Hà Nội sẵn sàng ứng phó với bão Rammasun

06:51 | 19/07/2014

573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thông tin về cơn bão số 2 (bão Rammasun) đang chuẩn bị đổ về một số địa phương phía Bắc, trong các ngày 17 và 18/7, UBND Thành phố Hà Nội đã lên phương án, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành thực hiện các biện pháp chống bão và chống úng ngập trên địa bàn.

Ứng phó trước mọi tình huống

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB thành phố, sau khi nhận được công điện của Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, thành phố đã chỉ đạo khá quyết liệt, triển khai các phương án ứng phó với bão số 2.

Các doanh nghiệp thuỷ lợi của thành phố đã chủ động vận hành 11 trạm bơm với 58 máy tiêu vợi nước đệm trong kênh mương nội đồng. Đồng thời sẵn sàng vận hành 1.695 máy bơm tiêu úng nếu mưa lớn xảy ra. Tại các địa phương, công tác kiểm tra hệ thống đê điều, khơi thông dòng chảy kênh mương được thực hiện khá ráo riết. Các hồ chứa đã được kiểm tra bảo đảm an toàn và hạ mực nước đề phòng mưa lớn.

Các công ty điện lực, thoát nước, cây xanh bảo đảm quân số ứng trực 100% phục vụ tiêu úng, xử lý cây đổ, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông...

Cây xanh trên nhiều tuyến phố được cắt tỉa trước cơn bão.

Sở Xây dựng đã yêu cầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dừng thi công các công trình xây dựng, đặc biệt bảo đảm an toàn các công trình nhà cao tầng, chung cư cũ, thiết bị cẩu tháp...

Sở Công thương đã chuẩn bị lượng hàng hoá, lương thực, nhu yếu phẩm cứu trợ nhân dân trong mưa lũ. Sở Y tế chuẩn bị thuốc men, thiết bị ý tể để sẵn sàng cấp cứu người bị nạn. Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ động phối hợp với các địa phương sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu nếu tình huống xấu do mưa lũ gây nên. Công an thành phố đã triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội...

Vấn đề đặt ra, đến thời điểm này, các huyện, thị xã ngoại thành cơ bản cấy xong vụ mùa, trong trường hợp mưa 200-300 trên địa bàn thành phố sẽ rất bất lợi, vì vậy, cùng với các biện pháp chống úng ngập bảo vệ cây trồng, các địa phương phải chuẩn bị thóc giống, mạ dự phòng gieo cấy diện tích bị thiệt hại.

Rút kinh nghiệm công tác phòng chống lũ bão những năm trước, Bộ Tư lệnh Thủ đô đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương hiệp đồng chặt chẽ cả về nhân lực, nhất là lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ và vật tư, công cụ dụng cụ đầy đủ, thuận lợi cho việc khắc phục sự cố thiên tai.

Trạm bơm Yên Sở (Hà Nội) sẵn sàng bơm tiêu úng do mưa lớn

Nhận định tình cơn bão, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCLB thành phố triển khai các phương án PCLB, nghiêm túc thực hiện các công điện của trung ương và thành phố; theo dõi chặt chẽ, cập nhật thường xuyên diễn biến của bão, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với cơn bão số 2.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt lưu ý, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương dừng ngay việc thi công các công trình xây dựng, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, tránh tình trạng xảy ra đổ cột điện, tháp thông tin di động, cẩu pháp; chủ động phương án di dời sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố cao đến nơi an toàn, nhất là chung cư yếu, xuống cấp có thể gây mất an toàn đến tính mạng người dân; thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nếu tình huống xấu xảy ra.

Khi sự cố mưa bão xảy ra phải xử lý khắc phục sự cố ngay từ giờ đầu. Các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động cân đối bố trí kinh phí cho các dự án xử lý cấp bách đã và đang triển khai để củng cố đê điều trong mùa mưa bão.

Trước đó, ngày 17-7, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chuẩn bị 800 phương tiện và quân số ứng trực để giải quyết mọi tình huống trong mưa lũ. Liên quan đến bảo đảm an toàn tính mạng người dân, Sở Xây dựng đề nghị, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát lại, tính toán nhà cấp bốn, chung cư cao tầng xuống cấp để có phương án sơ tán dân đế nơi an toàn trú tránh.

Cùng với đó, có văn bản đôn đốc địa phương cảnh báo để nhân dân nắm được chung cư, nhà cũ dễ xảy ra sự cố; chủ động chằng chống nhà cửa để giảm thiệt hại do mưa bão gây nên...

Chủ động phòng chống úng, ngập

Đối với khu vực Nguyễn Khuyến,  UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước và Ban quản lý dự án thoát nước kịp thời, chủ động giải tỏa bờ vây thi công, bảo đảm việc tiêu thoát nước trên mương Lương Sử khi có mưa lớn xảy ra. Về đề xuất nâng cao cốt nền đường Nguyễn Khuyến để giảm ngập úng, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo.

Đối với khu vực đường vành đai 3, Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước sử dụng tối đa hệ thống thoát nước hiện có của tuyến đường để thoát ra sông Tô Lịch; đồng thời, kịp thời vận hành trạm bơm Đồng Bông I để bơm nước ra sông Nhuệ khi có mưa lớn xảy ra.

Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo Công ty Thoát nước phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông lên phương án chống úng ngập khi mưa lớn xảy ra tại các điểm trong khu vực nội thành; theo dõi, tổng hợp các điểm bị úng ngập khi có mưa xảy ra trên địa bàn các quận, kịp thời báo  cáo UBND TP chỉ đạo khắc phục.

Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, duy trì cây xanh và xử lý các vi phạm quy định quản lý cây xanh; cắt tỉa ngay các cành bị sâu, gãy và cây có nguy cơ gãy, đổ khi mưa, bão, lốc; đối với các cây xanh bị chết, sâu mục, sau khi thực hiện kiểm tra, khám nghiệm, cho chặt hạ ngay và trồng mới thay thế. Sở Xây dựng rà soát lại quy trình quản lý cây xanh, phối hợp với Sở Tài chính bổ sung đơn giá, định mức cho công tác kiểm tra, duy trì cây xanh để các đơn vị thực hiện.

 

Công nhân Thoát nước Hà Nội khơi thông hệ thống cống ngầm trên tuyến phố Văn Cao- Liễu Giai

Để phục vụ thoát nước đô thị mùa mưa, yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các chủ đầu tư các dự án thực hiện bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng các hạng mục, công trình thoát nước để đưa vào quản lý, duy trì, vận hành; hoàn thành trước ngày 10/7/2014.

Các trường hợp chưa hoàn thiện hồ sơ, công trình, các bên lập biên bản để làm rõ trách nhiệm. Sở Xây dựng chỉ đạo các phòng, ban của Sở phối hợp với các đơn vị được giao quản lý, duy trì công trình thực hiện việc kiểm tra, lập dự toán bổ sung công tác duy tu, hoàn thiện công trình thoát nước để đưa vào khai thác, sử dụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Sở Xây dựng ra quyết định tiếp nhận để quản lý hệ thống thoát nước của các chủ đầu tư bàn giao và giao cho Ban quản lý dự án duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật quản lý, ký hợp đồng duy tu, đặt hàng với các đơn vị chuyên ngành.

Việc thỏa thuận phương án dẫn dòng thoát nước phục vụ thi công, đấu nối các công trình, dự án về thoát nước trên địa bàn TP phải do cơ quan quản lý nhà nước là Sở Xây dựng thực hiện. Các đơn vị duy tu duy trì hệ thống thoát nước thực hiện giám sát việc thi công đấu nối.

UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm đếm, báo cáo UBND TP trong tháng 7/2014 về quản lý tài sản, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định về quản lý tài sản nhà nước.

Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý mực nước của 85 hồ có khả năng điều hoá thoát nước đô thị gồm mặt nước và các công trình đầu mối điều tiết mực nước nhằm chủ động trong công tác giữ mực nước đệm, bảo đảm công tác thoát nước đô thị trong mùa mưa, cụ thể các quận Ba Đình (8 hồ), Hai Bà Trưng (8 hồ), Đống Đa (8 hồ), Thanh Xuân (6 hồ), Bắc Từ Liêm (4 hồ), Nam Từ Liêm (7 hồ), Hoàn Kiếm (1 hồ), Cầu Giấy (1 hồ), Hoàng Mai (18 hồ), Long Biên (16 hồ), Tây Hồ (4 hồ) và khu vực Bắc Thăng Long - Vân Trì (1hồ).

N.K