải pháp, chính sách có tốt nhưng không triển khai thực hiện được thì vẫn chỉ là giải pháp, chính sách trên giấy, không tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp và công dân.

Báo cáo mới đây của Chính phủ trong kỳ họp quốc hội vừa qua đã nêu ra những tồn tại, đưa ra những bài học kinh nghiệm rất xác đáng. Trên cơ sở đó Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra những chỉ đạo điều hành hiệu quả, gắn trách nhiệm của các bộ ngành, những người chịu trách nhiệm để xử lý công việc một cách triệt để.

Dự kiến trong năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, vẫn tiếp tục khó khăn. Do đó, chúng ta cần những giải pháp mạnh, sự điều hành mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong việc phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Những điều giới đầu tư cần lưu ý về thị trường mới nổi trong năm 2023

Những điều giới đầu tư cần lưu ý về thị trường mới nổi trong năm 2023

Nhiều quốc gia đang đứng trên bờ vực vỡ nợ, biến động ngoại tệ, thua lỗ nặng vì đầu tư chứng khoán và trái phiếu... Năm 2022 là một năm đầy khó khăn cho thị trường mới nổi. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tìm thấy triển vọng lạc quan cho năm 2023. Sau đây là những sự kiện, xu hướng và chủ đề mà giới đầu tư đặt kỳ vọng vào. Họ mong những tiêu điểm này sẽ định hình triển vọng cho những thị trường mới nổi trong năm tới.