Không cần thiết bố trí cảnh vệ cho lãnh đạo tỉnh
Lý do đề xuất
![]() |
Ông Trần Ngọc Vinh (ảnh: Việt Hưng) |
Trong những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đã xuất hiện những hành vi, vụ việc đe dọa đến tâm lý và tính mạng của cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Điển hình như vụ Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái sát hại Bí thư và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái ngay tại phòng làm việc, sau đó tự sát vào tháng 8-2016.
Hay như vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh bị nhắn tin đe dọa. Vụ việc bắt đầu từ dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Công ty CP Trục vớt luồng Hạ Lưu thực hiện. Dự án được Cục Đường thủy nội địa Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2014, nhưng cuối năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị dừng ngay việc thực hiện dự án do trong quá trình triển khai đã có biểu hiện lợi dụng việc thực hiện nạo vét để khai thác cát, trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng. Việc chính quyền tỉnh ngăn cản và đề nghị dừng các dự án dẫn đến việc một số đối tượng nhắn tin đe dọa, khủng bố lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.
Sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vào cuộc, các đối tượng đứng sau “bảo kê”, đe dọa cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã bị bắt giữ. Từ những vụ việc trên cho thấy, nhiều địa phương đã tính đến phương án đảm bảo an toàn cho lãnh đạo tỉnh nên đã đưa ra đề xuất mở rộng đối tượng được cảnh vệ.
Đã có quy định về đối tượng được bảo vệ
Thực tế cho thấy, việc cán bộ, lãnh đạo tỉnh bị đe dọa hoặc khủng bố bằng lời nói, tin nhắn, điện thoại, hành động hoặc vũ lực tấn công là chuyện có xảy ra nhưng những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng như ở Yên Bái chỉ là hy hữu. Cho nên, đề xuất trang bị cảnh vệ cho bí thư, chủ tịch tỉnh thực sự không cần thiết, nhất là khi hiện nay mỗi cơ quan, đơn vị đều có bộ phận bảo vệ làm công tác bảo đảm an toàn chung cho đội ngũ cán bộ trong giờ làm việc.
![]() |
Pháp lệnh Cảnh vệ đã quy định rõ về công tác bảo vệ đặc biệt |
Pháp lệnh Cảnh vệ số 25/2005/PL-UBTVQH11 ngày 2-4-2005 quy định, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối tượng được quy định bảo vệ. Đối tượng được cảnh vệ bảo vệ gồm cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; khu vực làm việc của các cơ quan trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các hoạt động quan trọng do Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức...
Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ sẽ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định như đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hoặc cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và được hưởng phụ cấp, chế độ ưu đãi khác do Chính phủ quy định. Nếu mở rộng đối tượng bảo vệ cho lực lượng cảnh vệ thì trong thực tế chức năng, nhiệm vụ của cảnh vệ với bảo vệ lại không có gì khác nhau.
Cảnh vệ là một lực lượng đặc biệt được trang bị vũ khí và được phép sử dụng vũ khí, các thiết bị hỗ trợ, được phép trưng dụng phương tiện giao thông, tài sản của người khác nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đối tượng cảnh vệ. Vậy nên, nếu lực lượng này càng đông thì chứng tỏ xã hội càng mất an toàn.
Bí thư, chủ tịch tỉnh là bạn của dân
Nếu cán bộ làm đúng theo chính sách của Đảng và Nhà nước và hợp lòng dân sẽ được chính nhân dân bảo vệ. Bí thư, chủ tịch tỉnh, huyện, xã chính là nơi gần dân nhất, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết và xử lý thỏa đáng trên cơ sở chính sách và pháp luật. Thay vì lo sợ gặp những sự việc rắc rối, bị làm phiền, mất an toàn thì những lãnh đạo này cần phải công tâm và thật sự gần dân, đi sâu, đi sát cùng dân và được dân tin yêu thì chính nhân dân sẽ bảo vệ họ.
Bản thân những lãnh đạo cấp cao của tỉnh cũng không muốn xuất hiện cùng lực lượng cảnh vệ khi trực tiếp về thăm nhân dân, bởi như vậy sẽ tạo nên sự xa cách, đề phòng trong tâm lý người dân. Do vậy, người lãnh đạo muốn dân phục, dân tin thì phải hết lòng, tận tâm, tận lực vì nhân dân. Việc trang bị thêm cảnh vệ không những tốn kém thêm về tài chính, biên chế nhân sự mà còn làm cho khoảng cách giữa người dân và lãnh đạo trở nên xa cách hơn.
Ông Phan Lâm Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Cán bộ ứng xử có tình có lý thì người dân sẽ ủng hộ hết lòng. Tôi nghĩ nhiều địa phương, cán bộ làm việc không minh bạch, không công khai và thậm chí mắc sai lầm nên dẫn đến người dân bức xúc”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Vinh, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII nêu quan điểm: “Bí thư và chủ tịch tỉnh là bạn của dân, vậy không cần phải có cảnh vệ”.
Theo ông Vinh, Pháp lệnh Cảnh vệ đã quy định đối tượng được cảnh vệ rất hợp lý, không nên mở rộng thêm đối tượng nữa. Nếu mở rộng đối tượng theo đề xuất trên thì bộ máy nhà nước sẽ bị phình ra trở nên cồng kềnh, gây tốn kém. Chưa kể đến việc, dưới con mắt nhìn của nhân dân, những người lãnh đạo sẽ trở nên xa cách khi mỗi tháng bí thư, chủ tịch tỉnh đối thoại với dân một lần mà lại có cảnh vệ gây mất thân thiện gần gũi.
Nếu cần mở rộng thì nên nghiên cứu mở rộng cho hai đối tượng sau, đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Bởi các chức danh này được Quốc hội bầu ra và là 1 trong 3 nhánh của quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội thuộc về 2 nhánh trên đã được bố trí cảnh vệ, còn nhánh tư pháp chưa được cảnh vệ. Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát trực tiếp xét xử những vụ tham nhũng, những vụ án lớn nên sẽ có những thế lực muốn trả thù cũng rất cần để được bảo vệ.
Nước ta có tới 63 tỉnh, thành phố, trong đó 5 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Để trang bị cảnh vệ cho bí thư và chủ tịch các tỉnh, thành trên cả nước là một việc làm rất tốn kém và khó khả thi. Sự xuất hiện của cảnh vệ tại các cơ quan địa phương ít nhiều cũng sẽ tạo khoảng cách với quần chúng - trong khi các cán bộ lãnh đạo chúng ta luôn muốn có sự gắn bó bền chặt. Điều chúng ta cần chính là “phải tin vào dân, gần gũi nhân dân và biết dựa vào dân” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Mỹ Hạnh - Mai Anh
-
Trình bổ sung hơn 4.327 tỷ đồng chi ngân sách từ viện trợ không hoàn lại trong năm 2025
-
Đại biểu Quốc hội: Cân nhắc việc thành lập tòa án chuyên biệt
-
[VIDEO] Hà Nội khởi công xây dựng cầu Tứ Liên - Công trình biểu tượng vượt sông Hồng
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Cầu Tứ Liên chỉ thi công trong 24 tháng"
-
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xúc động và tự hào