Gia tăng bệnh viêm não ở trẻ nhỏ

06:00 | 17/06/2014

296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng tính đến thời điểm hiện tại, cả nước ghi nhận 280 trường hợp mắc viêm não vi rút và đã có 4 trường hợp tử vong.

Tại miền Bắc, gần một tháng nay, số ca mắc viêm não và viên não Nhật Bản ở trẻ em ngày một tăng cao. Nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội ghi nhận, trường hợp nhập viện do viêm não tăng đột biến. Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: Hơn một tháng nay, khoa Nhi đã ghi nhận hàng chục lượt bệnh nhân mắc viêm não vào nhập viện. Đây mới là thời điểm bệnh viêm não bắt đầu “vào mùa” nên thời gian tới số bệnh nhân mắc bệnh này chắc chắn sẽ gia tăng.

Còn tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TƯ hiện đang điều trị cho 14 ca viêm não và một ca viêm não Nhật Bản. Theo thống kê của Viện Nhi TƯ thì những năm gần đây, bệnh viện đều tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn, trung bình mỗi năm khoảng 400 - 600 ca, trong đó 10% là viêm não Nhật Bản.

Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ

Viêm não là một bệnh khá nguy hiểm, lại thường gặp ở trẻ nhỏ. Trong trường hợp phát hiện và chữa trị muộn, bệnh nhân đứng trước nguy cơ phải mang di chứng lâu dài như: Liệt toàn thân, trí tuệ sa sút, liệt thần kinh sọ não… Trường hợp nguy kịch có thể dẫn tới tử vong. Trong khi đó, theo khảo sát của cơ quan chức năng thì những trường hợp mắc bệnh lại hầu hết do không được tiêm chủng phòng ngừa hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm não vi rút nên việc điều trị hiện tại chủ yếu dựa trên phương pháp hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng. Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Cách phòng chống bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin kịp thời cho trẻ. Với viêm não vi rút, phụ huynh bắt đầu đưa trẻ đi tiêm chủng lúc 12 tháng tuổi, hai mũi đầu cách nhau 1 tuần, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Sau đó cứ 3- 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra, nhấn mạnh về phương tiện truyền thông, Ông Trần Đắc Phu cũng cho rằng: Ngoài việc tiêm chủng phòng bệnh thì biện pháp quan trọng nhất là tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh viêm não nói chung và viên não vi rút Nhật Bản nói riêng. Người dân cần hiểu rõ sự nguy hiểm của muỗi để có những biện pháp phòng bị và ngăn chặn kịp thời sự sinh trưởng của muỗi bằng nhiều hình thức như làm sạch chính môi trường sống xung quanh bằng cách đậy kín các chum vại đựng nước không cho muỗi vào đẻ trứng, phun hóa chất diệt muỗi, đi ngủ phải nằm màn để tránh muỗi...

Để kiểm soát tình hình bệnh viêm não Nhật Bản trong cộng đồng, Sở Y tế Hà Nội triển khai kế hoạch tiêm miễn phí cho trẻ em từ 1 - 3 tuổi trên địa bàn Hà Nội. Dự kiến thời gian triển khai tiêm là hai đợt như sau:

Đợt 1: Triển khai từ ngày 22/6 – 23/6 sẽ tiêm mũi 1 cho trẻ chưa tiêm lần nào và những trẻ đến lịch tiêm từ mũi 2 trở lên. 

Đợt 2: Triển khai từ ngày 29/6 - 30/6 sẽ tiêm mũi 2 cho trẻ đã tiêm mũi 1 và tiêm vét cho các đối tượng bỏ sót chưa được tiêm trong đợt 1.  

Trong hai đợt này, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các địa điểm tiêm chủng của Sở Y tế Hà Nội để tiêm phòng cho trẻ.

Huyền Anh