Khi ông chủ... bùng!

07:00 | 13/03/2014

1,483 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có câu “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. Và câu chuyện bỏ trốn là có nhiều điều luận bàn. Luận bàn nhất là với các đối tượng ra đi lại là ông chủ, bà chủ doanh nghiệp, có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI).

Năng lượng Mới số 303

Do làm ăn bết bát, lừa khi đã thu hồi hết khấu hao, các vị này đã “lặn mất tăm”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sơ bộ thống kê, đã có 500 chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại khoản nợ tiền lương, tiền bảo hiểm nhiều tháng của hàng vạn công nhân.

UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính có hướng giải quyết tình trạng các doanh nghiệp nợ lương người lao động. Thời gian qua, do tình hình kinh tế, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó một số chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn và còn nợ người lao động hàng tỉ đồng tiền lương.

Cụ thể như sau: Công ty TNHH Sae Hwa Vina (Hàn Quốc) nợ 650 công nhân tổng số tiền lương là 3 tỉ đồng; Công ty TNHH may mặc Long Đại Phát nợ 48 công nhân 250 triệu đồng; Công ty TNHH Il Shin Womo (Hàn Quốc) nợ 114 người với 2,5 tỉ đồng; Chi nhánh Công ty CP Nông thủy sản xuất khẩu Tùng Bách nợ 34 lao động với tổng tiền lương 132 triệu đồng và Công ty Kyung Sung Vina cũng của Hàn Quốc nợ 146 công nhân số tiền 730 triệu đồng.

Chính quyền thành phố đã tạm ứng từ ngân sách 146 triệu đồng để hỗ trợ thanh toán lương cho công nhân của Công ty Kyung Sung Vina (huyện Hóc Môn) theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trước tình hình đó, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành quy định tiêu chí xác định thế nào là “doanh nghiệp có chủ bỏ trốn” để có cơ sở thực hiện việc tạm ứng ngân sách địa phương hỗ trợ khoản nợ lương cho người lao động; hướng dẫn việc hỗ trợ người lao động có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp bị nợ lương tại các doanh nghiệp này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn quy trình xử lý nhanh tài sản của các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn mà không phụ thuộc vào quy trình xử lý theo Luật Phá sản nhằm tránh tình trạng xuống cấp, hư hỏng làm giảm giá trị tài sản để sớm thu hồi tạm ứng cho ngân sách địa phương.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, do pháp luật hiện hành còn nhiều vướng mắc nên từ năm 2010 đến nay thành phố chỉ mới thu hồi được 342 triệu đồng từ việc thanh lý tài sản của Công ty TNHH Sin B (quận 12). Các khoản tạm ứng còn lại đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa có nguồn để thanh toán, hoàn trả ngân sách.

Tại tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2009 đến nay, tại các khu công nghiệp ở đây đã có 10 chủ DN FDI bỏ trốn. Hậu quả là trên 2.800 công nhân lao động bị mất việc làm và bị chủ nợ lương trong nhiều tháng. Các doanh nghiệp này đã để lại một khoản nợ lớn, trong đó nợ lương của công nhân là 3,8 tỉ đồng, nợ BHXH là 4,7 tỉ đồng và các khoản nợ khác là 4,1 tỉ đồng. Chỉ 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hàn Việt (phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một) và Công ty TNHH Han Son (khu công nghiệp Tân Định, huyện Bến Cát) còn nợ tiền BHXH (từ tháng 5/2006 đến tháng 3/2009) số tiền 3,2 tỉ đồng, nợ lương công nhân là 2,6 tỉ đồng. Việc các chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn đã gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người lao động. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kết hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết cấp bách một số nội dung, trong đó việc chi trả lương cho người lao động.

Tại tỉnh Đồng Nai có đến 42 DN FDI vắng chủ mà thực chất là bỏ trốn, nhiều doanh nghiệp lặng lẽ đóng cửa, chỉ đến khi công nhân kiện tụng đòi lương, vụ việc mới vỡ lở, chủ doanh nghiệp đã biến mất.

Một lãnh đạo ngân hàng ở Đồng Nai, “chủ nợ” của 31 DN FDI vắng chủ từ năm 2004 đến nay với số nợ lên tới hàng tỉ đồng, BHXH Đồng Nai chưa thể thu hồi được khoản nợ BHXH nào từ các doanh nghiệp này vì đất đai, nhà xưởng đều đi thuê. Tài sản doanh nghiệp cũng đã thế chấp cho ngân hàng. BHXH chỉ có thể phối hợp ban quản lý các khu công nghiệp vào thu hồi các sổ bảo hiểm để… chốt sổ nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.

Theo ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất, vấn đề các doanh nghiệp vắng chủ ngưng hoạt động nhưng không giải quyết được là do vướng mắc từ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thi hành án dân sự cũng như các văn bản hiện hành chưa có quy định xử lý đối với loại pháp nhân này.

Ngày 4/1, trả lời báo chí về việc chủ DN FDI bỏ trốn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, thực trạng doanh nghiệp FDI vay nợ của các tổ chức tín dụng trong nước, sau đó xù nợ bỏ trốn về nước đã xảy ra tại một số địa bàn và ở các khu công nghiệp trong cả nước.

Bộ trưởng Vinh cho rằng, DN FDI bỏ trốn, xù nợ do làm ăn thất bát. Các nhà đầu tư nước ngoài khi vay đều phải thế chấp tài sản, chứ không thể tự dưng vay được tiền từ ngân hàng. Do đó, liên quan các tài sản thế chấp, sẽ có cơ quan để xử lý. Tuy nhiên, trong trường hợp các tài sản này không xử lý được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải xem xét lại các hợp tác, các quy định của luật pháp quốc tế để xử lý.

Khó khăn lớn nhất là ngay bản thân các cơ quan chức năng nơi có DN FDI bỏ trốn cũng không phát hiện được thời gian họ về nước; thậm chí, lãnh đạo khu công nghiệp nơi có DN FDI hoạt động cũng không nắm được. Do đó, rất khó tìm được địa chỉ của các DN FDI sau khi họ bỏ trốn.

Trong chuyên mục này, chúng tôi đã từng đề cập đến câu chuyện “chết khó chôn” của các doanh nghiệp phá sản bởi cả một rừng thủ tục. Một doanh nghiêp truyền thông nhỏ ở quận Cầu Giấy được phép giải thể mà phải mất hơn 1 năm mới “hóa vàng” được. Bởi vậy, sau hơn 9 năm thực hiện Luật Phá sản 2004, cả nước mới chỉ có 83 doanh nghiệp được công nhận phá sản. Điều này cho thấy, Luật Phá sản cũng đã bị phá sản khiến Quốc hội đang chuẩn bị ban hành Luật Phá sản bổ sung, sửa đổi.

Mục tiêu xây dựng Luật Phá sản lần này là để cho luật phải “sống” được, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng  đã nói tại hội thảo lấy ý kiến về một số nội dung của dự án Luật Phá sản. Đáng chú ý là, có một quy định hoàn toàn mới trong dự thảo lần này là quy định tại Điều 10 về người quản lý tài sản phá sản và các tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của người quản lý tài sản phá sản. Nhiều ý kiến đồng ý với quy định giao cho người quản lý tài sản phá sản, trách nhiệm thuộc cá nhân, như thế sẽ nâng cao hiệu quả.

Các chuyên gia pháp lý lưu ý tại khoản 1, Điều 18 dự thảo cần quy định, trường hợp công đoàn thực hiện quyền đại diện cho người lao động để nộp đơn xin phá sản và không phải nộp lệ phí như người lao động.

Thực tế thời gian qua, khi xử lý việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, các cơ quan chức năng rất lúng túng.

Vì vậy, trong khi chờ sửa đổi Luật Phá sản, các cơ quan chức năng như Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… cần phối hợp đề xuất với Chính phủ có quy định về doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Hàng vạn người lao động khốn đốn đang ngày đêm trông đợi và hy vọng.

Bảo Dân