Phòng, chống nạn buôn người

Giải pháp nào hiệu quả?

10:29 | 17/07/2018

179 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ ngày 16-11-2015 đến 15-5-2018, toàn quốc đã phát hiện 885 vụ mua bán người với 1.158 đối tượng, 2.319 nạn nhân. Các cơ quan chức năng đã xác minh 1.117 trường hợp bị mua bán, đã tiếp nhận gần 1.000 nạn nhân.

Thực trạng đáng báo động

Điển hình như tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 228 nạn nhân (203 phụ nữ, 25 trẻ em), trong đó có 7 nạn nhân là người Quảng Ninh, 221 nạn nhân là người ngoài tỉnh. Tỉnh Điện Biên tiếp nhận 131 nạn nhân (năm 2016 có 68 nạn nhân, năm 2017 có 45 nạn nhân và 5 tháng đầu năm 2018 là 18 nạn nhân), tỉnh Lai Châu tiếp nhận 54 nạn nhân (năm 2016 có 18 nạn nhân, năm 2017 có 12 nạn nhân và năm 2018 tiếp nhận 12 nạn nhân trở về)...

giai phap nao hieu qua
Bộ đội Lào Cai bắt tội phạm buôn bán người qua biên giới

Theo ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH), đối tượng mua bán người lợi dụng các đường mòn biên giới, sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của nạn nhân hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người, sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn và thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Webchat...) hoặc những mối quan hệ sẵn có để tiếp cận, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân với lời hứa hẹn mua bán hàng hóa, thăm thân nhân, tham quan du lịch, chữa bệnh, giúp việc nhẹ nhàng, thu nhập cao để đưa người ra nước ngoài.

Nạn nhân mà các đối tượng mua bán người thường nhắm đến là phụ nữ, trẻ em vùng nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, xa, vùng giáp biên, đang trong độ tuổi kết hôn, không có việc làm ổn định. Cục PCTNXH cho hay, các nạn nhân được mua về để làm vợ, con nuôi hoặc bị bán vào các quán cà phê trá hình, bị ép hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, đẻ thuê, bán nội tạng...

Thực tế ở thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy, các đối tượng mua bán người tìm đến những nơi chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, bệnh viện phụ sản, móc nối với nhân viên các cơ sở này để tìm cách tiếp cận, gạ gẫm những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mang thai ngoài ý muốn nhằm mục đích mua bán trẻ sơ sinh hoặc mua bán các trẻ có nguy cơ bị bỏ rơi sau sinh.

Hay như tỉnh Thanh Hóa, bọn tội phạm thường sử dụng mạng Internet, Facebook, tìm các số điện thoại và chủ thuê bao có tuổi đời 13-25, là học sinh các trường phổ thông trung học, trường trung cấp, cao đẳng, đại học để nhắn tin làm quen, sau một thời gian chúng lừa đưa lên vùng biên giới mua hàng, đi du lịch rồi bán qua biên giới.

Tinh vi hơn, ở tỉnh Hậu Giang, tội phạm mua bán người lợi dụng kết hôn trá hình với người nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc...) rồi bán người sang Trung Quốc. Tại Nghệ An, các đối tượng phạm tội lại là chính những nạn nhân bị bán trước đây lại trở về lừa đảo phụ nữ, trẻ em bán sang nơi họ đã bị bán trước kia…

Cục PCTNXH đúc kết, những nạn nhân trở về hầu hết đều bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần một cách nặng nề. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục và mắc các bệnh xã hội. Có người tinh thần hoảng loạn do sợ hãi, bị đe dọa, bị đưa đi bán lại nhiều lần, thậm chí có một vài trường hợp bị xâm hại cả tính mạng. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người.

Theo thống kê, số nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc chiếm trên 75%, sang Lào và Campuchia 11%, chủ yếu theo đường bộ. Còn lại đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển khoảng 14%.

Phối hợp nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH, nhận định: Tình hình tội phạm buôn bán người qua biên giới diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính xuyên quốc gia với nhiều đường dây, băng nhóm có sự câu kết giữa các đối tượng cả trong và ngoài nước. Vì vậy, nhiệm vụ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong thời gian tới là rất nặng nề.

Câu hỏi đặt ra với các cơ quan hữu trách: Giải pháp nào phòng, chống hiệu quả tình trạng mua bán người qua biên giới?

Theo Cục PCTNXH, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa phải tuyên truyền, nói rõ cho bà con biết những thủ đoạn tinh vi của tội phạm buôn bán người để từ đó họ tìm cách bảo vệ người thân, nhất là phụ nữ, trẻ em.

Sau đó, cần là tổ chức phát động các phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, viết cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình họ tố giác tội phạm. Công an các địa phương giáp biên giới phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng tổ chức tốt việc tiếp nhận nạn nhân, phân loại đối tượng phục vụ công tác giải cứu nạn nhân bị lừa bán và điều tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội.

Ngoài ra, lực lượng công an và biên phòng các tỉnh giáp biên giới phối hợp chặt chẽ để tăng cường tuần tra kiểm soát các đường mòn khu vực đường biên nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, đưa người ra nước ngoài bán; thường xuyên cập nhật, thống kê các đối tượng nghi vấn thường qua lại biên giới làm ăn sinh sống, đối tượng có quyết định truy nã, nạn nhân cần giải cứu kèm theo thông tin liên quan đề nghị phía bạn phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân... Bên cạnh đó, cần rà soát lại các vụ mua bán người trước đây để thông qua các tài liệu quản lý trong hồ sơ, tàng thư, căn cước tìm ra các đối tượng câu kết hình thành băng nhóm, đường dây, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, phát hiện các đối tượng nghi vấn để nghiên cứu, từ đó có phương án phòng ngừa và điều tra, xử lý triệt để.

Đối với các vụ việc có dấu hiệu liên quan đến tội phạm mua bán người có tính chất nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều địa phương, các đường dây, băng, ổ nhóm hoại động xuyên quốc gia hoặc có yếu tố nước ngoài, cơ quan chức năng phải quyết liệt đấu tranh triệt phá, xử lý nghiêm minh tội phạm,

Trong quá trình đấu tranh cần kết hợp linh hoạt các biện pháp nhằm điều tra mở rộng vụ án, thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan để làm cơ sở xử lý đối tượng phạm tội; tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm các vụ mua bán người còn tồn đọng, cơ quan điều tra kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát nhân dân truy tố, Tòa án nhân dân đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội.

Nếu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tình hình buôn bán người qua biên giới sẽ giảm thiểu.

Tú Anh