Italia: Tân Thủ tướng Matteo Renzi cam kết cải cách trong vòng 100 ngày

14:00 | 18/02/2014

1,186 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi được Tổng thống Giorgio Napoletano chỉ định đứng ra thành lập tân nội các (17/2), Thủ tướng mới được chỉ định Matteo Renzi lập tức cam kết sẽ cải cách trong vòng 100 ngày.

Chủ tịch đảng Dân chủ (PD) cầm quyền đã vạch ra một chương trình làm việc nhằm tiến hành những cải cách cần thiết để đưa Italia, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng tiền chung châu Âu ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế dài nhất kể từ sau Thế chiến II. Sau khi được Tổng thống Giorgio Napolitano chính thức yêu cầu thành lập tân nội các, ông Matteo Renzi đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italia kể từ khi nước này trở thành nước Cộng hòa vào năm 1946. Ông Matteo Renzi cũng là Thủ tướng thứ ba của Italia lên nắm quyền mà không qua bầu cử trực tiếp trong vòng 3 năm qua (sau ông Monti và Letta).

Sự khởi đầu thuận lợi

Trong bài phát biểu với báo chí sau khi được chỉ định làm tân Thủ tướng (sau cuộc gặp kéo dài 90 phút với Tổng thống Giorgio Napolitano), ông Matteo Renzi khẳng định, sẽ tiến hành cải cách luật bầu cử trước và mong muốn Chính phủ thứ 65 của Italia kể từ Thế chiến II sẽ hoạt động hết nhiệm kì vào năm 2018. Và ông Matteo Renzi bắt đầu các cuộc tham vấn chính thức để thành lập tân chính phủ trong vòng 24 giờ tới. Theo đó, ông Matteo Renzi sẽ trao đổi với các đảng phái chính trị nhằm soạn thảo một chương trình hành động cho tân chính phủ và thành lập nội các mới trong thời gian sớm nhất có thể.

Tân Thủ tướng Italia Matteo Renzi

Ông Matteo Renzi sinh ngày 11/1/1975 tại Florence (nơi từng làm Thị trưởng trước khi được chỉ định làm tân Thủ tướng), đã lấy vợ là một giáo viên, bà Agnese Landini và là bố của 2 con trai (Francesco và Emanuele) và 1 con gái (Este). Trong mắt nhiều người, tân Thủ tướng Matteo Renzi có một sự khác lạ hoàn toàn so với các chính trị gia truyền thống của Italia như thường đi bằng ôtô nhỏ hay xe đạp, là người dễ tính, thoái mái, nhanh nhẹn, khi nói không cần văn bản và thường đưa ra những giải pháp có tầm bao quát. Một trong những nguyên nhân khiến ông Matteo Renzi có khả năng kể trên là bởi lấy bằng Tiến sỹ luật khi mới 24 tuổi (1975-1999).

Có lẽ vì từng là hướng đạo sinh, nên ông Matteo Renzi ăn mặc với phong thái trẻ trung, thường sử dụng mạng xã hội nên được giới trẻ yêu thích. Khi còn thanh niên, tân Thủ tướng từng chiến thắng trong cuộc thi truyền hình “Vòng xoay may mắn”. Mặc dù ít tuổi, nhưng vì tham chính từ khá sớm nên ông Matteo Renzi được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập đảng Dân chủ (PD) trung tả cầm quyền hiện nay. Ông đắc cử Thị trưởng Florence khi mới 34 tuổi (1975-2009) và trở thành Chủ tịch đảng cầm quyền khi sắp bước vào tuổi 39 (15/12/2013).

Sau khi dẫn đầu cuộc bỏ phiếu trong đảng PD nhằm thay đổi chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta (13/2/2014), ông Matteo Renzi trở thành ứng cử viên số một cho chiếc ghế Thủ tướng cho dù chưa từng là thành viên Quốc hội. Ông Enrico Letta phải từ chức sau khi các thành viên trong ban lãnh đạo đảng Dân chủ trung tả bỏ phiếu với tỷ lệ 136 ủng hộ, 16 phiếu chống đối với yêu cầu thay đổi chính phủ do Chủ tịch đảng PD Matteo Renzi yêu cầu. Giới quan sát cho rằng, sự thăng tiến của ông Matteo Renzi là dấu hiệu cho thấy một sự chuyển giao thế hệ đang diễn ra tại Italia.

Phản ứng của giới chuyên môn và dư luận

Khi nói với hãng tin ANSA về những cải cách của tân Thủ tướng Italia, nhất là về kinh tế, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tin tưởng, ông Matteo Renzi sẽ thành công nhờ sự "năng động" và "dám nghĩ dám làm". Cao ủy châu Âu phụ trách kinh tế và tiền tệ, ông Olli Rehn nhấn mạnh, Italia cần tiếp tục tôn trọng Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng mà Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra, trong đó có việc duy trì giới hạn nợ công 3% so với GDP. Bởi theo ông Olli Rehn, Italia cần cắt giảm nợ công, vốn ở mức 133% GDP, cao thứ hai EU sau Hy Lạp, khắc phục tình trạng quan liêu, giảm chi phí lao động, tăng năng lực sáng tạo và nghiên cứu.

Còn theo người đứng đầu nhóm các bộ trưởng kinh tế của EU, ông Jeroen Dijsselbloem, thì tân Thủ tướng Italia phải nhanh chóng thành lập chính phủ mới, bảo đảm sự ổn định chính trị để thực thi các quyết sách kinh tế. Trong khi đó, hãng đánh giá tín dụng hàng đầu thế giới Fitch khẳng định vẫn giữ nguyên đánh giá tiêu cực về tình trạng kinh tế Italia, với mức xếp hạng BBB+. Ngày 17/2, Fitch đưa ra tuyên bố cho rằng, Thủ tướng mới được chỉ định Matteo Renzi có lẽ sẽ phải đối đầu với những vấn đề tương tự như những người tiền nhiệm. Bởi Fitch cho rằng, việc Thủ tướng Enrico Letta phải từ chức hôm 14/2 cho thấy tình trạng "mong manh" của nền chính trị Italia.

Những thách thức không nhỏ

Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italia sẽ thúc đẩy thực hiện những cải cách quan trọng tại Bộ Phát triển kinh tế, Bộ Quan hệ với Quốc hội và Bộ Cải cách. Được biết, trong khi chờ tân nội các được thành lập, ông Matteo Renzi đang gấp rút hoàn thành chương trình kinh tế của chính phủ mới, trong đó nhấn mạnh đến việc giảm thuế và tăng cơ hội việc làm, đặc biệt là đối với thanh niên. Theo giới truyền thông, ông Matteo Renzi sẽ phải tìm cách đạt được thỏa thuận với đảng Trung hữu mới (NCD) nhằm đạt được đa số tối thiểu trong Quốc hội.

Theo tân Thủ tướng Matteo Renzi, những cải cách sẽ được đưa ra từ nay cho đến tháng 5 (tổng cộng 100 ngày), trong đó có cải cách luật bầu cử, thị trường lao động, cải cách hành chính công và thuế. Theo đó, cải cách toàn diện đối với luật bầu cử của Italia và các thể chế chính trị sẽ được trình bày từ nay đến cuối tháng 2. Trong tháng 3, chính phủ sẽ thực hiện những cải cách về lao động. Cải cách hành chính công sẽ được tiến hành vào tháng 4 và cải cách thuế được thực hiện vào tháng 5.

Giới truyền thông cho biết, lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Matteo Renzi có thể diễn ra vào thứ năm, ngày 20/2 ở Rome và trong 2 ngày sau, tân Thủ tướng sẽ đến Thượng và Hạ viện để 2 viện Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Theo giới truyền thông Italia, khả năng nội các mới được thành lập trong tuần này là không cao, bởi các chính đảng vẫn chưa thống nhất được danh sách ứng cử viên cũng như số lượng bộ trưởng trong chính phủ mới.

Theo tờ Corriere della Sera (nhật báo hàng đầu ở Italia), một trong những vấn đề lớn nhất mà tân Thủ tướng Matteo Renzi và chính phủ mới phải đương đầu là đưa Italia ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế dài nhất kể từ sau Thế chiến II. Bởi 2013 là năm Italia suy thoái nặng nhất - Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã phá sản, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 13% và nợ công vượt mức 130% GDP.

Theo tờ Mặt Trời 24 giờ, còn lâu nữa Italia mới thoát khỏi khủng hoảng nếu như không có một chính sách kinh tế mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc làm, giảm chi phí công và tăng hiệu suất của bộ máy nhà nước. Bởi trong quý IV/2013, nền kinh tế Italia chỉ tăng trưởng 0,1%. Theo tờ La Repubblica, tân Thủ tướng Matteo Renzi không những phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn phải giải quyết mối quan hệ với các đảng phái, đặc biệt là với các đảng trung hữu.

Hữu xạ tự nhiên hương

Trước khi được đề cử làm Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italia, cũng như trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), ông Matteo Renzi là Thị trưởng Florence và là người chưa từng có kinh nghiệm trong cơ quan lập pháp và hành pháp. Được biết, trên cương vị Thị trưởng Florence, ông Matteo Renzi được đánh giá cao vì các chính sách giảm thuế, thiết lập hệ thống xử lý rác hiệu quả và thúc đẩy cải tổ.

Khẩu hiệu của ông Matteo Renzi là “Florence phải thay đổi, Italia phải thay đổi” nên thường được giới truyền thông Italia so sánh với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Bản thân ông Matteo Renzi cũng từng khẳng định, Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair là những hình mẫu của mình. Ông Matteo Renzi cũng tự miêu tả mình là “người có tham vọng khổng lồ”.

Theo tờ New York Times, ông Matteo Renzi được đánh giá là ngôi sao mới trên chính trường Italia kể từ khi trở thành Thị trưởng Florence cách đây 5 năm (2009-2014). Ông Matteo Renzi trở nên nổi tiếng khi mô tả tầng lớp chính trị Italia là “chiếc xe cũ nát, bỏ đi” và từ đó được gọi với biệt danh Il Rottamatore (Kẻ thích ẩu đả). Theo kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, ông Matteo Renzi được cử tri Italia ủng hộ vì được đánh giá là một làn gió mới thổi vào hệ thống chính trị già cỗi, đầy tai tiếng của nước này.

Dư luận quan tâm tới một chi tiết của tân Chủ tịch đảng Dân chủ. Ngày 18/1, ông Matteo Renzi đã mời cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi tới trụ sở đảng PD để bàn về thỏa thuận cải cách bầu cử. Động thái này từng khiến nhiều người cánh tả trong đảng Dân chủ tức giận bởi họ không chấp nhận việc người đứng đầu đảng PD ngồi cùng bàn thảo luận với thủ lĩnh đối lập. Đảng tách khỏi liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi từng đóng vai trò quan trọng trong việc chính phủ của cựu Thủ tướng Enrico Letta không bị lật đổ hồi năm ngoái.

Sau cuộc hội đàm kể trên, tân chủ tịch PD và ông Silvio Berlusconi đã thống nhất loại bỏ quyền lực của Thượng viện và nâng giới hạn tối thiểu số phiếu để một đảng nhỏ có thể có ghế trong Quốc hội Italia. Với thỏa thuận này, một đảng muốn vào được liên minh để thành lập chính phủ cần phải đạt được ít nhất 5% số phiếu bầu và nếu như đảng đó muốn đứng độc lập để có chân trong Quốc hội thì phải đạt ít nhất 8% số phiếu bầu.

Ngày 27/1, ông Matteo Renzi từng cảnh báo, chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta có nguy cơ sụp đổ, nếu các đảng phái không thống nhất trong việc tạo lập luật bầu cử mới tại Italia. Ví dụ kể trên cho thấy tầm nhìn chính trị của tân Thủ tướng Matteo Renzi.

Thị trường Italia đã phản ứng tích cực trước việc ông Matteo Renzi được bổ nhiệm làm tân Thủ tướng. Theo đó, giá trái phiếu 10 năm của chính phủ Italia đã giảm xuống 3,6%, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 1/2006. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng Italia sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến II đã tăng lên.

Trước đó (14/2), ngay sau khi chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta từ chức và ông Matteo Renzi trở thành ứng viên số một cho vị trí đứng đầu nội các, thị trường chứng khoán Milan đã đạt điểm cao nhất kể từ năm 2011.

 

Tân Hồng - Tiên Du