Kết quả không như mong muốn
Thiếu nhà vệ sinh
Chủ trương đầu tư 1.000 nhà VSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội của Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing đã được UBND thành phố phê duyệt từ tháng 8-2016. Đổi lại doanh nghiệp này được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng các quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thời gian 10 năm để thu hồi vốn.
Cụ thể, Thông báo số 272/TB-UBND của UBND TP Hà Nội đánh giá, đề xuất của Công ty Vinasing là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của thành phố về việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ cho phát triển và các hoạt động của thành phố. Bởi thực tế hiện nay, hệ thống nhà VSCC cũng như thiết bị cung cấp nước uống, ghế ngồi tại các nơi công cộng trên địa bàn thành phố còn rất thiếu và không đồng bộ.
![]() |
Hà Nội đang rất thiếu nhà VSCC và không đồng bộ |
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các nhà VSCC phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành trong suốt quá trình hoạt động của các nhà VSCC này.
Còn theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 350 nhà VSCC được phân bố trên 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Trong đó, 236 nhà xây cố định phân bố trong các ngõ, xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà bằng thép đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt. Các nhà VSCC này được bố trí chưa đều, chưa thể phục vụ, đáp ứng đủ khách vãng lai và khách du lịch ở tất cả mọi nơi, mọi vị trí.
![]() |
Sáng 14-10-2016, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến thị sát mẫu nhà VSCC mới, được công ty chọn đặt trên đường Trần Nhân Tông. Trong cuộc họp nhanh sau đó, nhà đầu tư báo cáo trước tết Nguyên đán 2017 sẽ có 200 nhà VSCC mẫu mới được đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố. Thông tin này sau đó đã khiến dư luận hết sức hoan hỉ. Ai cũng mong đợi ngày cụm công trình được đưa vào sử dụng sẽ thay đổi diện mạo thủ đô, giải quyết nhu cầu bức thiết suốt bao nhiêu năm qua của nhiều người dân mỗi khi ra đường. Bên cạnh đó cũng trong thời gian kể trên, Vinasing cũng đưa đề xuất một mô hình tương tự tại TP HCM và nhận được sự nhất trí cao của địa phương này.
Sẽ thu phí VSCC
Trao đổi với báo chí, ông Lê Huy Long - Giám đốc điều hành dự án (Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing) cho biết, mặc dù kế hoạch là vậy nhưng trên thực tế, tại Hà Nội mới chỉ có 2 nhà VSCC được đưa vào hoạt động thử nghiệm. Con số này ở TP HCM là… 0 nhà bởi vẫn đang trong quá trình đánh giá về công tác vận hành.
Theo ông Long, công ty đã sản xuất đủ 200 chiếc và chỉ chờ lắp đặt theo đúng tiến độ đã báo cáo với Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, do vấn đề mặt bằng, rồi do ý kiến người dân nên khiến mọi việc không thể thuận buồm xuôi gió. “Lúc tìm được địa điểm rồi, Chủ tịch Chung hỏi liệu xong được bao nhiêu nhà trước tết, chúng tôi báo cáo có thể xong 200 nhà. Nhưng thực tế khá khó khăn. Đường điện rồi đường nước, rồi dân sợ mùi nên phản đối. Chúng tôi đã giải thích là công nghệ mới, triệt tiêu mùi, lại có người dọn dẹp thường xuyên nhưng họ vẫn không nghe. Có nhà đặt đi đặt lại 3 lần không xong. Cũng có một phần xuất phát từ chủ quan, nhưng không lớn…”, ông Long cho hay.
Tuy nhiên, hiện tại đã có 31 nhà VSCC sẵn sàng đưa vào sử dụng và “chốt” ngày 20-3 sẽ bàn giao cho thành phố 88 chiếc. Trong 200 nhà đầu tiên, nhà đầu tư sẽ bàn giao toàn bộ cho công ty môi trường đô thị vận hành, phần còn lại đang bàn bạc, nhưng có xu hướng sẽ tự vận hành. Trong khoảng 1 năm, toàn bộ 1.000 nhà VSCC sẽ được đưa vào sử dụng.
“Kinh phí dự tính là 188 triệu đồng/nhà. Theo quy định chung sẽ thu phí là 2.000 đồng/lượt. Mức thu này chúng tôi đánh giá là không đủ trang trải công vận hành, nhưng sẽ nâng cao ý thức người sử dụng”, vị Giám đốc dự án thông tin thêm.
Nếu làm tốt sẽ có lợi
Trao đổi với phóng viên, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa là rất cần thiết trong bối cảnh thành phố rất thiếu nhà VSCC. “Cho doanh nghiệp làm nhà VSCC là tốt, nhưng cần phải có quy hoạch, bố trí địa điểm lắp đặt khoa học, hợp lý. Con số 1.000 nhà VSCC là rất lớn nên phải có quy hoạch về địa điểm đặt ở đâu, nơi nào. Chứ không rồi sẽ xảy ra tình trạng có nơi nhiều quá, nơi thiếu quá. Hơn nữa, địa điểm này phải do cơ quan chức năng giới thiệu trên cơ sở đúng quy hoạch chứ không để cho doanh nghiệp tự làm”, ông Tùng phân tích.
Theo KTS Tùng, mẫu thiết kế nhà VSCC cũng cần phải thống nhất, tránh tình trạng mỗi doanh nghiệp làm một kiểu. Trong đó, phải tính đến việc tiết kiệm diện tích lắp đặt nhà VSCC (10-20m2). “Doanh nghiệp bỏ tiền ra họ phải có lợi nhưng cho quảng cáo trên các cầu vượt phải nằm trong sự kiểm soát, không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Hơn nữa, vì Hà Nội đang lập lại trật tự về tình trạng bát nháo trong quảng cáo thì việc cho phép doanh nghiệp khai thác quảng cáo ở những vị trí này phải xem xét kỹ lưỡng”, ông Tùng nói thêm.
Cùng bàn về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhà VSCC liên quan trực tiếp đến nhu cầu của người dân cũng như mỹ quan đô thị. Đặc biệt, nhu cầu nhà VSCC ở các thành phố nói chung và Hà Nội nói riêng còn rất nhiều, song nguồn lực lại có hạn. “Do đó, việc Nhà nước ban hành cơ chế chính sách trên, nếu thực hiện được là rất tốt. Xét trên các phương diện, đây là cơ chế mà cả 2 bên (Nhà nước và doanh nghiệp) đều có lợi, trong đó lợi nhất là người dân và xã hội”, chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.
Theo ông Long, nếu so sánh với các dự án xã hội hóa trước như xây đường, xây công viên, vườn hoa đổi lấy đất dự án cho doanh nghiệp thì Nhà nước mất rất nhiều. Bởi lẽ, đất là nguồn lực rất lớn. Thế nhưng, lần này thì khác. Nhà nước chẳng mất gì mà đáp ứng được nhu cầu công cộng của người dân đang là rất cần thiết, đồng thời đã khai thác bằng cơ chế tạo nguồn thu cho doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp cũng có lợi trực tiếp.
Trong đó, lợi trực tiếp của doanh nghiệp chính là quảng bá thương hiệu, một trong những yếu tố rất quan trọng và đắt đỏ. Bên cạnh đó, thời gian khai thác kéo dài 10 năm sẽ giúp doanh nghiệp thu hồi vốn một cách khá dễ dàng. Đánh giá đây là một chủ trương đúng và kịp thời, song chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần phải có quy trình bài bản, tránh rủi ro bất cập.
Theo đó, Nhà nước sẽ phải hoạch định địa điểm xây dựng hợp lý, làm sao có thể thẩm định tiêu chuẩn kỹ thuật công trình một cách chính xác. Bởi nếu tiêu chuẩn không đảm bảo, phù hợp, hỏng hóc sẽ dẫn đến lãng phí. Bên cạnh đó, Hà Nội đang lập trật tự về tình trạng bát nháo trong quảng cáo, nên việc cho doanh nghiệp khai thác quảng cáo phải đúng quy chế, đảm bảo chất lượng, quy củ và đồng bộ, không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông.
Thảo Phượng
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025