Hiểm họa thực phẩm bẩn từ gia cầm lậu

08:00 | 08/12/2015

268 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm lậu gia tăng vào dịp cuối năm đang trực tiếp đe dọa đến chất lượng bữa ăn của các gia đình…!

Lo ngại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là năm 2015 cả nước xuất hiện khá nhiều ổ dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm.

Cụ thể theo thống kê mới nhất của Bộ này thì tính đến tháng 12/2015 đã có: 7 ổ cúm gia cầm đang xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi; 17 ổ dịch long mồm lở móng đang hoành hành tại Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Ninh Thuận và 3 ổ dịch heo tai xanh tại Cần Thơ, Sóc Trăng.

Tất cả các ổ dịch trên đều chưa qua 21 ngày.

Điều đáng chú ý là các ổ dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc hay bệnh heo tai xanh lại chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi gia đình, chưa được chú trọng đến tiêm phòng dịch bệnh.

hiem hoa thuc pham ban tu gia cam lau
Một vụ buôn bán gia cầm lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ

Dự báo trong thời điểm cuối năm này, khi thời tiết có diễn biến phức tạp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất cao.

Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm lậu chưa qua kiểm dịch lại đang có chiều hướng phức tạp và ngày càng gia tăng. Đây cũng là một trong những nhân tố khiến hiểm họa về thực phẩm bẩn tăng cao.

Trước thực trạng này, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh tình trạng thực phẩm bẩn từ gia súc, gia cầm lậu trà trộn.

Các hộ chăn nuôi cần phải giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo an toàn thú y, thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Khi tiếp xúc với vật nuôi cần phải mang công cụ bảo hộ lao động và phải rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc hoặc chế biến thức ăn.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phòng tránh dịch bệnh bùng phát, Bộ này cũng khuyến cáo: Những địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao như nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để thì cần được giám sát.

Khi phát hiện sớm ổ dịch cần sớm tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, kiểm soát và quản lý chặt việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

 

Huy An