Hội chứng “đãng trí”

17:51 | 08/09/2017

1,374 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây, tình trạng cán bộ mắc bệnh “đãng trí” ngày càng nhiều. Mà sự “đãng trí” của các vị cán bộ ấy đã gây tổn thất cho người dân cũng như cơ quan Nhà nước.

Vậy thì với những vị cán bộ hay “quên” ấy phải xem xét lại năng lực lãnh đạo, điều hành công việc xem có bình thường hay không. Nếu thật sự mắc bệnh “đãng trí” thì phải loại khỏi bộ máy công quyền.

Năm học 2013-2014, UBND huyện Tương Dương, Nghệ An đã “quên” chi trả số tiền hỗ trợ khoảng 5,7 tỉ đồng cho học sinh nghèo trên địa bàn toàn huyện. Đây là số tiền các em học sinh được hưởng theo Nghị định 49 của Chính phủ. Nghị định này quy định: Từ năm học 2010-2011 trở đi, học sinh thuộc diện hộ nghèo hoặc đang sinh sống ở các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập 70.000 đồng/tháng/học sinh. Nhưng năm học 2013-2014, các cháu học sinh ở huyện Tương Dương mới được hưởng. Vậy mà sang đến năm 2017, số tiền ấy vẫn không đến tay các cháu.

hoi chung dang tri

Giải thích về việc số tiền trên bị “lãng quên” 3 năm qua, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Văn Hải thừa nhận, huyện đã dùng số tiền đó chi vào mục đích khác. Khi sự việc này bị tố giác, ngày 27-8 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An lên Tương Dương để thẩm tra, xác minh. Và ngày 1-9, ông Nguyễn Văn Hải (Chủ tịch UBND huyện Tương Dương) cho biết, huyện đã viết thư xin lỗi phụ huynh và học sinh và hứa sẽ chi trả xong trước ngày 10-9.

Lúc đầu, số tiền hỗ trợ được chuyển về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, nhưng sau khi Nghị định 74 ban hành thì số tiền này lại được chuyển về ngân sách huyện. Nhưng do cán bộ huyện đã "quên" không chuyển số tiền này về Phòng Giáo dục và Đào tạo để chi trả cho các em học sinh. Một nguyên nhân nữa là tiền hỗ trợ chuyển về muộn (hết năm học mới chuyển về), nên có thể cán bộ phụ trách đã "quên" - đó là lời giải thích của huyện Tương Dương.

Ở Lâm Đồng có vị cán bộ nữ mắc nhiều sai phạm và đã bị kỷ luật ở cấp phường nhưng cấp cao hơn lại “quên” xử lý nên vị này vẫn tiếp tục được giới thiệu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Bảo Lộc nhiệm kỳ 2017-2022. Đó là bà Biện Thị Lâm - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Lộc Phát 3 nhiệm kỳ liên tục. Trong nhiệm kỳ trước, bà Lâm đã sai phạm về việc sử dụng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội không đúng đối tượng, chia sẻ vốn của 12 hộ nghèo và cận nghèo với số tiền 129 triệu đồng. Bà Lâm còn ban hành và ký quyết định tặng giấy khen cho chi hội và hội viên trái quy định của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Phường đã 3 lần ra quyết định xử lý kỷ luật khiển trách đối với bà Lâm.

Năm 2016, bà Lâm tiếp tục lợi dụng chức vụ, lập giả giấy biên nhận, giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt 1,6 triệu đồng tiền hoa hồng và tiền bồi dưỡng kiểm tra của cán bộ hội. Với sai phạm này, bà Lâm đã bị Đảng ủy phường Lộc Phát thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo…

Những sai phạm có tính hệ thống như vậy mà bà Lâm vẫn tồn tại thì đúng là lãnh đạo cấp trên đã “quên” hoặc cố tình quên, bất chấp dư luận.

Thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang có ông Nguyễn Minh Son - cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của thị trấn để quên 115 bằng khen, huân, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công trong tủ suốt 30 năm. Chỉ đến khi ông bị bệnh và chết năm 2015, người khác lên kế nhiệm thì mới phát hiện ra. Nhiều gia đình thiệt thòi vì suốt 30 năm không được hưởng chế độ chính sách người có công.

Trong báo cáo phòng chống tham nhũng của UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay cũng đã nêu 8 trường hợp cán bộ “quên” kê khai tài sản. Trong đó có một cán bộ bị kỷ luật vì “kê khai tài sản không trung thực”. Nhưng Hà Nội không nêu rõ tên của những người “đãng trí” trong báo cáo.

Ở tỉnh Thanh Hóa có ông Ngô Hữu Bàn, Chủ tịch UBND phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn đã “bỏ quên” ngoài sổ sách tới 700 triệu đồng để tiêu xài cho bản thân. Vì cái sự “đãng trí” ấy mà ông Bàn đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Cử tri Trần Viết Hoàn, người từng là cận vệ của Bác Hồ, trong buổi tiếp xúc với cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã nói: Dân lo lắng cho Đảng, cho Nhà nước; kiến nghị Đảng, Nhà nước xem xét lại công tác cán bộ một cách nghiêm túc”. Cán bộ quan liêu, hách dịch, xa dân nên để xảy ra nhiều chuyện đáng buồn. Tình trạng dân gửi đơn thư khiếu kiện bị bỏ quên đã diễn ra phổ biến ở nhiều cấp, ngành và địa phương. Nhưng khi phát hiện ra thì không ai bị quy trách nhiệm cụ thể và giải quyết thấu đáo.

Quả là đáng báo động đỏ rồi! Các công bộc của dân mà cứ “đãng trí”, cứ cố tình quên như thế thì khác nào hại dân, hại nước?

Bùi Đức