Ho Feng Shan - Người Trung Hoa cứu tinh ẩn danh

09:46 | 30/08/2019

1,562 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khi qua đời ở tuổi 96, Ho Feng Shan (Hà Phụng Sơn) mang theo bí mật của đời ông xuống mồ. Suốt cuộc đời mình, Ho Feng Shan không hề nhắc đến những hành động anh hùng của ông trong Thế chiến II với bất cứ ai, kể cả với vợ con hay bạn bè.

Từ năm 1938 đến 1940, lúc là Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân quốc ở thủ đô Vienna nước Áo, Ho Feng Shan chỉ bằng chữ ký của mình đã cứu mạng hàng chục ngàn người Do Thái khỏi bàn tay sát nhân của Đức Quốc xã.

ho feng shan nguoi trung hoa cuu tinh an danh
Ho Feng Shan - Người Trung Hoa cứu tinh ẩn danh

Người ta ước tính có lẽ con số visa được ông Ho cấp phải đến hàng chục ngàn. Chính hành động dũng cảm này mà Ho Feng Shan được gọi là "Schindler Trung Hoa" - gợi nhắc đến nhà công nghiệp người Đức Oskar Schindler đã cứu sống 1.200 người Do Thái sau khi sử dụng họ trong nhà máy của ông ở Ba Lan.

Một người Trung Hoa đầy trắc ẩn

Xu Xin, giáo sư và chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về người Do Thái ở Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), đánh giá: " Feng Shan Ho đã cứu mạng hơn 5.000 người. Điều quan trọng hơn nữa là, Feng Shan Ho có lẽ là nhà ngoại giao đầu tiên thực sự có hành động để cứu giúp người Do Thái".

Ngày 21-4-2015, một nghi lễ lịch sử trang trọng diễn ra tại thủ đô Vienna của nước Áo. Tại khách sạn sang trọng Ritz Carlton, một tấm biển bằng đồng tưởng niệm hành động anh hùng của nhà ngoại giao Trung Hoa Ho Feng Shan cách đây 70 năm được mở màn che.

Tấm biển bằng đồng khắc 3 thứ tiếng Đức, Hoa, Anh tưởng niệm Ho Feng Shan đặt tại tòa nhà Tổng lãnh sự Trung Hoa cũ ở Vienna, nay là một phần của khách sạn Ritz Carlton.

ho feng shan nguoi trung hoa cuu tinh an danh
Tấm biển bằng đồng tưởng Niệm Ho Feng Shan tại khách sạn Ritz Carlton ở Vienna, nơi từng đặt Lãnh sự quán Trung hoa Dân Quốc

Từ nơi này, Ho Feng Shan đã ký hàng loạt thị thực xuất cảnh cho người Do Thái đến thành phố cảng Thượng Hải của Trung Hoa. Từ năm 1938 đến 1940, nhờ vào chữ ký của Ho Feng Shan mà khoảng 18.000 người Do Thái châu Âu được phép bay đến Thượng Hải để không phải bỏ mạng trong những trại tập trung của Đức Quốc xã.

Ngay sau đó, Nhà Bảo tàng Holocaust Houston (HMM) ở Mỹ tiếp tục tôn vinh Ho Feng Shan với "Giải thưởng Can đảm Đạo đức Lyndon Johnson" và con gái Ho Manli của ông tiếp nhận.

Khi Ho Feng Shan còn sống, không một ai (kể cả gia đình) được biết đến công việc cực kỳ mạo hiểm của ông. Chỉ sau khi Ho Feng Shan mất vào năm 1997, câu chuyện nhân đạo của ông cuối cùng mới được đưa ra ánh sáng sau nhiều thập niên chôn giấu.

Sau khi Ho Feng Shan qua đời, nhà báo Ho Manli (con gái của ông) bắt đầu hành trình kéo dài 18 năm tìm kiếm lịch sử những kỳ công của người cha quá cố. Ho Manli cho biết hành trình vẽ lại lịch sử về người cha anh hùng của mình cũng "giống như công việc tìm hạt sỏi trong đại dương bao la".

Ho Manli giải thích: "Tất cả bởi vì hoàn toàn không có "Bản danh sách Schindler", trong khi đó những người Do Thái sống sót lại ở tứ tán khắp nơi trên thế giới. Phần đông những người xếp hàng trước Lãnh sự quán Trung Hoa để được cấp thị thực đều không còn sống, mà họ cũng không thấy cần thiết phải kể cho con cái họ nghe chi tiết về hoàn cảnh gia đình chạy thoát như thế nào".

Cứu hàng ngàn người Do Thái

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Trung Hoa tiếp tục chìm trong cuộc nội chiến và một số tài liệu bị thất lạc. Ho Manli phải bỏ công lục lọi các văn khố ở Washington, Vienna và Israel để truy tìm danh tính những người sống sót. Và công lao bền bỉ của Ho Manli đã thu được kết quả khi bà khôi phục lại được quá khứ của "Schindler Trung Hoa".

ho feng shan nguoi trung hoa cuu tinh an danh
"Visa Thượng Hải" mang số sêri 3.639 do Ho Feng Shan cấp phát.

Tháng 4-1938, Ho Feng Shan được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân quốc tại Vienna. Thời gian đó, người Do Thái ở Áo cũng như Đức vô cùng tuyệt vọng sau khi Hội nghị Evian (năm 1938) về vấn đề tị nạn, 31 trong tổng số 32 nước tham gia sự kiện từ chối cấp thị thực cho họ ngoại trừ Cộng hòa Dominican.

Trong cuốn hồi ký của ông "40 năm cuộc đời ngoại giao của tôi" (xuất bản năm 1990), Ho Feng Shan bày tỏ sự căm giận Đức Quốc xã và bắt đầu có ý muốn cứu giúp người Do Thái. Ho Feng Shan cấp visa cho bất cứ ai có yêu cầu. Các visa do Ho Feng Shan cấp đều giống nhau, tức là đều hướng đến Thượng Hải.

Năm 1937, Thượng Hải rơi vào tay quân đội Nhật Bản buộc chính quyền Trung Hoa Dân quốc phải rút về Trùng Khánh và bỏ ngỏ thành phố cảng, biến nơi đây trở thành địa phương duy nhất ở nước này không có cơ cấu kiểm soát nhập cư.

Do đó, bất cứ ai cũng có thể bước vào Thượng Hải mà không cần phải có visa. Tại sao Ho Feng Shan cấp thị thực đến một nơi mà không hề đòi hỏi thứ giấy tờ này? Thật ra, đó là sự tính toán hết sức khôn ngoan của Ho.

Sau khi nắm trong tay visa do Ho cấp, người Do Thái có thể không cần đến Thượng Hải mà sử dụng giấy tờ này để xin thị thực quá cảnh để đến một quốc gia thứ 3 nào đó - như là Mỹ, Palestine và Philippines.

Cũng từ đây mà tiếng đồn về "visa Thượng Hải" lan truyền trong cộng đồng người Do Thái trong cơn tuyệt vọng muốn thoát khỏi sự tàn sát của Đức Quốc xã trong các trại tập trung khét tiếng như Dachau và Buchenwald.

Ho Feng Shan viết trong cuốn hồi ký bằng tiếng Hoa của mình: "Tôi biết các visa đến Thượng Hải thật ra chỉ là trên danh nghĩa. Thực tế, chúng cung cấp phương tiện cho người Do Thái ở Áo tìm đường đến Mỹ, Anh hay bất kỳ một quốc gia nào khác".

(còn tiếp)

Thiên Phú