Giai thoại về Tết Hàn thực

08:42 | 21/04/2023

364 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nếu xét kỹ về giai thoại về "Tết Hàn thực" thì thấy, đây là cái "Tết" khá khó hiểu, là văn hóa ngoại lai, ít nhiều mang tính hủ tục và thiếu giá trị nhân văn...

1. Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế.

Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong 19 năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong lúc tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

Giai thoại về Tết Hàn thực
Bánh trôi, bánh chay đón Tết Hàn thực.

Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hằng năm, nay là Tết Hàn thực).

2. Lời bàn về giai thoại Tết Hàn thực.

Có thêm cái Tết là vui rồi, nhưng thiết nghĩ, sự tích cái Tết du nhập từ Trung Quốc này khá là “ơ-kìa” trong những ngày được gọi là "Tết" của người Việt.

Thứ nhất: Chuyện khởi phát từ Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến quốc, liên quan gì tới Việt Nam?

Thứ hai: Vua không ra vua, lúc nếm mật nằm gai đến người xẻo thịt mình ra cho vua ăn mà còn không nhớ thì đạo lý ở đâu? Đến khi nhớ ra được muốn đền ơn, người ta nhận ơn hay không đó là quyền, đằng này lại ép buộc đến mức quá khích!

Nói là trả ơn mà người ta phải cõng theo mẹ già chạy trốn vào nơi thâm sơn cùng cốc để được yên thân nhưng cũng không tha, tìm không được còn ra lệnh đốt rừng để người ơn chết cháy! Có lẽ u vương bạo chúa cũng đến thế mà thôi.

Mà ông vua làm ông vua chịu, đằng này sao bắt dân tắt bếp ăn đồ nguội những ba ngày? Phải chăng nếu ông ta vì hối hận mà chết thì cái lệ ăn bánh trôi bánh chay này còn có tí ý nghĩa?!

Còn về ông Giới Tử Thôi, học cao biết rộng khôn ngoan hơn người như nào không biết, các cụ có câu: "Thà làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại", đây còn là tớ thằng dại. Ông này tiêu biểu cho những người thuộc dạng "ngu trung", cuồng tín theo thuyết của Khổng Khâu bó buộc bóp nghẹt bao xã hội Á Đông hàng bao nhiêu thế kỷ. Có làm có hưởng, tội gì? Bao nhiêu kẻ làm chưa nổi một mà cố vống lên mười để mong được bổng được lộc kia mà...

Tóm lại là cái "Tết Hàn thực” này khá khó hiểu, là văn hóa ngoại lai, ít nhiều mang tính hủ tục và thiếu giá trị nhân văn.

Kết lại là bánh trôi bánh chay thì cứ làm cứ ăn bình thường, dân mình vốn khéo tay và nổi tiếng về ẩm thực. Còn Hàn thực với cả Tấn Văn Công, Giới Tử Thôi thì nên được trả về đúng thời, đúng giá trị của con người và sự việc của câu chuyện.

Lê Hồng Lam (Hà Nội, ngày 18/4/2023)