Hồi hộp chờ giải cứu nợ xấu
Vì sao, nợ xấu?
Đa số các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, kể từ khi lạm phát và suy giảm kinh tế trên thế giới năm 2007 ngày càng lan rộng, đến nay hầu hết các nền kinh tế toàn cầu đều lâm vào trình trạng suy giảm. Điều đó cũng ít nhiều tác động đến nền kinh tế nước ta. Có thể thấy rõ, năm 2011 và 6 tháng đầu năm đã có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, hoạt động cầm chừng, hoặc đóng cửa do sức mua của thị trường suy giảm... dẫn đến khả năng trả nợ cho ngân hàng gần như không có.
Về mặt chủ quan, sức đề kháng yếu ớt của doanh nghiệp Việt Nam (quản trị yếu, sức cạnh tranh của hàng hóa, khả năng đón đầu xu hướng không có...) khi tình hình kinh tế thay đổi đột biến chính là nguyên nhân rõ nét nhất. Tất cả dẫn đến tình trạng sản xuất bị ảnh hưởng, thị trường mới bị thu hẹp, thị trường cũ bị cạnh tranh và mẫu số chung là doanh nghiệp lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Một yếu tố khác là vài năm trở lại đây, mức tăng trưởng tín dụng khá cao, thậm chí có năm tăng trưởng tín dụng đạt tới xấp xỉ 30%, khiến dòng vốn được sử dụng khá dễ dãi, thậm chí hiệu quả còn bị đặt xuống hàng thứ yếu.
Nợ xấu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và thực sự đang trở thành một thách thức lớn với nền kinh tế Việt Nam. Rất nhiều ngân hàng vừa phải siết chặt công tác quản lý nợ, thậm chí mạnh dạn cho các giám đốc chi nhánh hoạt động không hiệu quả tạm nghỉ việc, để hàng ngày cầm điện thoại đòi nợ. Trên thực tế từ năm 2011, bằng những cách riêng của mình các ngân hàng đã chào mời những món nợ khó đòi với mức giá dao động từ 60-70% giá trị ban đầu. Các chuyên gia cũng không quên cảnh báo, lâu nay các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) cũng chỉ biết lấy tăng trưởng tín dụng làm nguồn thu chính, ngoài ra các dịch vụ khác liên quan đến giao dịch gần như bị bỏ rơi.
Một giám đốc doanh nghiệp dệt may giấu tên thú nhận, trong vòng 2 năm qua, không phải lúc nào công ty cũng thua lỗ. Tuy nhiên, nếu có doanh thu và có lãi, họ cũng ém nhẹm và chấp nhận giơ đầu chịu phạt, miễn là ngân hàng cho… giãn tiến độ trả lãi suất. Vị lãnh đạo trên cũng khẳng định, hiện có rất nhiều đối tác làm ăn của ông vô tư rập khuôn công thức trên chỉ vì họ nghe đâu… Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sớm có chỉ đạo để các NHTMCP giảm lãi suất cho các khoản vay trong quá khứ?! Điều đó vô tình khiến dòng tiền của hệ thống ngân hàng bị đọng lại phần nào, chí ít cũng là chi phí thường xuyên.
Khẩn trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh tái khẳng định, ngân hàng là một thể chế tài chính rất quan trọng trong kinh tế thị trường, có chức năng huy động vốn và cấp vốn cho những dự án và doanh nghiệp có hiệu quả. Vì vậy, trong kinh tế thị trường, nếu có tính đến việc phá sản các ngân hàng các cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét hết sức thận trọng, nếu không sẽ gây nên hiệu ứng domino tiêu cực. “Việc xử lý các ngân hàng yếu kém có thể được xử lý bằng cách sáp nhập hoặc mua lại với các ngân hàng mạnh hơn. Trên thực tế NHNN đã bắt đầu quá trình sáp nhập và mua lại này và sẽ tiếp tục quá trình này trong thời gian tới. Dĩ nhiên không có loại trừ sẽ có trường hợp nào đó phải đi đến phá sản. NHNN đã có nỗ lực lớn liên tục giảm lãi suất huy động nhưng chậm hạn chế lãi suất cho vay. Các NHTMCP từng huy động vốn trong quá khứ với những mức lãi suất cao khác nhau cho nên bản thân họ không thể ngay lập tức giảm lãi suất cho vay mà phải tính toán một mức lãi suất thích hợp để đủ trang trải lãi suất huy động đã cam kết”, chuyên gia Lê Đăng Doanh phát biểu trong một buổi tọa đàm về nợ xấu được tổ chức gần đây.
Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp đang gánh chịu các khoản tín dụng được vay trong quá khứ với lãi suất rất cao. Cũng vì NHNN kiến nghị giảm mức lãi suất cho vay của các khoản tín dụng cũ hơi muộn, nên các NHTMCP cũng chần chừ giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động mà NHNN quy định. TS Nguyễn Thị Mùi, nguyên Phó giám đốc Học viện Tài chính phân tích, các NHTMCP cũng là doanh nghiệp, họ cũng phải kinh doanh có lãi, họ có tiêu chí lựa chọn để cho vay. Không ít ngân hàng hiện nay có thanh khoản dồi dào, có nhu cầu cho vay và họ đã cho một số doanh nghiệp lớn có thành tích tốt (tức là đã luôn trả nợ đúng hạn và làm tròn nghĩa vụ thuế với Nhà nước) vay. Một số doanh nghiệp khác có hàng tồn kho có nợ xấu, hiện nay gặp khó khăn trong tiêu thụ, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Như vậy, những doanh nghiệp nào có phương án giải quyết nợ tồn đọng, có phương án kinh doanh thuyết phục được ngân hàng thì mới mong tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Không có hy vọng có mức lãi suất thấp đồng đều như nhau cho tất cả các doanh nghiệp. Cũng có ngân hàng lợi dụng tình hình khó khăn của doanh nghiệp để áp đặt những mức phí lách quy định của NHNN. Tuy vậy, những trường hợp này chắc chắn không nhiều, thậm chí có thể được xử lý hành chính theo kiểu đánh vào uy tín, trách nhiệm, để các doanh nghiệp có thêm cơ chội tìm kiếm những ngân hàng khác hoạt động đàng hoàng hơn.
Xung quanh thông tin thành lập công ty mua bán nợ quốc gia trực thuộc NHNN, TS Nguyễn Đức Thành, giảng viên Chương trình Fullbright tại Việt Nam cho rằng, cần phải xác định rõ mục tiêu hoạt động và nguồn lực cho tổ chức này. Về mục tiêu hoạt động, công ty mua bán nợ phải đặt mục tiêu là mua nợ xấu để bán lại, thu hồi vốn trong thời gian ngắn nhất thay vì mua lại rồi gia hạn nợ. Thứ hai, công ty này chỉ mua nợ xấu của các tổ chức chưa lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đồng thời sau khi mua nợ xấu thì các tổ chức tín dụng có thể trở lại hoạt động tài chính bình thường. Thêm nữa, nợ xấu phải được mua ở mức giá chiết khấu, tức là có giá thành giảm so với nguyên bản. Sau cùng, nguồn lực cho công ty mua bán nợ phải là nguồn vốn ngân sách thật thay vì dùng tiền phát hành. Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc “dẹp loạn” nợ xấu. Tuy nhiên, trước mắt Chính phủ sẽ yêu cầu ngành ngân hàng làm rõ thực chất nợ xấu và xem xét xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro bắt buộc mà các ngân hàng luôn có, trước khi trông chờ công ty mua bán nợ.
Hữu Tùng
(Năng lượng Mới số 141, ra thứ Sáu ngày 27/7/2012)
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025