Khó xử lý gian lận thuế
Trục lợi tinh vi
Ở nước ta, tiền đóng thuế chiếm hơn 70% ngân sách Nhà nước, giữ vai trò chủ đạo, chi phối toàn bộ nền kinh tế. Nếu hành vi trốn thuế, gian lận thuế càng nhiều thì nguồn ngân sách giảm càng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, đặc biệt, trong bối cảnh trả nợ công của Chính phủ ngày càng tăng cao.
Theo quy định của Luật Thuế VAT, tùy theo từng lô hàng và đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp (DN) mà mức hoàn thuế có thể là 5%, 10% giá trị lô hàng. Với giá trị của các lô hàng xuất khẩu thường rất lớn thì mức hoàn thuế trên là không nhỏ. Chính vì vậy, nhiều DN xuất khẩu đã lợi dụng chính sách hoàn thuế của Nhà nước thực hiện các thủ đoạn như thông đồng với các cán bộ hải quan, cán bộ thuế biến chất để khai tăng về khối lượng hoặc giá bán của hàng xuất khẩu nhằm hưởng khống phần tiền hoàn thuế để chia nhau.
Táo tợn hơn, các đối tượng còn thực hiện hành vi móc nối, câu kết để làm khống thủ tục xuất khẩu hoặc cùng một lô hàng nhưng làm thủ tục xuất khẩu nhiều lần để được hoàn thuế nhiều lần.
Một thủ đoạn khác mà một số DN thực hiện là xin thủ tục tạm nhập khẩu hàng có thuế xuất nhập khẩu khá cao (20-30%) mà trong nước đang có nhu cầu rồi tái xuất xin hoàn thuế nhập khẩu và thuế VAT (hàng tạm nhập tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và thuế VAT). Tuy nhiên, trong thực tế DN mang toàn bộ số hàng này tiêu thụ trong nước rồi lập hồ sơ chứng từ xuất khẩu khống số hàng này để xin hoàn thuế nhập khẩu và VAT.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian gần đây, tại tuyến biên giới cửa khẩu đường bộ trọng điểm là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Kiên Giang... xuất hiện nhiều đối tượng có dấu hiệu xuất khống hàng hóa hoặc quay vòng hàng để được hoàn thuế VAT. Thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là hợp thức hóa đầu vào bằng cách thu gom hóa đơn ở nhiều địa bàn, nhiều DN khác nhau, hợp thức hóa nguồn gốc các lô hàng xuất khẩu hoặc lợi dụng sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng để khai sai chủng loại, khai khống số lượng hàng hóa nhằm tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Tại các khu vực này, nhiều DN mọc lên với mục đích hoạt động xuất khẩu nhưng nhanh chóng giải thể sau khi đã nhận hàng chục tỉ đồng hoàn thuế VAT. Các hành vi gian lận thuế này được các đối tượng thực hiện ngày càng tinh vi, phức tạp.
Điển hình như vụ Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn có trụ sở tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM mở tờ khai xuất khẩu 3.000 thùng thuốc lá tổng trị giá hơn 23 tỉ đồng sang Campuchia. Lô hàng đã được Hải quan Cảng Sài Gòn - khu vực 4 thông quan nhưng khi chưa kịp vận chuyển đi thì bị Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiểm tra. Kết quả cho thấy, hàng hóa thực tế là 20 tấn gạo, trị giá tương đương 100 triệu đồng. Nếu thực hiện trót lọt, công ty này sẽ gian lận gần 2,3 tỉ đồng tiền hoàn thuế VAT.
Đến trước thời điểm bị phát hiện thì từ đầu năm 2012 đến nay, công ty này đã thực hiện xuất khẩu khống như vậy với tổng trị giá hơn 1.100 tỉ đồng, tương ứng với 110 tỉ đồng tiền hoàn thuế VAT. Nhưng khi mới rút được hơn 70 tỉ đồng tiền hoàn thuế VAT thì hành vi gian lận bị bắt quả tang.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, cơ quan này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 nghi phạm, để điều tra về hành vi thành lập DN “ma”, mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Các công ty và hộ kinh doanh này đều không hoạt động mà chỉ xuất khống hóa đơn mua bán, xuất khẩu hàng tạp hóa để chiếm đoạt 10% tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Đến thời điểm bị phát hiện, nhóm này đã xuất hóa đơn khống lên tới 1.100 tỉ đồng, chiếm đoạt 110 tỉ đồng tiền hoàn thuế chia nhau.
Tại hội nghị “Sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm 2007-2013”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) cho biết: Mỗi năm ở nước ta xảy ra hơn 13 nghìn vụ tội phạm về kinh tế, trong đó tội phạm trốn thuế trong các DN gần 1.000 vụ gây thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng, chiếm tỷ lệ gần 7% số vụ tội phạm về kinh tế.
Xử lý khó khăn
Hiện chúng ta đã có luật và hàng loạt các văn bản dưới luật để thực hiện thu thuế từ các hoạt động thương mại. Về cơ bản, các quy định là khá đầy đủ. Do vậy, việc chiếm đoạt thuế VAT nhất thiết phải có sự tiếp tay tích cực của cán bộ hải quan các cửa khẩu và cán bộ thuế. Thời gian qua, song song với việc khởi tố, bắt giam các đối tượng chiếm đoạt thuộc các DN, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bắt giam một số cán bộ hải quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Phần lớn các DN vi phạm cùng xuất hàng qua một vài cửa khẩu, nên một số nhân viên hải quan này có thể đã tiếp tay cùng lúc cho nhiều vụ.
Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ chưa tốt cũng khiến gian lận thuế khó bị phát hiện kịp thời. Tổng cục Hải quan thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xuất khẩu khống hàng hóa để gian lận hoàn thuế VAT diễn biến phức tạp là do sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa hải quan và các lực lượng nội địa như cơ quan thuế, công an và quản lý thị trường còn nhiều hạn chế. Hàng loạt các giải pháp đang được tăng cường để ngăn chặn tình trạng này.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra những rào cản gây khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn các vi phạm chính sách thuế như: Tình hình chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung. Hành vi trốn thuế, gian lận ngày càng tinh vi phức tạp. Hiện nay, tội phạm về thuế hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều địa phương, trong khi đó sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ nên việc điều tra, xử lý rất khó khăn... Đặc biệt, đối với hiện tượng chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nghi ngờ doanh nghiệp chuyển giá trốn thuế thì dễ, nhưng để tìm được bằng chứng thì không đơn giản.
Trong bối cảnh ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, thì gian lận thuế là hành vi trục lợi hết sức nguy hiểm, số tiền rất lớn và cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
T.T
-
Đề xuất tiếp tục miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện đến năm 2027
-
Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, vượt 19% dự toán
-
Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô vượt 14,5% dự toán trong 11 tháng
-
Quản lý tài chính công của Việt Nam đã cải thiện sự minh bạch
-
Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô vượt 6,2% dự toán trong 10 tháng 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1