Gia tăng người nghiện ma túy - S.O.S!

13:45 | 03/07/2018

1,259 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giai đoạn 2015-2017, trung bình mỗi năm tăng khoảng 9.300 người nghiện ma túy (giai đoạn 1994-2014, mỗi năm tăng 6.400 người). Số người nghiện ma túy tăng nhanh ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội. Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn.  

Nhiều người nghiện tử vong vì sốc thuốc

Tại Hội thảo Đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức cuối tháng 6, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Hiện nay Việt Nam chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, số người sử dụng trái phép chất ma túy chiếm khoảng 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (15-64 tuổi); 8% người sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi; 60% người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi.

gia tang nguoi nghien ma tuy sos
Người nghiện ma túy tiêm chích ngoài đường

Một báo cáo khác cho thấy, giai đoạn 1994-2014, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tăng 6.400 người/năm, giai đoạn 2015-2017 tăng trung bình 9.300 người/năm; riêng năm 2017 tăng 11.000 người nghiện ma túy. Đặc biệt, tại một số địa phương, từ năm 2016, tỷ lệ người sử dụng ATS (dạng ma túy đá) và chất hướng thần mới phát hiện khá cao, như Đồng Nai, Đà Nẵng, Trà Vinh có trên 80% người nghiện ma túy đã sử dụng ATS và chất hướng thần. Ngoài ma túy truyền thống, ATS, ngày càng nhiều người sử dụng các loại ma túy khác như cần sa, “cỏ Mỹ”... Tính đến cuối năm 2017, cả nước có trên 22.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng ma túy tổng hợp và chất hướng thần. Bộ LĐ-TB&XH thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 1.600 người tử vong do sốc ma túy.

Nghiện ma túy chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội, các vụ án hình sự… Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tỷ lệ người vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%, tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,25%.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện ma túy gia tăng, ông Lê Văn Khánh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: “Tệ nạn nghiện ma túy thường phát triển theo các luồng di cư lao động, đặc biệt là di cư lao động tự do đến các đô thị, khu công nghiệp và từ đó dịch chuyển trở lại nông thôn. Chính vì vậy, tỷ lệ người nghiện ma túy ở các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng giảm thì ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ ngày càng tăng”.

Luật chưa phù hợp thực tiễn

Trong khi tỷ lệ người nghiện gia tăng đáng quan ngại, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi năm 2008, lại có nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, theo ông Khánh, nhiều quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các luật liên quan chưa cụ thể, chưa rõ ràng, nhiều nội dung đáng lẽ phải đưa vào luật thì chỉ được quy định ở văn bản dưới luật, không phù hợp về thể thức, thẩm quyền nên hiệu lực pháp luật không cao. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy vẫn bị giới hạn bởi quan điểm “nghiện các chất ma túy là một tệ nạn”, hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi phạm tội”.

Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề nghiện ma túy cũng như hạn chế số người nghiện, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Phòng, chống ma túy phải được sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy. Người nghiện ma túy buộc phải chịu các biện pháp can thiệp dự phòng, cai nghiện giảm hại, cai nghiện phục hồi và hòa nhập cộng đồng, trong đó ưu tiên trước hết là tinh thần tự giác, tự nguyện cai nghiện. Đối với trẻ em phải bảo đảm các biện pháp can thiệp, giáo dục, chăm sóc với điều kiện tốt nhất có thể.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề xuất bãi bỏ quy định “cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng” (Điều 27 Luật Phòng, chống ma túy); bãi bỏ quy định “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” đối người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi (Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy); bãi bỏ quy định quản lý bắt buộc sau cai nghiện ma túy tại cơ sở quản lý sau cai (Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy). Nên nghiên cứu, chuyển các nguồn lực đầu tư cho biện pháp cai nghiện bắt buộc sang đầu tư cho công tác hỗ trợ người nghiện hòa nhập cộng đồng tại nơi cư trú. Bởi thực tiễn cho thấy, nếu áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc, cách ly với xã hội trong thời gian quá dài, quản lý thiếu thân thiện sẽ khiến người nghiện ngày càng sử dụng ma túy lén lút, tăng nguy hiểm cho chính họ và cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, trước tình hình ma túy diễn biến phức tạp, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tính đến cuối năm 2017, cả nước có trên 22.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng ma túy tổng hợp và chất hướng thần. Bộ LĐ-TB&XH thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 1.600 người tử vong do sốc ma túy.

Nguyễn Anh