Hà Nội: 2 tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch mở rộng vùng phục vụ

14:55 | 17/05/2021

805 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đề xuất mở rộng vùng phục vụ của 2 tuyến buýt CNG 04, CNG 07 sử dụng nhiên liệu sạch (khí thiên nhiên nén CNG) vừa được UBND TP Hà Nội chấp thuận.
Hà Nội: 2 tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch mở rộng vùng phục vụ
Hà Nội mở rộng vùng phục vụ của hai tuyến buýt năng lượng sạch để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân (ảnh minh họa)

UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở GTVT Hà Nội phương án kết nối, mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ các tuyến buýt CNG 04, CNG 07 sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG) do Công ty TNHH Du lịch, Dịch vụ xây dựng Bảo Yến phụ trách.

Theo đó, việc mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh), huyện Hoài Đức và Quốc Oai; nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người lao động. Đồng thời, thu hút thêm hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo phương án đề xuất, đối với tuyến buýt CNG 04 Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long sẽ điều chỉnh lộ trình tuyến đi qua khu vực đường liên xã Kim Nỗ (đường 18) - đường bê tông Thăng Long tiếp cận đến trung tâm xã Kim Nỗ và điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ của tuyến CNG 04 từ 20-30 phút/lượt thành 15- 20- 30 phút/lượt với 106 lượt xe/ngày (tăng 20 lượt xe/ngày). Giá vé 9.000 đồng/lượt/hành khách.

Đối với tuyến buýt CNG 07 Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức, điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ từ 20- 30 phút/lượt thành 15- 20-30 phút/lượt, với 96 lượt xe/ngày (tăng 12 lượt xe/ngày).

Trước đó, 2 tuyến buýt CNG 04 và CNG 07 đã bắt đầu hoạt động từ quý IV/2019 theo hình thức đặt hàng.

Liên quan đến xe buýt năng lượng sạch, giữa tháng 1/2021, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 93/UBND-ĐT gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về đề xuất phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP Hà Nội và TP HCM để giảm ô nhiễm môi trường của Tập đoàn Vingroup.

Trước đó vào tháng 9/2020, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Sở GTVT về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá của Tập đoàn Vingroup.

Theo đề án, Vingroup đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe chạy điện và cam kết đầu tư 150-200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại; đầu tư Trung tâm Quản lý và vận hành xe buýt thông minh, depot và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối; bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành. Đơn vị này cũng cam kết bảo đảm xe buýt điện đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp các quy chuẩn quốc gia hiện hành của Việt Nam; các tuyến mở mới có điều kiện cơ sở hạ tầng để lắp đặt các trạm sạc pin cung cấp năng lượng.

T.S