Hồng Kông chính thức suy thoái kinh tế vì biểu tình

10:24 | 19/11/2019

6,661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ một tuần qua, những người biểu tình đã chuyển sang chiếm đóng các trường đại học trong một chiến dịch mới mang tên “Hoa nở khắp nơi”. Chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh không có dấu hiệu nhượng bộ nên càng đẩy đặc khu này vào căng thẳng. Những tác hại kinh tế từ biểu tình đã rõ nét.
hong kong chinh thuc suy thoai kinh te vi bieu tinh
Bên ngoài Trường đại học Bách khoa Hồng Kông ngày 17/11

Hoa nở khắp nơi

Từ hơn một tuần qua, Hồng Kông rơi vào trạng thái gần như tê liệt. Biểu tình ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ, cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Sau khi dự luật được chính quyền rút, người biểu tình vẫn xuống đường, đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam từ chức.

Sau hơn 5 tháng biểu tình ôn hòa, với sự tham gia của đông đảo dân chúng, không gặt hái thành công, giới tranh đấu ở Hồng Kông quyết định chọn chiến thuật mới. Cụ thể là, các nhóm nhỏ, chủ yếu là sinh viên, bất ngờ tổ chức các hoạt động phản kháng ở quy mô nhỏ, phong tỏa giao thông, gây khó khăn tối đa cho cảnh sát. Trước đó, biểu tình chỉ diễn ra vào mỗi cuối tuần thì nay diễn ra bất kể ngày giờ. Ngày 14/11, các trục đường chính của thành phố bị ngăn chặn bằng nhiều hàng rào bằng tre, bằng gạch, hay đủ mọi loại phương tiện khác. Hệ quả là một trong ba xa lộ ngầm chủ yếu của thành phố bị đóng cửa, nhiều trạm xe điện ngầm, tuyến xe buýt bị hủy bỏ. Toàn bộ thành phố 7,5 triệu dân gần như tê liệt. Rất nhiều trường phổ thông và đại học bị đóng cửa. Tại nhiều bệnh viện, chỉ có bộ phận cấp cứu là còn hoạt động. Buôn bán giao thương bị đình trệ.

Biểu tình gia tăng khi Hồng Kông dự kiến tổ chức bầu cử cấp quận vào 24/11, chọn 400 thành viên cho 18 hội đồng quận. Đây được cho là thước đo quan trọng đối với ý kiến công chúng trước các cuộc biểu tình hiện nay. Chính quyền Hồng Kông bắn tiếng có thể hoãn cuộc bầu cử này nhưng theo kết quả các cuộc khảo sát, 70% người dân Hồng Kông phản đối.

Tâm điểm của phong trào biểu tình ở Hồng Kông hiện đang nằm ở trường Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) ở khu vực Hung Hom thuộc khu đô thị Cửu Long. Khu vực này đã bị đám đông chiếm đóng hơn một tuần. Hai ngày cuối tuần qua, cảnh sát và người biểu tình đụng độ dữ dội tại PolyU. Người biểu tình bắn mũi tên vào cảnh sát, sử dụng súng cao su phóng pháo sáng, đốt lửa tại các tòa nhà và cây cầu. Họ cũng ném chất cháy vào một xe bọc thép, khiến nó bốc cháy trên cầu vượt gần khuôn viên trường. Hiện cảnh sát Hồng Kông đã phong tỏa PolyU. Trong cuộc họp báo ngày 18/11, Chỉ huy cảnh sát Cửu Long kêu gọi người biểu tình trong PolyU đầu hàng và yêu cầu họ không sử dụng bạo lực. Cảnh sát trưởng Kwok Ka-chuen cho hay cảnh sát đang tìm cách chấm dứt tình trạng bế tắc ở PolyU một cách hòa bình. "Nếu những người cực đoan bỏ vũ khí, làm theo chỉ dẫn của cảnh sát và chịu trách nhiệm pháp lý, cảnh sát sẽ không sử dụng vũ lực", Kwok nói.

Cảnh sát cho biết đã bắn đạn thật hai lần trong hai ngày qua, đồng thời lên án hành vi bạo lực nhằm vào cảnh sát, nêu trường hợp một sĩ quan bị trúng mũi tên ngày 17/11. "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một hành động giết người. Mũi tên có thể đã giết chết sĩ quan của chúng tôi hoặc bất kỳ ai ở xung quanh", người phát ngôn cảnh sát cho hay, đồng thời lên án các cuộc tấn công này "như khủng bố" và người biểu tình "định giết" cảnh sát. Kwok Ka-chuen, quan chức thuộc đơn vị quan hệ công chúng của cảnh sát, cho biết cảnh sát đã bắt tổng cộng 4.491 người kể từ khi biểu tình bùng phát đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ, bao gồm 3.395 nam và 1.096 nữ, tuổi từ 11 đến 83. Họ chủ yếu bị bắt vì các tội danh liên quan đến bạo loạn, sở hữu vũ khí tấn công, đốt phá và tấn công cảnh sát. Cuối tuần qua, 154 người đã bị bắt khi bạo lực leo thang vì bị cáo buộc tham gia tụ tập bất hợp pháp, bạo loạn và đốt phá.

Ngoài PolyU, người biểu tình cũng đã chiếm nhiều trường đại học các làm pháo đài tranh đấu. Ngày 15/11, hiệu trưởng 9 trường đại học Hồng Kông ra thông cáo kêu gọi lãnh đạo đặc khu ngay lập tức ''tìm giải pháp chính trị'' cho khủng hoảng.

Tuần trước, Trưởng đặc khung hành chính Hồng Kông Carrie Lam lên án bạo lực và tuyên bố sự leo thang bạo lực sẽ không khiến chính quyền đáp ứng yêu cầu của người biểu tình. Trung Quốc cáo buộc phương Tây đứng sau các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và bày tỏ sự ủng hộ với Carrie Lam. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14/11 nói rằng tình trạng bất ổn ở Hồng Kông "chà đạp nghiêm trọng thượng tôn pháp luật và trật tự xã hội", thách thức nguyên tắc cơ bản của mô hình một quốc gia, hai chế độ. Ông Tập khẳng định ngăn chặn bạo lực, kiểm soát bạo loạn và khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách đối với Hồng Kông. Ông thậm chí đe dọa sẽ rút cơ chế đặc khu với Hồng Kông.

Trong một diễn biến mới, ngày 18/11, Tòa án tối cao Hồng Kông ra phán quyết rằng lệnh cấm người biểu tình đeo khẩu trang, mặt nạ của chính quyền là vi hiến. Bà Carrie Lam ngày 4/10 công bố lệnh cấm người biểu tình đeo khẩu trang, mặt nạ, vẽ sơn lên mặt như một biện pháp răn đe người biểu tình bạo lực và hỗ trợ cảnh sát thực thi pháp luật. Những người vi phạm có thể đối diện án tù lên tới một năm hoặc bị phạt 25.000 đôla Hồng Kông (khoảng 3.200 USD). Một nhóm gồm 25 nghị sĩ sau đó đệ đơn lên Tòa án Tối cao yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm này. Theo tòa, lệnh cấm đã vi phạm hiến pháp của thành phố, không phù hợp với luật cơ bản và không đạt được sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích xã hội được xúc tiến và sự xâm phạm các quyền được bảo vệ. Sau khi phán quyết được công bố, cảnh sát Hồng Kông tuyên bố tại cuộc họp báo rằng họ sẽ ngừng thực thi lệnh cấm trên trong lúc tòa tiếp tục xem xét đơn kháng nghị.

Hồng Kông suy thoái kinh tế

Phong trào biểu tình kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế Hồng Kông. Sau 1 tuần bạo động vừa qua, ngày 18/11, các hãng hàng không Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc giảm số tuyến bay đến Hồng Kông trong những tuần tới vì lượng khách giảm. Trước đó, các dữ liệu của chính quyền Hồng Kông cho biết đặc khu này đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong quý 3, lần đầu tiên chuyện này xảy ra trong một thập kỷ. Báo cáo cho biết một trong các lý do chính là các cuộc biểu tình chống chính quyền càng lúc càng dữ dội, và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang. Dữ liệu cập nhật cho thấy nền kinh tế Hồng Kông đã co cụm 3,2% trong quý 3 so với quý trước đó. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) co cụm trong quý tiếp theo, thỏa đáng định nghĩa của suy thoái kinh tế, tức là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm trong hai quý liên tục. Trong khi vẫn chưa có dấu hiệu gì về việc các cuộc biểu tình sẽ chấm dứt nay mai, các nhà phân tích cảnh báo rằng Hồng Kông, một trung tâm tài chính và thương mại quốc tế, đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái lâu dài và nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008/2009, và cả sau dịch SARS hồi năm 2003.

Chính quyền nói chấm dứt bạo lực và cứu vãn hòa bình là mấu chốt cho sự phục hồi của nền kinh tế Hồng Kông. Chính quyền đặc khu cho biết sẽ tiếp tục theo sát tình hình và đề ra các biện pháp cần thiết để hỗ trợ và bảo vệ các doanh nghiệp. Cảnh sát Hồng Kông nói phong trào phản kháng đang khiến thành phố này lâm vào “bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn”.

hong kong chinh thuc suy thoai kinh te vi bieu tinhCông ty Hong Kong muốn rời Trung Quốc
hong kong chinh thuc suy thoai kinh te vi bieu tinhBáo Trung Quốc nói Bắc Kinh có quyền sử dụng vũ lực tại Hong Kong
hong kong chinh thuc suy thoai kinh te vi bieu tinhMỹ quan ngại về lực lượng bán quân sự Trung Quốc ở gần Hong Kong

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc