Hình phạt lương tâm!

16:59 | 23/05/2011

369 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, dư luận lại xôn xao chuyện "bom" dưa hấu ở Trung Quốc phát nổ bởi người nông dân ở đây dùng quá nhiều chất kích thích tăng trưởng.

Dưa hấu Trung Quốc phát nổ

Với nước ngoài, chuyện này to rồi, nghiêm trọng rồi. Còn ở ta, lâu nay là chuyện thường ngày… của các bà nội tướng. Từ thịt, trứng, sữa đến rau, củ, quả… thôi thì thứ nào cũng dính chất này chất nọ khiến dân ta "ăn gì cũng sợ”. Nhưng rồi vẫn ăn, hoặc do sợ quá hóa liều, hoặc do không còn lựa chọn nào khác, "chẳng ăn thì biết ăn gì?!”. Nguy cơ tiềm ẩn khắp nơi, thông tin mù mờ gây hoang mang khắp trong nhà ngoài phố.

Cách đây hơn 150 năm, nhà bác học thiên tài Charles Darwin đã từng khám phá ra các chất tăng trưởng. Từ đó đến nay, con người đã biết ứng dụng vào cuộc sống với những mục đích tốt đẹp. Các chất kích thích tăng trưởng hoặc ức chế tăng trưởng cả đối với động và thực vật, với một lượng phù hợp nào đó, vào những hoàn cảnh cụ thể, đôi khi là rất cần thiết, rất có lợi. Nhưng nếu sử dụng quá liều, quá ngắn ngày thì lại là hiểm họa.

Tuy nhiên, ngày nay người ta vì mục tiêu lợi nhuận, sản xuất và sử dụng một cách bừa bãi và thiếu hiểu biết đã dẫn đến những hậu quả khó lường. Khó lường ở chỗ không đo đếm được những hệ lụy xấu.

Ai cũng từng nghe nói, thậm chí chứng kiến việc sử dụng chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng vô tội vạ. Đài báo không ít chuyện nơi này nơi kia phát hiện kẹo làm từ bột đá, phở chứa phoóc môn, trứng gà làm từ sáp, hoa trái bơm tẩm chất bảo quản… Nghịch lý ở chỗ, ăn phải những thứ ấy cũng không ai bị ngộ độc tại chỗ hoặc phát bệnh lăn đùng ra… thế mới càng đáng lo. Lăn ra thì cứu, dễ quá. Không lăn ra lại đâm sợ, bởi chẳng biết đằng nào mà lần, chừng như bệnh tật đang ẩn náu một cách bất tường để di họa cho nhiều năm sau.

Do quá lo lắng trước các nguy cơ, người ta đành chấp nhận bỏ tiền ra mua sự yên tâm. Thế là nhan nhản mọc lên các cửa hàng thực phẩm sạch, rau sạch. Vấn đề là sạch thật cũng có mà chiêu bài cũng không thiếu để "qua mặt” các nhà chức trách. Chuyện mua một cái giấy chứng nhận, chẳng khác gì mua một mớ rau. Chẳng ai dám cam đoan rau này sạch, thịt kia lành.

Nhà nước ta vốn đã có nhiều biện pháp mạnh để quản lý thị trường. Tuy nhiên, chỉ xử được những kẻ phạm pháp khi bị bắt quả tang. Hình phạt cũng chưa đủ răn đe. Nhà nước cố lắm cũng chỉ ngăn chặn được phần nào nạn buôn bán chất gây họa chứ không lấy đâu ra người để theo dõi anh bơm bao nhiêu thuốc trừ sâu, tôi bón bao nhiêu chất kích thích…

Chính vì thế mà xã hội đang rất cần dân trí và lương tâm của những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm, rau màu. Không có hình phạt nào khả dĩ cho cái sự thiếu kiến thức và cố tình nhắm mắt làm ngơ trước… lương tâm.

Tiến Dung