Haqqani: “Ông ba bị” biện minh cho cuộc xâm lược mới của Mỹ

16:58 | 27/10/2011

1,464 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa ai từng nghe thấy cái tên của tổ chức Haqqani trước sự kiện ngày 11/9. Mạng lưới Haqqani đã xuất hiện vào thời điểm cần để biện minh cho cuộc chiến tranh tiếp theo của Mỹ Pakistan.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng việc Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh mạng lưới Al-Qaeda Osama bin Laden đã làm giảm mối đe doạ lâu nay về “ông ba bị” này. Một tổ chức khủng bố đã bỏ mặc thủ lĩnh của chúng, không được trang bị vũ khí, cũng chẳng được bảo vệ, giống như một con vịt nằm chờ chết, thì không đáng để coi là một tổ chức nguy hiểm nữa. Đã đến lúc để có một “ông ba bị” mới, nguy hiểm hơn, nhằm giúp duy trì cuộc “chiến chống khủng bố”.

Và “kẻ thù đáng giá” lúc này của Mỹ là Haqqani. Bên cạnh đó, theo lời của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, không giống như Al-Qaeda, vốn chẳng bao giờ gắn hoạt động của chúng với một quốc gia, mạng lưới Haqqani là một “cánh tay đắc lực” của Cơ quan tình báo Pakistan (ISI). Washington cho rằng ISI đã ra lệnh cho mạng lưới Haqqani tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Kabul, Afghanistan vào ngày 13/9, cùng một căn cứ quân sự của Mỹ ở tỉnh Wadak.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một thành viên trong Uỷ ban quân lực Thượng viện Mỹ, tuyên bố rằng mọi lựa chọn đã được đặt lên bàn và đảm bảo với Lầu Năm Góc rằng trong Quốc hội Mỹ, hiện có đông đảo sự ủng hộ của các nghị sĩ lưỡng đảng về một cuộc tấn công của Mỹ vào Pakistan.

Các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ đã khiến nhiều thường dân Pakistan thiệt mạng, Washington cũng đã buộc quân đội Pakistan truy lùng Al-Qaeda trên hầu khắp lãnh thổ của nước này, một tiến trình đã khiến hàng chục nghìn người dân Pakistan bị mất chỗ ở. Và hẳn, khi đưa ra tuyên bố trên, Thượng nghị sĩ Graham phải có ý định gì đó lớn hơn trong đầu.

Chính phủ Pakistan cũng nghĩ như vậy. Thủ tướng Pakistan, ông Yousuf Raza Gilani đã triệu Ngoại trưởng nước này đang tham dự các cuộc họp ở Washington về nước và ra lệnh tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của chính phủ để đánh giá về khả năng nước này bị Mỹ xâm lược.

Trong khi đó, Washington đang tìm kiếm thêm các lý do để bổ xung cho mối đe doạ mới đến từ mạng lưới Haqqani để biện minh cho một cuộc chiến nhằm vào Pakistan. Mỹ rêu rao, Pakistan là có các vũ khí hạt nhân nhưng là quốc gia có nhiều bất ổn và các vũ khí này có thể rơi vào tay của những kẻ xấu, rằng Mỹ sẽ không thể giành chiến thắng ở Afghanistan cho đến khi xoá bỏ được những nơi ẩn náu của bọn khủng bố tại Pakistan.

Washington đã và đang cố gắng ép buộc Pakistan mở một chiến dịch quân sự chống lại chính những người dân của nước này ở khu vực Bắc Waziristan. Và Pakistan có những lý do hợp lý để chống lại yêu cầu này. Việc Washington sử dụng mối đe doạ mới Haqqani như một lời bào chữa cho cuộc xâm lược có thể là cái cách để Mỹ đè bẹp sự kháng cự của Islamabad nhằm tấn công tỉnh cứng đầu này, hoặc như một số quan chức Pakistan từng nói và chính phủ Pakistan lo ngại, đó có thể là một “vở kịch” do Washington dựng lên nhằm biện hộ cho một cuộc tấn công vào một quốc gia Hồi giáo tiếp theo.

Chính phủ Pakistan đã rút ra được điều này trong những năm là tự làm con rối của Mỹ. Người Pakistan đã để Mỹ mua chính phủ Pakistan, huấn luyện và trang bị cho quân đội của họ, thiếp lập quan hệ chung giữa CIA và tình báo Pakistan. Kết quả là một chính phủ quá phụ thuộc vào Washington đã chẳng thể nói gì nhiều khi Mỹ bắt đầu xâm phạm chủ quyền của nước này, cử máy bay không người lái và các nhóm đặc nhiệm sang tiêu diệt không chỉ những phần tử bị cáo buộc là Al-Qaeda mà còn cả phụ nữ, trẻ em và nông dân. Sau một thập kỷ không thể đánh bại được một nhóm nhỏ các tay súng Taliban ở Afghanistan, Washington đã đổ lỗi thất bại quân sự của họ cho Pakistan, như cái cách mà nước này đã đổ vấy cho Iran, rằng sự ủng hộ của Teheran đã làm cuộc chiến tại Iraq bị kéo dài.

Một số nhà phân tích nổi tiếng cho rằng tổ hợp an ninh, quân sự của Mỹ và những thành phần bảo thủ của nước này đang dàn xếp cho một thế chiến thứ III trước khi Nga và Trung Quốc có thể có được sự sẵn sàng. Chiến tranh chính là dòng máu đem lại lợi nhuận cho tổ hợp an ninh và quân sự này. Chiến tranh cũng là một lựa chọn của những người theo đường lối bảo thủ nhằm giúp họ đạt được mục tiêu duy trì sự bá chủ của Mỹ trên thế giới.

Pakistan có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và một phần của Liên Xô cũ, nơi Mỹ hiện có các căn cứ quân sự gần biên giới của Nga. Cả hai nước này đều có tên lửa liên lục địa và lòng tham vô bờ bến của tổ hợp an ninh quân sự cũng như giấc mơ về một đế chế toàn cầu của những người bảo thủ Mỹ có thể dẫn đến sự tuyệt chủng các sự sống trên trái đất.

Và đây không phải là điều mà cố Tổng thống Reagan kỳ vọng cho việc kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Kiến Văn