Không nên “khoán” cho bệnh viện

14:55 | 30/08/2017

1,112 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối tháng 5, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) có văn bản về việc giao dự toán chi khám chữa bệnh từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2017 gửi về các địa phương. Dự toán này thấp hơn nhiều so với thực tế chi tại các bệnh viện.   

Theo văn bản này, một số tỉnh được giao dự toán khám chữa bệnh như Quảng Bình được giao 537 tỉ đồng, Phú Thọ gần 954 tỉ đồng… Sau khi giao dự toán như vậy, BHXH một số tỉnh, thành phố đã mời các cơ sở y tế lên triển khai thực hiện. Tuy nhiên, mức “áp” này, các địa phương, cơ sở khám chữa bệnh đánh giá không hợp lý, thấp hơn nhiều không những so với thực tế chi mà thấp hơn cả số giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT theo Quyết định 260 của Thủ tướng Chính phủ. Đã vậy, chi phí khám chữa bệnh năm 2017 dự kiến tăng cao hơn so với năm 2016 do dịch bệnh nhiều và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao.

khong nen khoan cho benh vien
Khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT

Nghị định 105/2014 của Chính phủ quy định rõ: 90% số tiền đóng BHYT dành cho việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT và Quỹ Dự phòng khám chữa bệnh BHYT. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, việc BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT cho các viện như trên là không đúng thẩm quyền và không đúng quy định. Bởi Quỹ BHYT là quỹ tài chính được hình thành từ nguồn đóng BHYT và từ các nguồn hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT và không phân biệt vùng miền. Quỹ này được quản lý tập trung thống nhất, công khai, minh bạch và Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý Quỹ BHYT, quyết định nguồn tài chính để đảm bảo việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong trường hợp mất cân đối thu, chi Quỹ BHYT.

Sau khi gửi văn bản chỉ đạo, Bộ Y tế cũng cho biết, nhiều sở y tế, bệnh viện, địa phương như: Phú Thọ, Bắc Kạn, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) đã có văn bản phản ứng cơ quan bảo hiểm vì cho rằng, việc BHXH các tỉnh giao dự toán chi khám chữa bệnh cho bệnh viện chưa phù hợp, năm sau thấp hơn năm trước khiến công tác khám chữa bệnh, triển khai kỹ thuật mới tại bệnh viện gặp khó khăn. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) là một ví dụ khi dự toán được BHXH giao chỉ đáp ứng được khoảng 56% mức chi của bệnh viện cho việc khám chữa bệnh BHYT. Hay ở Phú Thọ, chi phí khám chữa bệnh năm 2017 đến tháng 7 đã tiêu hết số tiền dự toán được BHXH hội giao, chưa kể vượt trên 620 tỉ đồng so với dự toán này. Bệnh viện Nhân dân 115, TP Hồ Chí Minh cũng gửi văn bản kiến nghị Sở Y tế và BHXH TP Hồ Chí Minh xem xét lại việc giao dự toán chi.

Theo đó, năm 2017 bệnh viện chỉ được giao dự toán chi khám chữa bệnh hơn 546 tỉ đồng, rất thấp so với thực tế chi BHYT tại bệnh viện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã chi hơn 352 tỉ đồng khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh. Như vậy, 6 tháng cuối năm 2017 bệnh viện chỉ còn được chi hơn 193 tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2017 bệnh viện 115 tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá viện phí theo quy định nên dự kiến chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng khoảng 30%. Với mức tăng 30% này, bệnh viện dự kiến 6 tháng cuối năm 2017, BHXH thành phố sẽ quyết toán cho bệnh viện hơn 434,7 tỉ đồng. Như vậy, số tiền dự kiến vượt dự toán chi lên đến hơn 241,4 tỉ đồng. Chưa kể đến từ ngày 1-6, bệnh viện thực hiện Thông tư 04/2017 của Bộ Y tế (ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán vật tư y tế) thì mức quyền lợi cũng như chi phí được Quỹ BHYT chi trả cho người bệnh sẽ tăng lên.

Trước sự phản ánh của các bệnh viện, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố không thực hiện việc giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh năm 2017 và thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, các bệnh viện cho rằng để tránh tình trạng trục lợi, lạm dụng BHYT, BHXH hoàn toàn có quyền từ chối thanh toán. Và trên thực tế, hiện nay cơ quan BHXH vẫn từ chối thanh toán những trường hợp có dấu hiệu lạm dụng các xét nghiệm, ngày giường... Chưa kể đến, tại các bệnh viện, khi phát hiện lạm dụng quỹ sẽ không được thanh toán, bác sĩ phải đóng tiền túi cho chi phí này.

Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Lê Văn Khảm: Dù trong trường hợp nào cũng đều phải làm đúng quy định chuyên môn, đúng phác đồ. Nếu có lạm dụng dịch vụ thì BHXH xuất toán hoặc cùng bệnh viện ngồi lại để thảo luận. Tất cả đều vì quyền lợi của người bệnh.

Nguyễn Bách