Khám, điều trị tự nguyện tại Bệnh viện Nhi Trung ương: Dành cho người giàu hay người nghèo?

08:29 | 02/10/2012

25,716 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thời gian qua, dư luận khá quan tâm về việc Khoa Khám và Điều trị tự nguyện A, Bệnh viện Nhi Trung ương có mức giá cao gấp hàng chục lần giá khám thông thường. Vậy chất lượng khám, điều trị có xứng đáng với mức tiền người dân bỏ ra hay không? Để làm rõ vấn đề trên, Báo Năng lượng Mới đã tìm hiểu để làm rộng đường dư luận.

Thế nào là dịch vụ y tế chất lượng cao?

Đến Khoa Khám và Điều trị tự nguyện A (KĐTTNA) vào ngày đầu tuần, mới 9 giờ sáng, số bệnh nhân đã lên đến gần 200. Cả tầng 1 của phòng khám rộng gần 1.000m2 kín mít người nhà, bệnh nhi. Tiếng trẻ con gào khóc inh ỏi vang lên khắp nơi. Một số bà mẹ vác bụng bầu lặc lè chen vào lấy phiếu khám cho đứa lớn, các ông bố thì xếp hàng lấy nước nóng pha sữa cho con.

Anh Tuấn đến từ Hải Dương cho biết, được người quen giới thiện nên đưa con lên từ 4 giờ sáng. Bé trai mắc bệnh viêm tuyến nước bọt, cả miệng, hàm và cổ sưng to như trái bóng. Anh Tuấn cho biết, Bệnh viện Hải Dương đã tiêm thuốc kháng sinh liều cao suốt cả tuần, cháu đỡ được vài ngày lại bị sưng trở lại. Cháu bé bị sụt mất 5kg, chỉ còn da bọc xương nằm thiêm thiếp trên tay bố. Trao đổi với Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn, được biết, hiện nay các bệnh viện địa phương đặc biệt thiếu bác sĩ chuyên khoa Nhi. Hiện tượng bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên ngành chữa cho người lớn vẫn vô tư khám, kê đơn, điều trị cho trẻ em là rất phổ biến.

Tìm hiểu quy trình khám và điều trị bệnh nhân tại khoa, chúng tôi được biết bệnh nhân khám bệnh có thể đặt lịch hẹn trước sẽ được giảm giá 190 nghìn đồng (580 nghìn xuống còn 390 nghìn đồng). Nếu bệnh nhân có nhu cầu khám chỉ định các bác sĩ chuyên khoa có học hàm, học vị như tiến sĩ, phó giáo sư (từ giám đốc bệnh viện đến các trưởng, phó khoa chuyên ngành) đều có thể được đáp ứng với giá tiền khám theo quy định của khoa.

Bác sĩ Đinh Thị My, Khoa KĐTTN A khám bệnh nhi có những triệu chứng da liễu

Với tâm lý bỏ tiền khám dịch vụ, người nhà bệnh nhân được hưởng nhiều quyền lợi nhưng không ít trường hợp người nhà thái quá quát tháo, chửi bới và cả hành hung các y, bác sĩ.

Một buổi sớm cuối tháng 8 vừa qua, đang hướng dẫn người nhà bệnh nhân ghi sổ đặt lịch khám thì một phụ nữ trung niên hằm hằm xông tới tóm cổ áo chị T.H, phun ào ạt những lời thô tục, vu cho chị T.H “tội” không sắp chỗ khám cho con chị ta trước. Người phụ nữ đó tát tới tấp vào đầu, mặt chị T.H, bảo vệ vào can ngăn cũng bị người phụ nữ đó đánh chửi. Sau khi làm loạn một trận người đó bỏ đi, không “thèm” khám, chữa cho con trước sự ngỡ ngàng của chị T.H và những người chứng kiến.

Chuyện người nhà bệnh nhân kêu ca phàn nàn, dọa nạt hoặc chửi bới nhân viên y tế thì gần như tháng nào cũng có. Anh Hùng, quận Long Biên - Hà Nội, một người nhà bệnh nhân từng dọa “xử” cả khoa. Vụ việc do anh ta có hai cháu sinh đôi được các bác sĩ chẩn đoán bị vàng da bệnh lý. Các cháu mới sinh được ít ngày, rất yếu, nhưng để xác định bệnh lý tiến hành điều trị phải lấy đủ lượng máu xét nghiệm. Xót con, vốn có máu yêng hùng, anh Hùng đã nổi cơn khùng vì cho rằng, đã lấy máu xét nghiệm con anh quá nhiều. Phải đến khi Phó giáo sư Hoàn trấn an và giải thích anh ta mới hiểu. Sau khi được điều trị, hai cháu bé đã khỏi bệnh, phát triển bình thường. Khi đưa con đi tái khám, anh Hùng đã xin lỗi các y bác sĩ của khoa và trở thành khách quen tại đây.

Không ít trường hợp con bị viêm họng, đến khám, uống thuốc về nhà mới sốt, cha mẹ lại cuống cuồng chạy lên bệnh viện khám lại mà không hiểu đó là phản ứng của cơ thể trẻ với hiện tượng viêm nhiễm. Hoặc có trẻ bị tiêu chảy, uống thuốc mới một ngày đã điện thoại bắt bẻ là tại sao con tôi không “khỏi ngay” mà không hiểu rằng, điều trị tiêu chảy ở trẻ thường phải mất từ 3 đến 8 ngày, trẻ phải tống hết những khuẩn gây tiêu chảy ra mới hồi phục… Khoa KĐTTN A có 5 nhân viên lễ tân nhưng ai cũng mắc bệnh nghề nghiệp nói to, khản tiếng vì phải tiếp điện thoại quá nhiều mỗi ngày. Việc bố, mẹ trẻ thiếu kiến thức y học cơ bản, không chịu lắng nghe, thích nổi khùng chỉ khiến trẻ bị thiệt thòi, không được chăm sóc một cách đầy đủ, đúng cách khi mắc bệnh mà còn khiến các y, bác sĩ “ngại” khi phải nhận những bệnh nhân có người nhà như vậy.

Chuyện cảm động nhất từng xảy ra tại khoa là lần hai bố con một bệnh nhân ở Nghệ An đến nội soi ổ bụng. Muốn khám cho con nhanh để về nhưng hai bố con không đủ tiền nên người bố đành xin khất 300 nghìn đồng để chiều ông đi bán điện thoại sẽ trả. Biết hoàn cảnh hai bố con, chị em trong khoa gom góp mỗi người một chút trả giúp hai bố con tiền khám và phụ giúp tiền ăn và tàu xe về lại Nghệ An. Người đàn ông đứng tuổi cảm động rưng rưng nước mắt, trước khi về trịnh trọng đứng giữa phòng khám hứa rằng lần sau ra Hà Nội chắc chắn sẽ đến thăm lại các y, bác sĩ của khoa.

Tiến sĩ Trần Thanh Tú chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên động viên, nhắc nhở anh chị em các bộ phận lễ tân, điều dưỡng, bác sĩ của khoa về thái độ phục vụ bệnh nhân, nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt chúng tôi có quyền từ chối hoặc chuyển các khoa khác khi quá đông bệnh nhân để đảm bảo chất lượng phục vụ”.   

Hệ thống lấy phiếu xếp lượt khám bệnh tự động tại Khoa KĐTTN A

Ai được hưởng lợi?

Để hiểu lợi ích từ dịch vụ y tế phải bắt nguồn từ gốc là thực tế các bệnh viện tuyến trên hiện nay luôn trong tình trạng quá tải. Những hệ lụy như người bệnh phải chờ dài ngày mới được khám chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh chưa đảm bảo, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng đã trở thành chuyện quá quen thuộc. Vài thập niên qua, các bệnh viện đều trông chờ vào các dự án viện trợ của nước ngoài, kinh phí đầu tư từ Bộ Y tế mới có khả năng nâng cấp cơ sở vật chất khám chữa bệnh. Hiện nay chưa có một cơ chế nào “mở cửa” cho các bệnh viện Nhà nước có cơ hội thoát khỏi tình trạng ăn đong từng bữa.

Dịch vụ y tế có giá ban hành từ năm 1995, được điều chỉnh năm 2006 cũng chỉ tính một phần giá dịch vụ và một số dịch vụ. Trong khi đó, lương cơ bản tăng 6,9 lần, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành y tế cũng tăng theo thị trường. Mức thu phí dịch vụ thấp, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh. Chất lượng dịch vụ y tế thấp nên không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế. Với các cơ sở khám chữa bệnh, cán bộ y tế rất vất vả, kể cả cán bộ quản lý và các y, bác sĩ, không có tiền để mua sắm trang thiết bị, đến một đôi găng tay mổ phải tái tiệt trùng do mức chi của bảo hiểm y tế có hạn. Những vấn đề thiết yếu không được giải quyết dẫn đến không thể động viên, khuyến khích cán bộ y tế, đồng thời ảnh hưởng đến thái độ nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh viện tư nhân, các phòng khám tư mọc nhanh như nấm. 

Sau gần 50 năm hoạt động, các dãy nhà của viện Nhi đều đã xuống cấp trầm trọng, tường vôi loang lổ, bong tróc, trang thiết bị y tế thiếu thốn, lạc hậu. Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết tâm “phá rào” xây dựng Khoa KĐTTNA với mục tiêu làm nên một cuộc đột phá về chất lượng khám chữa bệnh, cung cách phục vụ, thu hút tài chính, nâng cấp trang thiết bị bệnh viện cứu chữa được nhiều bệnh nhân nhi hơn nữa.

Từ vài chục bệnh nhân, đến nay trung bình Khoa KĐTTNA khám và điều trị trung bình gần 150 bệnh nhân/ngày, những ngày cao điểm lên đến hơn 200 bệnh nhân. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2012, Khoa đã khám được tổng số 25.256 lượt bệnh nhân, điều trị gần 2.000 bệnh nhân nội trú, hơn 3.200 bệnh nhân ngoại trú và dịch vụ. Chị Nga, phụ trách lễ tân cho biết, mỗi ngày các chị đều phải thực hiện đúng quy trình giới thiệu cả trăm lượt cho người nhà bệnh nhân về giá khám, điều trị tại khoa, các chuyên khoa và dịch vụ điều trị tại đây… Hiện nay Khoa KĐTTNA có 12 bác sĩ, trong đó 1 bác sĩ có trình độ tiến sĩ, 10 thạc sĩ và 1 đang học cao học. Khoa có 51 điều dưỡng gồm có 1 thạc sĩ, 5 đại học, 3 cao đẳng và hiện có 2 điều dưỡng đang học điều dưỡng chuyên khoa, 8 điều dưỡng học đại học và 90% điều dưỡng đã tốt nghiệp chuyên khoa nhi. Khoa có 38 giường nội trú, 20 giường ngoại trú, 1 phòng mổ, 10 phòng khám, 1 phòng xét nghiệm, 1 phòng siêu âm. Khoa là nơi đầu tiên kết hợp với Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em (giám sát, đánh giá) xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân với việc nâng cao năng lực chuyên môn cho bác sĩ và điều dưỡng như tổ chức các lớp học cho bác sĩ về các chuyên khoa sâu, lớp học nâng cao kỹ năng chuyên môn và giao tiếp cho điều dưỡng và tổ chức thi tay nghề cho điều dưỡng nhắm đến mục tiêu đạt 100% sự hài lòng của người bệnh.

Tiến sĩ Trần Thanh Tú, Trưởng khoa KĐTTNA cho biết, 80% doanh thu của khoa được chuyển lên Viện để thực hiện các công tác nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học… Ví dụ như cách đây 3 năm, cả Viện Nhi Trung ương mới chỉ có 3 chiếc máy thở ôxy. Đến nay đã trang bị được 100 máy. Chúng tôi đã tiến hành đầu tư và mở rộng từ 4 phòng khám ban đầu, đến nay có 10 phòng khám các chuyên khoa và một phòng mổ đầy đủ tiện nghi.

Nhìn dự án xây dựng tòa nhà 20 tầng đang tiến hành xây dựng với hàng trăm giường bệnh là minh chứng rõ nét nhất cho thành công tìm ra con đường phát triển đúng đắn của Viện Nhi Trung ương. Từ đây mỗi ngày, hàng nghìn em bé Việt Nam được chăm sóc, chữa trị với các y bác sĩ có chuyên môn cao, có tâm với sự phát triển giống nòi, kết hợp với trang thiết bị y học hiện đại sẽ phần nào giải quyết bài toán quá tải của bệnh viện, người giàu và người nghèo đều được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao.

Thành Công

Năng lượng Mới số 159, ra ngày 28/9/2012