Kiên cường ứng phó, dồn sức khắc phục hậu quả bão số 3
Cường độ bão mạnh, ảnh hưởng rộng trên hầu khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Trong đó, thiệt hại lớn nhất là hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Theo số liệu bước đầu, có 14 người tử vong (Quảng Ninh: 4 người, Hà Nội: 3 người, Hải Phòng: 1 người, Hải Dương: 1 người, Hòa Bình: 4 người, Quân khu ba: 1 người).
Cơn bão số 3 có sức tàn phá nặng nề đã làm gần 200 người bị thương; 25 tàu xi măng và tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Thời gian lưu bão dài, gió giật mạnh, lên đến cấp 12-14 đã làm hơn 3.200 ngôi nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng. Hình ảnh gây choáng nhất là cột viễn thông bị gãy đổ, cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ khiến cho nhiều tuyến đường đến nay vẫn còn ách tắc.
Là khu vực kinh tế trọng điểm nông nghiệp, bà con nông dân các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.... đã bị hư hại, ngập lụt hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu, hàng nghìn lồng bè nuôi trong thủy, hải sản. Thiệt hại kinh tế đến nay vẫn chưa thể thống kê chính xác.
Trong gian nan đối mặt với giặc thủy một lần nữa sáng lên tinh thần, ý chí của người dân đất Việt. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục ban hành 3 Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão. Tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước. Chính phủ đã lập Sở chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong vai trò “Tư lệnh” cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kịp thời, cả về những giải pháp ứng cứu cơ bản và những tình huống cụ thể để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Tư tưởng nổi bật, cũng là mệnh lệnh là: thực hiện phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ; dừng mọi hoạt động không cần thiết để tập trung chống bão.
Rất nhiều hình ảnh sáng đẹp của cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, bất chấp nguy hiểm giúp dân chạy bão, trú bão, sơ tán khỏi những nơi nguy hiểm; các y bác sĩ trắng đêm tận tình cứu chữa người bị thương; những người thợ điện, công nhân môi trường đô thị kịp thời đến hiện trường sửa chữa đường dây, cưa cắt cây đổ thông đường; các phóng viên báo chí xuyên mưa gió đến tận vùng tâm bão để ghi hình, viết tin bài... Nhờ cảnh báo sớm, chủ động phòng chống bão nên đã giảm đáng kể thiệt hại về người.
Trong lúc hoạn nạn, người dân Thủ đô và các tỉnh xảy ra bão lớn đã thể hiện tình thương yêu, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, mất mát. Ở Hà Nội có những gia đình không chỉ dùng nhà riêng giúp đỡ người cần tránh bão mà còn bỏ tiền thuê taxi cho mọi người đến trú tại nhà mình. Có gia đình ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, dành cả căn hộ chung cư rộng 100 mét vuông cho hàng chục người cơ nhỡ đến ở.
Vấn đề trọng tâm sau khi bão tan là nhanh chóng khắc phục hậu quả. Lúc này hoàn lưu của bão còn diễn biến rất phức tạp, gây mưa lớn, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, nhất là ở các tỉnh phía bắc. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ 5 yêu cầu: Một, tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa những người bị thương; hai, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường; ba, khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; bốn, thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời; năm, ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở.
Cơn bão Yagi - “cơn bão năm Giáp Thìn” rồi sẽ qua đi. Phía trước còn rất nhiều công việc. Sự nóng lên của trái đất, sự biến đổi khí hậu sẽ khiến cho thiên tai ngày càng nặng nề. Chủ động để ứng phó, để chiến thắng. Đoàn kết, “nhất hô bá ứng”, thương người như thể thương thân là truyền thống và cũng là kinh nghiệm không bao giờ cũ của người dân đất Việt.
Hải Đường