Khiếm khuyết đã thấy, cần giải pháp hay

16:34 | 07/06/2012

452 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chúng ta đã thấy hết và hiểu sâu sắc những khiếm khuyết trong nền kinh tế của đất nước. Đây là điểm tích cực để tạo ra sự thống nhất trong tầm nhìn.

Thảo luận tại Hội trường về Báo cáo bổ sung về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá đã nêu trong Báo cáo, cũng như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Nỗ lực vượt khó

Nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, kết quả vẫn có 15/22 chỉ tiêu đạt và vượt theo Nghị quyết của Quốc hội. Điều đó khẳng định việc điều hành của Chính phủ đã bám sát thực tiễn, đặc biệt là hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết 11. Nghị quyết đã có tác động mạnh đến nền kinh tế, làm cho giá cả hàng hóa tăng chậm lại, lạm phát được kiềm chế dưới 10%.

Đại biểu thảo luận tại Hội trường

Báo cáo cho thấy thu chi ngân sách đạt kết quả khá, các giải pháp về giảm thiểu tai nạn giao thông bước đầu phát huy hiệu quả, chính sách tiền tệ tín dụng được điều hành chặt chẽ và thận trọng hơn, an sinh xã hội được đảm bảo.

“Việt Nam là một nước luôn được thế giới đánh giá cao về công tác xã hội, đặc biệt là chính sách chăm sóc sức khỏe. GDP bình quân 1.300 USD/người là quá tiến bộ, là hạnh phúc của người dân Việt Nam. Kết quả trên là do định hướng chính sách xã hội đúng, nhờ các chính sách đổi mới và chính sách đổi mới đã ngấm nhanh vào các lĩnh vực”, đại biểu”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) chia sẻ.

Vui mừng trước những thành tựu đạt được trong thời gian qua, nhất là thành quả trong việc hạ chỉ số giá tiêu dùng ổn định tiền tệ, tín dụng, cố gắng tăng trưởng kinh tế, nhiều đại biểu chia sẻ với Báo cáo của Chính phủ về những hạn chế, khó khăn hiện nay của đất nước và nhất trí về cơ bản với các giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Chính phủ đang huy động toàn lực quốc gia, cổ vũ sự năng động và quyết tâm của toàn dân của lực lượng sản xuất toàn xã hội để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tăng trưởng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Vẫn còn quá nhiều thách thức

Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình), kinh tế nước ta đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, phát triển thiếu ổn định, sự thăng trầm từ thăng hoa lạm phát, suy giảm kinh tế liên tục diễn ra.

Nguyên nhân do nhiều chính sách ban hành trong điều hành kinh tế vĩ mô còn chậm, thiếu nhất quán, thay đổi liên tục, nặng về giải pháp giải quyết tình huống. Việc cải cách tái cơ cấu nền kinh tế chưa theo kịp yêu cầu với công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp nói riêng, tổng thể nền kinh tế nói chung.

Hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước được xác định là yếu tố chủ đạo chi phối nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện, chiến lược điều hành chính sách tiền tệ tín dụng chưa theo kịp diễn biến của thị trường.

Chính sách quản lý điều tiết về đầu tư nước ngoài mất cân đối, gây ra tình trạng bị động về cung cầu hàng hóa ở một số mặt hàng quan trọng, tình trạng lách luật, chuyển giá, trốn thuế vẫn diễn ra, đặc biệt đối với một số doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, tồn tại một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước trông chờ sự hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân thiếu định hướng, hoạt động riêng rẽ, thiếu chiến lược kinh doanh.

Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn, so với năm 2009, khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu do tác động của nền kinh tế thế giới thì ngược lại thời điểm này số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản nguyên nhân xuất phát từ khó khăn bên trong là chủ yếu, đó là những tác động của chính sách điều tiết về giá cả và tiền tệ. Môi trường và cách thức điều hành kinh tế trong bối cảnh vừa kiềm chế lạm phát vừa chống suy giảm.

Đại biểu cho rằng, trong thời điểm hiện nay để phát triển kinh tế, chúng ta cần chấp nhận một tỉ lệ lạm phát hợp lý. Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ, bài bản, có tính dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp như Nghị quyết 13 đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp.

Từ khiếm khuyết để định hướng tầm nhìn

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng, điều tích cực nhất ở thời điểm này là chúng ta đã thấy hết, thấy đủ, thấy rõ và hiểu sâu sắc những khiếm khuyết trong nền kinh tế của đất nước.

Trong đó chúng ta đã nhận thức lại chính xác hơn về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như hiểu đúng mực hơn về khối doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các tập đoàn và Tổng công ty, những đơn vị kinh tế mà lâu nay chúng ta đã nhiều năm tích cóp đầu tư xây dựng, có những kỳ vọng lớn lao.

“Tôi hiểu rằng để có được nhận thức chung đó, chúng ta đã phải trả phí khá lớn không chỉ là số tiền nghìn tỉ mà cả về cán bộ. Học phí này dù khá cao, nhưng theo tôi nhận thức chung là tích cực vì nó sẽ tạo ra sự thống nhất trong tầm nhìn hướng đến tương lai của nền kinh tế cả về mô hình cơ cấu và phương hướng phát triển”, đại biểu bày tỏ.

Đại biểu băn khoăn, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% của năm nay, cả nước sẽ phải phấn đấu cật lực mà có thể sẽ vẫn không đạt được. Chúng ta không hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát, nhưng theo đại biểu không nên buông lơi mục tiêu kiềm chế lạm phát, tuyệt đối không nên vì sức ép tăng trưởng mà nới lỏng tài chính tiền tệ.

Đại biểu nêu ý kiến: “Chọn giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng thì tôi và hơn 80 triệu cử tri của chúng ta là nông dân, công nhân, viên chức sống bằng lương sẽ quan tâm nhiều hơn đến kìm chế lạm phát. Bởi vì nếu kiềm chế được lạm phát tức là Chính phủ đã giúp cho đời sống của đại đa số người dân lao động "dễ thở” hơn, giá cả hàng hóa, dịch vụ bình ổn hơn”.

Cũng theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, trong tình hình hiện nay, ngành ngân hàng nên quan tâm đến ý kiến của cử tri. Ngân hàng được lợi, nhân dân và doanh nghiệp cũng phải được lợi, đó không chỉ là đạo lý mà chính là trách nhiệm. Theo đại biểu, hiện nay thuốc đặc trị cho ngân hàng chính là sự minh bạch và công tâm.

Theo VOV