Hồi ức về một thời "vào hang bắt cọp"

07:00 | 22/12/2012

1,221 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chúng tôi vừa gặp lại Đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 (Quân chủng PK-KQ), người đã trực tiếp chỉ huy đơn vị hành quân từ miền Bắc vào chiến trường Vĩnh Linh, tìm cách tiêu diệt “siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ. Hồi ức về một thời “vào hang bắt cọp” được ông tái hiện lại khá rõ nét.

“Vào hang bắt cọp”

Tháng 4/1965, Trung đoàn tên lửa phòng không 238 được thành lập do Đại tá Nguyễn Văn Hội làm Trung đoàn trưởng. Một năm sau, tháng 4/1966, nhận lệnh của cấp trên, bác Hội dẫn Trung đoàn của mình vượt mưa bom bão đạn vào phối hợp tác chiến với Quân khu 4 tìm cách đánh B-52. Sở chỉ huy Trung đoàn 238 lúc này đang đóng ở Nghi Lộc (Nghệ An) được lệnh “vào hang bắt cọp”, đưa tên lửa vượt sông Lam vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) tiêu diệt B-52.

Đem tên lửa vào Vĩnh Linh là một điều không hề đơn giản. Việc một chiếc ôtô bình thường đi đến cầu Hiền Lương khi địch không tiếc bom đạn vãi xuống đã khó, huống chi việc đưa cả một đơn vị tên lửa với hàng trăm chiếc xe các loại vào đến Vĩnh Linh an toàn. Các chuyên gia Liên Xô đều lắc đầu ngao ngán: “Đường xấu lắm, tên lửa chúng tôi sản xuất ra không thể đi đường như thế được”- Đại tá Nguyễn Văn Hội nhớ lại.

Bàn cách đánh B-52 trên chiến trường Quảng Trị

Thắng lợi bước đầu

Vận chuyển được cả tiểu đoàn tên lửa vào đến Vĩnh Linh đã khó, bảo đảm an toàn được các trang thiết bị và lực lượng cũng không phải là điều dễ dàng. Cùng với sự trợ giúp đắc lực của bộ đội và dân quân địa phương, bộ đội tên lửa đã ngày đêm đào hầm đưa khí tài, tên lửa xuống để bảo quản, tránh bom đạn Mỹ bắn phá. Đại tá Nguyễn Văn Hội kể:

- Đồng chí Chính ủy Quân chủng PK-KQ Đặng Tính lúc đó có nói với chúng tôi như thế này: "Vận chuyển cả một tiểu đoàn tên lửa vào Vĩnh Linh an toàn đã là một huyền thoại và có thể phong anh hùng lần thứ nhất. Đến Vĩnh Linh, đem hết được số tên lửa ấy xuống hầm an toàn đã có thể phong anh hùng lần thứ hai. Bảo đảm, xác định thông số kỹ thuật chính xác và tập trung được lực lượng khi có B-52 đã có thể phong anh hùng lần thứ ba. Khi B-52 đến, bắn hạ được nữa là các anh đã bốn lần anh hùng”.

Cái giá không nhỏ

Khi triển khai lực lượng, bộ đội tên lửa đã phải trả một cái giá không nhỏ để mang về chiến thắng. Phải mất một thời gian dài mới tìm ra cách để đối phó với thủ đoạn gây nhiễu điện tử của địch. Hàng trăm quả đạn bắn đi lại rơi xuống, khiến ta bị thiệt hại nặng nề.

Bên cạnh đó, địch liên tục bắn thăm dò và đe dọa lực lượng của ta. Cả tiểu đoàn 83 đã bị bom tọa độ Mỹ phá hỏng, không quân Mỹ đã dùng pháo 20 ly bắn thăm dò và trúng vào bệ tên lửa. Phát hiện mục tiêu của ta, chúng vãi bom đạn, đánh liên tục 3 ngày đêm. Tiếp đó, chúng lại sử dụng pháo mặt đất ở bờ Nam - Hiền Lương bắn sang và pháo ở ngoài biển bắn vào. Tiểu đoàn 81 cũng bị Sơ-rai (tên lửa không đối đất) của địch bắn hỏng.

Hai Tiểu đoàn 82 và Tiểu đoàn 84 cũng bị thiệt hại nặng nề. Trong ba ngày đêm ác liệt ấy, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 238 đã ngã xuống; nhiều bộ khí tài đã bị phá hủy, trong khi ta vẫn chưa hạ được B-52. Chỉ huy Trung đoàn 238 đã quyết định sáp nhập hai tiểu đoàn bị tổn thất nhẹ hơn, lấy tên là Tiểu đoàn 84 để đối phó với B-52 của địch.

Chiến thắng xoa dịu nỗi đau

Cơ hội đã đến khi Mỹ chủ quan cho rằng chúng đã phá hỏng toàn bộ tên lửa của ta. Lợi dụng điều đó, bộ binh ta trực tiếp tấn công quân Mỹ ra sát bờ Nam sông Bến Hải, buộc địch phải điều B-52 ra yểm trợ hỏa lực cho bộ binh Mỹ. “Với sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần quyết tâm lớn, Tiểu đoàn 84 đã hạ gục 2 máy bay B-52 của Mỹ tại trận địa Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh vào lúc 19 giờ ngày 17/9/1967. Tất cả chúng tôi đều vỡ òa trong niềm vui sướng”- Đại tá Nguyễn Văn Hội bồi hồi nhớ lại.

Tin vui như cánh chim nhanh chóng bay đi. Bác Hồ đã gửi thư khen và quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84.  

Sau bao mất mát, hy sinh, bộ đội tên lửa phòng không đã lần đầu tiên hạ gục “siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ. Chiến thắng ấy là điều kỳ diệu, xoa dịu nỗi đau mất mát. Cái giá phải trả không hề nhỏ, nhưng chiến thắng này là sự mở màn ngoạn mục cho hàng loạt những chiến thắng tiếp đó, mà điển hình nhất là kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Nguyễn Hương Bưởi