Giải phóng Sài Gòn: Thước phim lịch sử hào hùng

10:51 | 30/04/2013

2,633 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với những thước phim hào hùng và cảm động, Giải phóng Sài Gòn là một trong những đại diện tiêu biểu của phim chiến tranh Việt Nam.

Đã 8 năm kể từ ngày “Giải phóng Sài Gòn” lần đầu công chiếu trước khán giả vào năm 2005, ngày 30/4 năm nào bộ phim này cũng được chiếu lại như một lời nhắc về lịch sử hào hùng của dân tộc.

“Giải phóng Sài Gòn” là một trong những phim lịch sử được đầu tư hoành tráng nhất trong thời điểm hơn 10 năm trước, với kinh phí đầu tư hơn 12 tỷ đồng, phim kéo dài 13 năm kể từ khi thai nghén, với thời lượng 2 tiếng đồng hồ. Phim “Giải phóng Sài Gòn” đã tái hiện được những cảnh chiến đấu hào hùng, khốc liệt trong quá trình tổng tiến công 55 ngày đêm giải phóng miền Nam, mở đầu bằng cuộc tiến công Buôn Ma Thuột.

Ngoài ra, phim cũng chuyển tải đến người xem những hình ảnh vô cùng xúc động về những người lính, hình ảnh con người miền Nam trong thời khói lửa đạn bom. Có thể nói, “Giải phóng Sài Gòn”  là một trong những đại diện tiêu biểu của phim chiến tranh Việt Nam

Nội dung phim tái hiện đầy đủ các sự kiện lịch sử: cảnh Buôn Ma Thuột thất thủ; ngụy quân di tản nháo nhào ở sân bay Đà Nẵng; quân đội Sài Gòn thề cố thủ ở Xuân Lộc; xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, cắm cờ trên nóc dinh, đánh dấu chiến thắng của quân, dân ta. 

Con người là trung tâm của “Giải phóng Sài Gòn” cũng như ngày 30/4 lịch sử. Phim xuất hiện nhiều nhân vật, tất cả những vị anh hùng với sự quyết đoán, vĩ đại trong chiến đấu như Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Văn Tiến Dũng, tướng Trần Văn Trà… đều là những nhân vật chính đã làm đọng lại trong khán giả là những hình ảnh đẹp hào hùng.

Những thước phim đẹp, cảm động nhất đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ của cha con Trần Du - Trần Bình nơi chiến trường khói bom mịt mù; tình yêu trong sáng nảy nở giữa bom đạn của đôi trai gái; anh bộ đội Trần Bình dành quần áo đẹp nhất để đi gặp gia đình. Khán giả có thể nhìn thấy đau thương trong cuộc chia ly của người mẹ Huế với đứa con quân cộng hòa quyết định chạy trốn, cũng có thể hòa vào niềm vui vỡ òa trong nước mắt của người vợ gặp lại chồng sau cuộc chiến, hay cảm động khi người chị cộng sản cứu người em cộng hòa... Tất cả chỉ là những nét vẽ đơn giản nhưng đầy giá trị trong việc khắc họa cuộc sống của con người trong thời khắc lịch sử ấy. 

Rất nhiều dấu ấn đáng nhớ trong bộ phim ấn tượng về đề tài chiến tranh Việt Nam này. Ví dụ, để kéo được 40 chiếc tăng vào thành phố đáp ứng cảnh quay, đoàn làm phim đã phải xin phép Bộ tổng tham mưu ngày giờ chính xác, dùng loại xe 10 tấn kéo từng chiếc tăng đi qua thành phố mà không làm tổn hại và xáo trộn cuộc sống người dân.

Hay để đưa được 1.000 khẩu AR15 đến trường quay, đoàn phim phải vượt qua một chặng đường khó khăn. Phần thì sợ bị cướp, phần thì phải trình báo suốt dọc chuyến đi, những người áp tải xe súng đạn này đã gặp nhiều vất vả.

 

Đặc biệt, diễn viên lồng tiếng cho nhân vật Tổng bí thư Lê Duẩn đã khản giọng khi cố gắng diễn tả cảm xúc của Tổng bí thư trong giờ G. Làm đến lần thứ mấy chục, diễn viên này bỏ dở: “Tôi không làm nữa”. Cả đoàn phim phải dỗ dành, động viên mãi diễn viên ấy mới thực hiện được những gì đạo diễn mong muốn.

Xuân Mai (th)