Hoảng hốt gà siêu rẻ

08:38 | 13/08/2012

1,613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Kể từ tháng 6 vừa qua, ở những chợ đầu mối gia cầm, bỗng xuất hiện loại “gà mía” có giá thành chỉ bằng một nửa giá gà trong nước. Những công nhân, sinh viên nghèo ở Hà Nội khấp khởi mừng bởi bữa cơm ngày thường đã có thể có thịt gà. Nhưng rồi ai nấy đều hoảng hốt khi nghe tin đây thực chất là gà thải loại của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Bộ Công an Việt Nam đã phải vào cuộc, truy tìm hành trình của loại gà siêu rẻ này.

Chiều 7/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, cơ quan chức năng đang phối hợp với Bộ Công an, tập trung bắt các đầu nậu thu gom gà loại thải từ Trung Quốc ở các tỉnh biên giới, nhất là Lạng Sơn và Quảng Ninh.
 

Sự bất thường đến từ gà siêu rẻ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định: “Trong lúc nước ta đang thừa gà, vịt thì gà thải loại Trung Quốc lại tràn ngập thị trường Việt Nam, đây là điều bất thường”. Ông phân tích: Khi Trung Quốc tạm dừng nhập gia súc, gia cầm của Việt Nam thì một con lợn của mình cũng không “lọt” qua được biên giới, vậy mà gà thải loại của Trung Quốc lại tràn ngập thị trường Việt Nam một cách vô tư, điều này cần phải xem xét kỹ. Trong khi giá gà trong nước chưa tới 30.000 đồng/kg, dưới cả giá thành 5.000-6.000 đồng thì giá gà Trung Quốc nhập lậu chỉ hơn một nửa giá thành gà trong nước.

Khảo sát thực tế tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội), có thể thấy trung bình mỗi ngày, chợ Hà Vĩ cung cấp khoảng 30 tấn gà thải loại cho địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận. Gà thải loại của Trung Quốc được dân buôn tại chợ Hà Vĩ gọi là gà mía nhằm dễ dàng “trộn” lẫn với gà mía trong nước. Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng buôn gà nhập lậu thường tập kết gà tại khu vực xã Tứ Dân (Khoái Châu, Hưng Yên) vào lúc sáng sớm. Mỗi ngày, từng xe gà có trọng tải khoảng 4 tấn được vận chuyển lên bến đò An Cảnh sang chợ Hà Vĩ.

Tiểu thương buôn gà cho biết, gà thải loại Trung Quốc thường được nuôi theo kiểu công nghiệp, được cho ăn một loại chất kích thích để đẻ từ 1-2 quả/ngày. Khi đã đẻ hết trứng sẽ được bán lại cho dân buôn Việt Nam với giá rẻ. Do thịt loại gà này rất dai, giống với gà ta nên rất “hút hàng”. Loại gà này được vận chuyển đường dài, lại là những con gà đã “thọ” lâu rồi nên khi đến điểm tập kết thì con khỏe nhất cũng đi lại chậm chạp, mắt lờ đờ, chân run run, mào tím thâm, không còn sức sống. Bởi vậy nhiều dân buôn còn phân loại và tính giá gà chết. Gà chết được chọc cổ để chảy hết máu đen (để đỡ bị thâm thịt), rồi bán 25.000-30.000 đồng/con mà không cần cân đong. Đáng sợ hơn cả là những đống gà chết được bán “chạy” hơn cả gà sống.

Gà thải loại được làm thịt rồi bày bán công khai

Chợ gà ở khu vực cầu Lủ (Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phần nhiều là gà thải và không rõ nguồn gốc. Được biết, Chi cục Thú y Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nắm tình hình và kiểm tra, xử lý sai phạm tại khu vực này. Các cán bộ của Chi cục cho biết: Khu vực chợ bán thịt gà siêu rẻ là dãy phố dài thuộc 2 phường của 2 quận: phường Định Công (quận Hoàng Mai) và phường Khương Đình (quận Thanh Xuân). Tổng số hộ kinh doanh bày bán thịt gà siêu rẻ là 19 hộ, trong đó có 7 hộ thuộc phường Định Công và 12 hộ thuộc phường Khương Đình. Một sự thật đáng ngại là “Hoàn toàn không có gà mía, gà ta như lời người bán nói”.

Ông Phạm Đăng Vĩnh, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Hoàng Mai cho biết, trạm đã phối hợp với đơn vị quản lý thị trường và UBND phường Định Công kiểm tra 7 hộ bán thịt gà siêu rẻ trên địa bàn. Ngay từ cuối tháng 5, đoàn kiểm tra đã phát hiện số lượng gà không có giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, bắt và tiêu hủy của 2-3 hộ kinh doanh. Trước sự lan tràn ngày một nhiều của gà thải loại Trung Quốc, Trạm Thú y quận Thanh Xuân đã phải cử cán bộ đứng trực ở chợ, nhằm phát hiện và tịch thu nếu phát hiện gà không kiểm dịch. Lo ngại nhất là toàn bộ 19 hộ kinh doanh gà ở đây (có giấy tờ hoặc không) đều cho biết họ lấy gà từ chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội).

Giá gốc chỉ 5.000 đồng/con

Trong những đợt kiểm tra và phát hiện gà thải loại, các đối tượng vi phạm khai với cán bộ chức năng rằng, họ mua gà thải từ Trung Quốc với giá 5.000 đồng/con. Mang về buôn gà lông (chưa làm thịt) cũng vẫn lãi gấp 3-4 lần, nếu làm sạch sẽ cũng bán được 30.000 đồng/kg.

Tại chợ cầu Lủ bày bán tràn lan loại gà siêu rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Một kg gà đã làm sạch được chào bán giá 35.000 đồng, khéo mặc cả thì sẽ được bán giá 30.000 đồng/kg. Người bán gà quảng cáo đó là gà mía Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) hoặc gà cỏ... Thế nhưng, theo khảo sát của phóng viên thì trên thị trường giá gà mía, gà cỏ còn sống (gà hơi) rẻ nhất là 80.000-100.000 đồng/kg, còn khi đã là thịt thành phẩm cũng phải lên tới 130.000-150.000 đồng/kg.

Sự nhập lậu ồ ạt gà thải loại của Trung Quốc đã được ngăn chặn nhưng có lẽ vẫn không xuể. Điều này thể hiện ở những vụ phát hiện và thu giữ hàng nghìn tấn hàng gia cầm bẩn nhập lậu tại Việt Nam của các cơ quan chức năng. Thế nhưng chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ vẫn chẳng khi nào khan hàng.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 7-8-2012, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết: Việc hàng chục, thậm chí cả trăm tấn gà loại thải từ Trung Quốc sang mỗi ngày là cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là trong số hàng trăm tấn gà thải loại đó, có đến vài chục tấn “chảy” vào Hà Nội mỗi ngày. Gà loại thải Trung Quốc là loại đẻ hết trứng, họ không ăn, thậm chí có cả gà bệnh, giá rẻ chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Gà loại thải Trung Quốc không chỉ giết chết ngành chăn nuôi trong nước, còn gây khả năng mất kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Công an để phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu gia súc, gia cầm ở các tỉnh vùng biên. Ông Tần nêu rõ: “Vấn đề là đánh các đầu nậu, chứ bắt mấy ông cửu vạn thì không giải quyết được gì, do đó cần có sự phối hợp của cơ quan liên ngành, trong đó có Cơ quan điều tra. Công an sẽ điều tra, xác định các đầu nậu, rồi tiến hành phối hợp mới bắt được”. Theo ông Tần, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về việc này, vấn đề là các cấp này có làm hay không.

Trước thông tin về việc có hiện tượng bảo kê của các địa phương cho đầu nậu thu gom gà loại thải, ông Tần thẳng thắn nhìn nhận: “Cái này thì chưa đủ cơ sở để kết luận. Nhưng nói thật, chẳng có cái gì mà chính quyền địa phương không biết. Các ông ở phường, xã còn biết hết đối tượng nào nghiện, hút chích, thì cái đó sao mà không biết được?”.

Cục Thú y cho biết, thời gian gần đây, dịch cúm gia cầm có nguy cơ xuất hiện và bùng phát ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Hiện dịch đang diễn biến phức tạp ở 4 tỉnh là Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, số lượng gia cầm chết, tiêu hủy ở các tỉnh này đã lên gần 123.000 con.
 

Phú Duy

Năng lượng Mới số 145, ra ngày 10/8/2012