Không thay đổi thì nguy!

07:05 | 29/03/2014

3,168 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo một con số được công bố ở Bản tin Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, thì hiện nay cả nước có 72.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp.

Năng lượng Mới số 308

Nghe mà thấy choáng!

Nhưng tôi đồ rằng, con số này là không chính xác. Nếu bây giờ tính được số cử nhân, thạc sĩ phải đi làm các ngành, nghề như chạy xe ôm, làm “osin”, làm các công việc tạp vụ hoặc lao động phổ thông - những loại công việc có khi người mù chữ cũng làm tốt thì có lẽ con số còn cao hơn thế nhiều.

Rồi ở nước ta, lại có đến 1.569 giáo sư và 8.884 phó giáo sư, 12.000 tiến sĩ và số giáo sư ở Việt Nam có các công trình nghiên cứu hằng năm không nhiều hơn một trường đại học của Thái Lan thì mới thấy thảm cảnh cho đội ngũ “có học hàm, học vị” ở Việt Nam. Xin nhớ rằng, 70% giáo sư, phó giáo sư ở Hà Nội, nơi có điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học.

Bao năm nay, chúng ta đã nói mãi về chuyện đất nước ta đang “thừa thầy, thiếu thợ”. Thật ra, câu này cũng chưa đúng bởi lẽ đội ngũ thầy cho ra thầy của chúng ta vẫn đang rất thiếu.

Nhưng rõ ràng rằng, người ta ngày càng đổ xô đi học đại học và hy vọng tấm bằng đại học sẽ là cánh cửa để mở ra con đường tiến thân. Đây là một quan niệm cực kỳ sai lầm.

Nói về sự học, từ xưa đến nay chỉ có câu “Nhân bất học bất tri lý” - Không có học thì không biết lý lẽ phải, trái. Còn về chuyện tiến thân thì lại có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” - Có nghề giỏi thì sẽ vinh danh được.

Sở dĩ cứ phải xô nhau đi học đại học ấy là bởi vì chính sách tuyển chọn người của chúng ta không coi trọng về chất, mà coi trọng về… “ảo”. Cái ảo ở đây chính là tấm bằng đại học.

Nếu lựa chọn cán bộ mà cứ phải dựa vào việc người ấy có tấm bằng đại học hay không thì thật chí nguy. Bởi việc học của chúng ta đang có quá nhiều vấn đề. Nào là chuyện học hành gian dối, rồi “đổi tình lấy điểm”, “đổi tiền lấy bằng”, rồi chuyện học hộ, thi hộ. Thậm chí, học sinh đến lớp 5, lớp 6 mà còn không biết đọc, biết viết… Ấy vậy mà người ta vẫn cứ lấy bằng tốt nghiệp, lấy tiêu chí đại học để đánh giá một con người.

Ở nhiều cơ quan, không có bằng đại học thì thậm chí còn không được lên lương, không được đề bạt cho dù có giỏi đến mấy. Để “quy chuẩn hóa cán bộ”, người ta nảy ra cái gọi là đại học tại chức.

Thật ra, đại học tại chức không có lỗi, mà nên mở. Nhưng đối tượng tuyển chọn cho đại học tại chức cần phải xem xét lại. Thậm chí, đại học tại chức chỉ nên mở để bổ sung kiến thức cho những người làm việc giỏi, có tài và hoàn toàn có đủ khả năng, trình độ để phát triển nhưng chưa được đi học cơ bản nên cần phải bổ sung kiến thức. Đằng này, khối người đã làm gì có chức mà vẫn học tại chức vì ra trường thất nghiệp bèn học luôn.

Gần đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải nói đại ý là những người dốt chỉ có chui vào được cơ quan Nhà nước mà thôi! Điều này thật đúng và nghe thật rõ là đau xót!

Các cơ quan Nhà nước tuyển dụng nhân sự, tổ chức thi tuyển công chức trước hết phải căn cứ vào tấm bằng, còn không biết là kiến thức người ấy có là kiến thức thật hay ảo, là có chút thực tế nào hay sáo rỗng.

Chính vì quan điểm “phi đại học bất thành nhân” mà người ta phải tốn kém tiền bạc để bằng mọi cách cho con đi học, rồi khi đi học lại phải gian dối, chạy chọt để có được tấm bằng. Vậy nên mới lâm vào cảnh 72.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp. Và còn chưa biết rằng có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, thủ khoa chưa có công việc hoặc phải đi làm những việc trái với ngành nghề được đào tạo.

Một tâm lý nữa của người Việt ta là tính sĩ diện hão, thích khoe học hàm, học vị mà coi rẻ cái nghề, thậm chí còn khinh thường những người không có bằng cấp. Đây thực sự là một cách suy nghĩ rất dở của người Việt. Mỗi gia đình đã góp phần tạo nên cơn sốt bằng đại học và sinh viên ra trường thì không có công ăn việc làm, trong khi chúng ta đang rất cần thợ lành nghề, rất cần công nhân kỹ thuật.

Hiện nay, chúng ta có rất nhiều trường đại học và sinh viên học rất nhiều lĩnh vực. Nhưng có lẽ, đã đến lúc các nhà giáo dục cần phải tính toán lại có rất nhiều khoa đào tạo khi ra trường, cơ hội kiếm được việc làm của sinh viên là cực kỳ thấp. Chẳng hạn khoa tâm lý học, thẩm mỹ học… Thử hỏi những sinh viên tốt nghiệp các khoa đào tạo này có được doanh nghiệp hoặc các cơ quan công quyền nào tuyển dụng không. Biết là như vậy nhưng những người không đủ khả năng, trình độ vào các khoa có tính khả thi về công việc sau này cũng đành vào học các khoa mà biết mười mươi là học chỉ để có cái bằng đại học.

Ấy là chưa kể sinh viên đại học ra trường hầu hết chỉ có mớ kiến thức sách vở mà không có một chút kiến thức gì về nghề. Nói nôm na là họ chỉ có thể nói được mà không làm được. Trong khi đó, thực tiễn xã hội hiện nay đòi hỏi mỗi người không những chỉ nói, mà còn phải biết làm.

Chẳng có doanh nghiệp nào thừa tiền mà lại tuyển dụng một ông thạc sĩ, cử nhân về, rồi lại phải cho đi học nghề từ đầu. Tất nhiên, tùy từng ngành nghề mà có thể mở các lớp bồi dưỡng để nâng cao tay nghề, trình độ nghiệp vụ, nhưng đó không phải là đào tạo từ đầu.

Trong lịch sử nước nhà, chúng ta đã thấy không biết bao nhiêu người tài mà có bằng cấp gì đâu. Đâu chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng vậy.

Trong thực tế cuộc sống hiện nay, có rất nhiều những phát minh, sáng chế từ những người “kỹ sư chân đất”. Nhưng những đóng góp của họ cho xã hội thì có khi tập trung những cử nhân đại học lại, nghĩ nát óc cũng không ra.

Ở rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp hiện nay, có thể thấy không hiếm những người có một bằng, thậm chí hai bằng đại học mà phải đi làm những công việc rất đơn giản. Thôi thì kiếm được việc làm để có miếng cơm, manh áo còn hơn là cầm tấm bằng mà nhịn đói.

Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều biện pháp mạnh để tuyên chiến với chủ nghĩa thành tích. Thiết nghĩ, trong công tác tuyển dụng cán bộ của chúng ta cũng cần phải thay đổi. Phải chọn người làm được việc, chứ đừng chọn bằng cấp.

Nếu chúng ta không làm được điều này thì hằng năm, số lượng thạc sĩ, cử nhân ra trường vẫn cứ tăng. Việt Nam có thể “tự hào” mà khoe với thế giới rằng, chúng ta có “dân trí cao”, có số lượng giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân rất đông… mà không bao giờ dám nói rằng tỷ lệ thất nghiệp của thạc sĩ, cử nhân tại Việt Nam cao quá.

Như Thổ

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc