Giải cứu trẻ em bị bóc lột tại các xưởng may

17:32 | 14/11/2012

1,950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các gia đình có con em ở vùng núi Tây Bắc, nhiều "cò" lao động đã dụ dỗ lôi kéo đưa nhiều trẻ em vào thành phố làm việc nhằm bóc lột sức lao động.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 14/11, Phòng LĐTB&XH Q.Tân Phú (TP.HCM) đã quyết định đình chỉ hoạt động hai cơ sở may tư nhân do ông Nguyễn Văn Túy và ông Hoàng Văn Việt làm chủ để tiếp tục hỗ trợ cơ quan công an điều tra về hành vi vi phạm pháp luật lao động. Hai cơ sở may tư nhân trên đều đóng tại đường Trần Tấn (P.Tân Thới Nhì, Q. Tân Phú, TP.HCM) hoạt động được hơn một năm nay.

Qua thông tin từ địa bàn và theo dõi, ngày 12/11, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Bộ công an, cơ quan phía Nam) đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất hai cơ sở may nói trên và phát hiện nhiều lao động trẻ em có độ tuổi trung bình từ 12-16 tuổi đang làm việc tại đây.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/112012/14/16/IMG_1978.jpg

Các em bị bóc lột sức lao động ở độ tuổi trung bình 12-16

Sau khi được phát hiện, các cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản vụ việc và giải thoát cho 21 lao động trẻ em tại đây. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, các lao động trẻ em này đến từ các tỉnh phía bắc như: Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Giang… trong đó nhiều nhất là người dân tộc Kh’Mú đến từ huyện Mường Áng (tỉnh Điện Biên).

Theo khai báo của các em thì trước đó một số “cò” lao động về tận quê rao tìm người làm việc tại xưởng may ở thành phố với mức lương cao. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và tin tưởng nên bố mẹ đã đồng ý để các em đi với điều kiện mỗi năm chủ xưởng may sẽ trả cho gia đình số tiền cọc là 16 triệu đồng/người.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/112012/14/16/IIMG_1784.jpg

Niềm vui của lao động nhí khi nghe thông báo sắp được trở về nhà

Tuy nhiên khi vào đến TP.HCM thì các em bị chủ xưởng may ép làm việc quần quật không ngừng nghỉ suốt cả ngày lẫn đêm, chưa kể nhiều lúc phải tăng ca. Trung bình mỗi ngày các em phải làm việc trong 14 giờ, với mức tiền công rẻ mạt là 2.000 đồng/1 giờ làm việc. Một tháng nhận tiền lương từ 750.000 - 800.000 đồng/người. Đặc biệt, lấy lí do các em còn nhỏ tuổi, gia đình ở xa nên chủ xưởng may còn giữ lại tiền lương của các em và chỉ trả sau 1- 2 năm làm việc.

Để che đậy hành vi sử dụng lao động trái phép của mình, chủ xưởng may còn không cho các em đi ra ngoài và tiếp xúc với bất cứ ai. Trườg hợp bị người lạ phát hiện các em buộc phải khai gian thêm tuổi của mình. Nhiều lần các em muốn trốn về quê nhưng do bố mẹ đã nhận tiền cọc của chủ nên không thể trở về.

Được biết, sau khi được giải thoát các em được đưa về chăm sóc tại Trung tâm trợ giúp Phụ nữ - trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TP.HCM (hội liên hiệp hội phụ nữ TP.HCM) sau đó sẽ được đưa trở về quê đoàn tụ với gia đình.

Trước đó, vào tháng 9/2011, Bộ Công an (cơ quan phía Nam) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM cũng đã tiến hành bàn giao 23 trẻ em từ 12-17 tuổi người dân tộc Kh’Mú cho công an tỉnh Điện Biên để về với gia đình sau khi bị bóc lột lao động tại xưởng may ở TP.HCM.

 

Thùy Trang