Năng lượng tiêu cực: Quang Linh Vlogs và bài học đắt giá cho KOC

20:27 | 08/04/2025

262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phạm Quang Linh - cái tên từng được nhắc đến với sự trìu mến và ngưỡng mộ - giờ lại gắn liền với cụm từ “khởi tố”. Từng là một biểu tượng truyền cảm hứng, chàng trai quê đã ghi dấu ấn bằng các video thiện nguyện tại châu Phi, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của người Việt ra thế giới. Nhưng vụ việc liên quan đến quảng cáo sai sự thật sản phẩm kẹo rau Kera đã khiến tất cả sụp đổ.

Ngày 4/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chính thức khởi tố Quang Linh cùng bốn người khác, trong đó có Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), về tội “Lừa dối khách hàng”. Họ bị cáo buộc lợi dụng sức ảnh hưởng để quảng bá sản phẩm kẹo rau với những tuyên bố không đúng sự thật, như “một viên kẹo bằng một đĩa rau luộc”, trong khi kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng chất xơ là không đáng kể.

Đây không còn là chuyện riêng của một cá nhân. Nó phản ánh một vấn đề ngày càng nhức nhối trong môi trường mạng: sự nở rộ thiếu kiểm soát của các KOLs, KOCs - những người có tầm ảnh hưởng nhưng lại xem nhẹ trách nhiệm đạo đức.

Năng lượng tiêu cực: Quang Linh Vlogs và bài học đắt giá cho KOC
Quang Linh từng là một biểu tượng truyền cảm hứng, ghi dấu ấn bằng các video thiện nguyện tại châu Phi.

Hiện nay, trên TikTok, YouTube, Facebook… không khó để bắt gặp những đoạn video quảng cáo “thần thánh hóa” sản phẩm. Một loại nước rửa tay được tung hô “diệt 100% vi khuẩn”, một viên kẹo được ví như “thay thế hoàn toàn rau xanh”, một gói bột được giới thiệu “giảm 10kg trong một tuần”… Những lời quảng bá thiếu kiểm chứng, nói quá, thậm chí lừa dối trắng trợn, ngày càng trở nên phổ biến. Và đáng lo hơn cả: rất nhiều người tin.

Không ít người trẻ đã xây dựng thương hiệu cá nhân bằng sự tử tế, bằng năng lượng tích cực - như Quang Linh trước đây - nhưng rồi lại dễ dàng đánh đổi hình ảnh đó để kiếm lợi nhuận nhanh chóng từ các nhãn hàng, bất chấp tính xác thực của sản phẩm. Họ quên rằng, điều khiến công chúng yêu mến không phải là những cú chốt đơn ấn tượng, mà là sự tin tưởng và chân thành trong từng nội dung chia sẻ.

Kinh doanh trên niềm tin công chúng là một con dao hai lưỡi. Khi giữ được đạo đức nghề nghiệp, đó là cơ hội xây dựng uy tín lâu dài. Nhưng khi niềm tin bị đem ra làm công cụ, biến sức ảnh hưởng thành mồi nhử, thì sớm muộn gì cũng phải trả giá - không chỉ bằng tiền bạc, mà bằng cả sự nghiệp, danh tiếng, thậm chí là trách nhiệm pháp lý.

Sự việc của Quang Linh là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho các KOC: đừng xem nhẹ vai trò của mình chỉ vì “mình không phải chuyên gia”. Đã là người dẫn dắt tiêu dùng, đã nhận tiền để chia sẻ, không thể vô trách nhiệm với thông tin mình phát đi. Không thể chỉ làm content, không thể chỉ livestream bán hàng mà phớt lờ hậu quả khi sản phẩm sai sự thật hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Tất nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận: phần lớn các KOC không được đào tạo bài bản về đạo đức truyền thông hay quy trình kiểm duyệt sản phẩm. Họ bước vào nghề bằng đam mê, bằng tính cách, bằng may mắn chạm đúng xu hướng. Nhưng chính vì vậy, càng cần có khung pháp lý rõ ràng, quy định trách nhiệm cụ thể, thậm chí là chế tài nếu KOC tiếp tay cho hành vi gian dối.

Xã hội có thể bao dung nếu người sai biết sửa sai, nhưng công chúng không thể quên lãng khi họ bị tổn thương. Hy vọng sau cú ngã đớn đau, Quang Linh - và những KOC khác đang chọn con đường kinh doanh bằng niềm tin - sẽ rút ra bài học đắt giá. Niềm tin công chúng không phải thứ có thể “mua sỉ, bán lẻ” bằng vài dòng quảng cáo. Một khi đã mất, không dễ gì lấy lại.

Vụ việc này không chỉ là hồi chuông cảnh báo. Nó là bước ngoặt để ngành công nghiệp KOC nhìn lại mình - và để những người đang có tầm ảnh hưởng hiểu rõ rằng: sự nổi tiếng có thể đến nhanh, nhưng sự tử tế là thứ cần giữ suốt đời…

HAI TÊ