Giải quyết bài toán kẹt xe ở TP HCM: Những việc khó nhất và cần nhất

07:23 | 01/01/2012

1,713 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
16 giờ, không phải giờ cao điểm, nhưng tôi vẫn phải trầy trật lách qua mấy cung đường "người xe như nước" để đến Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đóng trên đường Lê Quý Đôn, quận 3. Và câu chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đã được bắt đầu bằng một vấn đề muôn năm cũ ở các đô thị lớn nói chung và TP HCM nói riêng đó là: kẹt xe.

Nguyên nhân cơ bản là thiếu tầm nhìn chiến lược

PV: Thưa ông, nạn kẹt xe nên nhìn nhận trên các phương diện nào?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Theo tôi, kẹt xe cần nhìn trên ba phương diện: Thứ nhất là đất dành cho giao thông; Thứ hai là phương tiện giao thông; Thứ ba là ý thức con người. Trong đó, đất dành cho giao thông có ba khu vực: đất đai có sẵn, vùng mới mở rộng và vùng bao quanh bên ngoài. Xác định như vậy để khi nghiên cứu cần nghiên cứu rộng, bao quát cả khu vực bên ngoài, chứ không chỉ tập trung vào khu vực trung tâm. Ý thức của con người ở ba khu vực này là như nhau. Phương tiện tham gia giao thông của ba khu vực này cũng tương đối giống nhau, chỉ có đất dành cho giao thông của ba khu vực này là khác nhau. Đất vốn không tự đẻ ra, hệ thống giao thông không thể mở rộng, trong khi đó lượng người thì tăng lên không ngừng tất yếu dẫn đến quá tải. Mà vấn đề đền bù giải tỏa để mở rộng giao thông là việc vô cùng khó khăn.

Tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng

PV: Thưa ông, rốt cuộc thì con virus nào mới là mấu chốt gây ra căn bệnh kẹt xe mãn tính này?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Tầm nhìn chiến lược. Mấu chốt vẫn là chúng ta thiếu tầm nhìn chiến lược. Ngay cả ở vùng ven, chúng ta cũng chưa có quy hoạch tổng thể dài hạn và bao quát, dành quá ít đất cho giao thông.

Tất nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng đã làm được một số việc như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông Tây. Nhưng đó chỉ là giao thông huyết mạch, còn không gian trong các đường nội đô thì phải nói thẳng là quản lý không tốt. Cần phải phân biệt đường để đi khác đường để buôn bán. Mình thì bạ đâu cũng buôn bán, khu vực trung tâm thành phố quỹ đất đã hạn chế, lại cho phép bán hàng, đỗ xe tùy tiện. Nên tắc đường là đúng thôi. Không ít người so sánh một cách hài hước: TP HCM giống như một người già bị nhồi máu cơ tim, huyết mạch hẹp lại hết. Vùng ven và vùng bên ngoài trừ một số trục giao thông thì an toàn nhưng vào trong thì vẫn chứng nào tật nấy, chỗ nào cũng bán hàng, khi quy hoạch thì không có quy hoạch đỗ xe để mua bán hàng hóa. Kẹt xe là chắc chắn rồi. Chưa nói đến chuyện tai nạn giao thông càng ngày càng nghiêm trọng hơn nữa. Nguyên nhân sâu xa vẫn thuộc về quy hoạch quản lý, tầm nhìn chiến lược.

Cấm xe máy không phải là điều không thể

PV: Nếu đã truy tìm ra căn nguyên của bệnh, sao chúng ta không kê được toa thuốc trị dứt điểm? Để bao năm nay kẹt xe là một trong những vấn đề tốn nhiều bút mực nhất trên các mặt báo? Vướng mắc ở chỗ nào thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Phần đông chúng ta chưa hiểu đúng về cơ chế thị trường. Chưa hiểu đúng nhưng đã hành xử theo cơ chế thị trường. Trước năm 1990 và xa hơn là trước năm 1975, giao thông công cộng phát triển tốt và phát huy hiệu quả. Sau năm 1990, đại bộ phận dân chúng tưởng cơ chế thị trường là nhà nước không phải can thiệp, tự do phát triển. Đối với người kinh doanh, một khi được quyền tự do đầu tư thì người ta sẽ không đầu tư vào những lĩnh vực không có lãi, như phương tiện giao thông công cộng. Mà phát triển giao thông công cộng thì cần có sự hỗ trợ lớn tiền công, cần thời gian. Không thể là một ngành kinh doanh lời ăn lỗ chịu được. Các phương tiện giao thông công cộng cũng cần phát triển đa dạng, có tuyến ngắn có tuyến tường dài. Nôm na là một gói sản phẩm có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Đối với người tham gia giao thông, chúng ta cũng đã quá buông lỏng việc quản lý phương tiện cá nhân khi cho nhập khẩu xe máy tràn lan. Chúng ta đã sai hoàn toàn khi cho rằng, đi xe máy là quyền tự do của cá nhân. Đã thế, lại chỉ thu phí ôtô mà không thu phí xe máy. Xe máy được phép xả láng chạy, nên cũng xả láng vi phạm, leo lên cả vỉa hè để chạy. Đã đến lúc chúng ta cần có những biện pháp quyết liệt hơn đối với việc cấm xe máy. Nếu không, sẽ không quản lý được giao thông.

PV: Cấm xe máy là biện pháp được cân nhắc khá nhiều lần, tuy nhiên, dư luận thế nào cũng sẽ cho rằng, chính quyền bất lực, có thói quen không quản được thì cấm?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Ở nước mình cũng có thói quen là hễ định làm gì, chỉ cần vài bài báo viết xong là không dám làm nữa, tư duy mà sợ dư luận, không dám quyết tâm.

Cần nhất là đồng bộ

PV: Giả dụ có quyết tâm, thì nên bắt đầu từ đâu thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Cần làm đồng bộ, các vấn đề trên vấn đề nào cũng cần làm hết. Ví dụ như xây cầu, cứ nghĩ có tiền tập trung vào giải tỏa là xong, trong khi đó còn cần phải di dời tạo công ăn việc làm cho cư dân hai đầu cầu, nếu không người ta sẽ lên cầu bán hàng. Giờ hỏi cái gì cần nhất, theo tôi là cần đồng bộ. Không có phép thánh nào ở đây cả, cũng không thể giải quyết từng vấn đề một, đây là một công trình cần sự tham gia của nhiều ngành, nghề, lĩnh vực và hơn hết cần một nhạc trưởng tài ba chỉ huy, nhạc trưởng đó là chính quyền thành phố. Các vấn đề cần giải quyết đồng bộ với nhau, bởi vì dù mở đường to đến mấy mà với ý thức tham gia giao thông kém và tình trạng nhập xe ồ ạt thế này thì tai nạn vẫn cứ xảy ra như thường.

Hiện nay chúng ta đang phát triển thành phố theo dạng chỗ nào đi được là đi, đầu tư phát triển thiếu quy hoạch tổng thể mà dàn trải như kiến bò, nên kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe mà thôi.

PV: Trong 3 vấn đề đó, cái nào khó làm nhất?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Ý chí quyết tâm của chính quyền thành phố và ý thức của người dân.

PV: Vì sao thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Đơn giản là vì ý thức không thể tự có, mà cần phải tập. Có những người chưa từng sống ở đô thị bao giờ, phải tập cho họ nề nếp tác phong của người thành phố, ví dụ như không vứt rác ra đường, không đi vệ sinh bừa bãi, không chen lấn xô đẩy. Ở nông thôn có thể vứt con chuột chết ra vườn, thành phố thì không, ý thức đó cần phải đào tạo mới có chứ không phải trời cho.

Nói tóm lại, giải quyết bài toán kẹt xe quan trọng nhất là con người, là quy hoạch quản lý.

PV: Xin cảm ơn Viện trưởng!

Hoàng Nguyễn Thanh Lê