Khi dân Sài Gòn sống chung với... lũ

21:53 | 04/11/2013

1,153 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua tình trạng triều cường kết hợp với mưa lớn đã khiến cuộc sống của người dân tại nhiều nơi ở TP HCM gặp rất nhiều khó khăn.

Ám ảnh ngập lụt

Với người dân tại nhiều khu vực của TP HCM, cứ vào mùa mưa nỗi lo lớn nhất của họ là triều cường kết hợp cùng mưa gây ngập lụt trên diện rộng ảnh hưởng vô cùng lớn cuộc sống. Nhiều năm qua, thành phố đã chi hàng nghìn tỉ đồng cho công tác chống ngập nhưng tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/112013/04/19/hoa_binh_1.jpg

Ngập lụt triền miên trong những ngày mưa khiến việc buôn bán của người dân ế ẩm

Cứ mỗi năm, triều cường lại dâng cao hơn, năm sau cao hơn năm trước và gây ngập lụt trên diện rộng. Đơn cử là nếu chỉ cách đây 2 năm, điểm ngập nặng nằm ở các tuyến đường Kinh Dương Vương, đường An Dương Vương (quận 11), đường Phan Đình Phùng, đường Phan Anh (quận Tân Phú); đường Hòa Bình, Âu Cơ, Đồng Đen, Bàu Cát (quận Tân Bình), Bình Quới (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)… thì đến nay các điểm ngập nặng do mưa và triều cường đã mở rộng ra thêm nhiều điểm như: đường Nguyễn Duy Trinh, Trần Não (quận 2), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), Bến Bình Đông, Bến Phú Định (quận 8), Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân)… Trong đó, nặng nhất là phải kể đến các tuyến đường Hòa Bình (quận 6), Bến Phú Định, Bến Bình Đông (quận 8) là những nơi bị ngập thường xuyên và sâu từ 0,5 đến cả mét.

Tính đến thời điểm này, dù TP HCM đã dùng nhiều biện pháp để chống ngập lụt do triều cường và mưa lớn, trong đó điển hình nhất là việc lắp đặt các trạm bơm và van ngăn triều. Tuy nhiên, các biện pháp này hầu như chưa phát huy được hết tác dụng của mình. Bằng chứng là trong cuộc khảo sát mới đây của Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP HCM cho thấy trong quá trình thi công các dự án chống ngập đã vô tình làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.

Theo ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP HCM: Hệ thống thoát nước hiện chỉ đạt 25% so với yêu cầu và thường xuyên bị quá tải do quá trình thiết kế, xây lắp và quản lý vận hành thiếu đồng bộ. Trong khi đó, nhiều tuyến kênh rạch thoát nước quan trọng lại bị lấn chiếm làm chặn dòng nước thoát gây ngập lụt nặng và khó kiểm soát.

Buôn bán bết bát

Tình trạng ngập lụt trên diện rộng và kéo dài đang khiến người dân tại nhiều nơi ở TP HCM gặp vô vàn khó khăn trong sinh hoạt và làm việc. Bà Lê Thị Thanh Hoa, ở Bến Phú Định, phường 16 (quận 8) cho biết: "Tình trạng ngập lụt ngày càng nặng thêm, năm sau nước ngập sâu hơn năm trước khiến cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là những nhà dân có hoạt động buôn bán".

Chị Nguyễn Thị Hương, bán hàng tại khu vực đường Bến Bình Đông (quận 8) than thở: Một tuần 7 ngày thì hết 4 ngày mưa lớn và triều cường gây ngập, buôn bán mà nước ngập gần cả mét trong vài tiếng đồng hồ thì làm sao bán hàng được. Cũng vì vậy mà tình hình buôn bán ngày càng ế ẩm. “Tôi chỉ mong làm sao tình trạng ngập lụt được giảm chứ nếu không những hộ kinh doanh như chúng tôi chỉ còn nước đóng cửa cả mùa mưa” - chị Hương bày tỏ.

Cùng chung cảnh ngộ trên, anh Nguyễn Huy Lonng, đường Hòa Bình (Q.11) ngán ngẩm: “Cả nhà tôi chỉ dựa vào cửa hàng buôn bán đồ thể thao trước phố là chính, vậy mà từ ngày khu vực này bị ngập nước lượng khách hàng quen mất gần hết. Vì vậy mà buôn bán cả tháng không đủ bù lại tiền trả thuê mặt bằng”.

Theo ý kiến của các chuyên gia về môi trường nước thì nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quy hoạch đô thị chưa hợp lý, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng về vị trí địa lý, từ đó chức năng chính của từng khu vực bị sử dụng không phù hợp. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa quá nhanh cũng đã khiến thành phố mất đi nhiều vùng đệm, nhiều mảng xanh vốn đóng vai trò là hồ điều tiết nước trước đây, hệ thống kênh rạch tự nhiên bị san lấp biến thành đường sá, nhà cửa nên không đảm bảo chức năng thoát nước.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM: "Hiện trung tâm đang triển khai dự án đê bao khép kín dọc sông Sài Gòn với chức năng hạn chế triều xâm nhập vào nội thị. Các tuyến đường Bến Phú Định, Phạm Thế Hiển, Lương Định Của... đều có dự án và đang được triển khai. Trong thời gian chờ đợi dự án hoàn thành, trung tâm cũng thực hiện nhiều giải pháp chống ngập cấp bách như lắp máy bơm ứng cứu, đẩy nhanh tiến độ dự án. Ngoài ra còn hợp tác nghiên cứu cùng nhà khoa học ở các nước dự đoán trước tình hình biến đổi khí hậu để đưa ra kịch bản ứng phó phù hợp.

Dự báo trong những ngày tới, nhiều nơi ở Sài Gòn tiếp tục chìm trong nước. Đỉnh triều cao nhất sẽ xuất hiện vào ngày 5 đến 7/11. Biết trước, nhưng từ chính quyền đến người dân đều... bó tay, đành chịu cảnh sống chung với lũ.

Thùy Trang