Giá của kẹo giả

10:28 | 20/05/2025

165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố. Một thông tin đủ để cả mạng xã hội giật mình. Người đẹp từng nổi tiếng vì sự duyên dáng, từng được tung hô vì các hoạt động thiện nguyện. Nhưng giờ đây, cô đối diện với cáo buộc quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng, liên quan đến một sản phẩm kẹo rau có tên nghe rất hiền: Kera.

Nhiều người nghĩ: "Chắc cô ấy chỉ quảng cáo giùm, có gì đâu mà nghiêm trọng". Nhưng sự thật phức tạp hơn. Thùy Tiên sở hữu 30% cổ phần trong công ty phân phối sản phẩm. Nghĩa là cô không chỉ là gương mặt đại diện, còn là một phần của guồng máy tạo ra niềm tin - thứ dẫn đến… đơn hàng.

Khi cái tên của bạn được gắn với một sản phẩm, khi mỗi bài viết trên mạng của bạn có thể mang về vài trăm triệu đồng cho thương hiệu, bạn không còn là “người ngoài cuộc”.

Giá của kẹo giả
Hoa hậu Thùy Tiên đã phải trả giá đắt cho những viên kẹo giả.

Thời đại này, người nổi tiếng không chỉ là người đẹp phát ngôn, mà là một tổ chức ảnh hưởng xã hội. Và nếu sự ảnh hưởng ấy dẫn đến hậu quả nghiêm trọng - như đánh lừa người tiêu dùng, bán sản phẩm sai sự thật - không ai có thể trốn tránh trách nhiệm, kể cả… với danh hiệu hoa hậu.

“Chỉ một viên kẹo bằng một đĩa rau” - nghe rất hợp lý… nếu chúng ta còn 10 tuổi. Nhưng kẹo Kera - sản phẩm được quảng cáo như thần dược - hóa ra lại là hàng không rõ nguồn gốc, sai thành phần, bị kiểm nghiệm là không có giá trị dinh dưỡng như quảng cáo.

Tệ nhất là ở chỗ, sản phẩm không chỉ đánh vào sự nhẹ dạ, mà còn lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng với hình ảnh hoa hậu - một biểu tượng cái đẹp, của sự tử tế, đàng hoàng. Khi thương mại bắt tay với danh tiếng để lách đạo đức, hậu quả là cả xã hội bị tổn thương.

Chỉ sau khi người tiêu dùng lên tiếng, báo chí điều tra, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Vấn đề đặt ra là: vì sao một sản phẩm bán tràn lan trên thị trường với lời quảng cáo vô lý như vậy lại không bị phát hiện sớm?

Chúng ta không thể chờ scandal xảy ra mới xử lý. Quản lý thị trường, quảng cáo thực phẩm, kiểm định chất lượng… phải đi trước. Phải có những hệ thống cảnh báo sớm, thay vì xử lý hậu quả khi uy tín, niềm tin và sức khỏe người dân đã bị ảnh hưởng.

Câu chuyện Thùy Tiên không chỉ là một vụ việc cá biệt. Nó là một hệ quả tất yếu khi người nổi tiếng chỉ nhìn vào lợi nhuận, bỏ qua hậu quả, doanh nghiệp dùng hình ảnh lung linh để che đậy sản phẩm kém chất lượng, cơ quan chức năng thiếu kiểm soát đầu vào, lỏng lẻo trong giám sát thị trường.

Cuối cùng, người tiêu dùng đặt niềm tin sai chỗ, dễ bị cuốn theo xu hướng mạng xã hội. Người tiêu dùng cũng cần bước ra khỏi vai trò “nạn nhân bị dẫn dắt”. Khi quyết định mua một sản phẩm sức khỏe chỉ vì vài câu nói của người nổi tiếng, trách nhiệm cũng nằm ở người mua.

Niềm tin mù quáng là rủi ro kinh tế cao nhất. Bởi khác với tài sản tài chính, uy tín một khi mất đi thì không dễ định giá lại.

Thùy Tiên không phải người đầu tiên - và sẽ không phải người cuối cùng - đối mặt với hệ quả pháp lý khi bước vào cuộc chơi ảnh hưởng - thương mại mà thiếu hiểu biết về luật, thiếu hệ thống kiểm soát, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng.

Một viên kẹo không thay được đĩa rau.

Một gương mặt đẹp không thay được kiểm định.

Và một thương hiệu không thể mãi sống nhờ cảm xúc nếu thiếu nền tảng của minh bạch và hiểu biết.

Chúng ta không quy kết cả một thế hệ người nổi tiếng, KOLs. Nhưng rõ ràng, vụ việc này là lời cảnh báo. Hào quang nếu không đi cùng đạo đức - sẽ trở thành công cụ dẫn dắt sai lầm.

Và giờ, Thùy Tiên đã phải trả cái giá rất đắt cho những viên kẹo giả.

Thuận Thiên