Giá dầu không thể giảm về 0

11:04 | 14/04/2020

4,686 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỗi khi giá dầu xuống thấp, dư luận lại ồn ào chuyện giá dầu liệu có bị đẩy về mức 0 USD/thùng, hoặc liệu chúng ta có đóng một số mỏ khai thác hay không? Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ Đoàn Tiến Quyết và Thạc sĩ Đoàn Văn Thuần (Bộ phận Nghiên cứu thị trường, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và quản lý dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam) về những vấn đề này.

PV: Theo ông, liệu giá dầu có giảm về 0 USD/thùng trong tương lai gần?

gia dau khong the giam ve 0

Thạc sĩ Đoàn Tiến Quyết: Dầu thô cũng như nhiều hàng hóa khác, trong quá trình khai thác, sản xuất để đưa đến nơi tiêu thụ đều phát sinh chi phí hay các khoản thanh toán bằng tiền. Vì vậy, trên thực tế có thể tồn tại những trường hợp giá sản phẩm bằng “0” hoặc “âm” do giá bán không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, những dự báo cho rằng giá dầu có thể về “0” dường như chưa đủ tính thuyết phục về mặt logic học cũng như thực tiễn.

Có một số yếu tố chính khiến giá dầu khó có thể rơi về mức “0”, nhưng nhìn nhận dưới góc độ cung cầu hàng hóa, chúng ta có thể thấy như sau:

Các công ty khai thác dầu có chi phí khai thác cao đã phải dừng sản xuất trước sức ép từ các khoản lỗ và theo thực tế, việc này sẽ dần khiến khoảng cách chênh lệch cung cầu ngày càng thu hẹp.

Đối với lĩnh vực khai thác hiện nay, chỉ có một số ít quốc gia trên thế giới có thể “chịu đựng” được mức giá dầu dưới 25 USD/thùng bao gồm: Arập Xêút, Nga, Iraq, Iran, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Kuwait. Nhìn chung, tổng sản lượng của các nước này khoảng 30 triệu thùng/ngày, chiếm 30% tổng lượng cung dầu thô thế giới với số liệu ước tính trước đại dịch Covid-19. Phần còn lại khoảng 70 triệu thùng/ngày sẽ phải đối mặt với tình trạng cắt giảm, đóng mỏ, ngừng sản xuất nếu giá bán không đủ bù đắp chi phí.

Ví dụ điển hình nhất, trong ngày đầu tháng 4-2020, Whiting - một trong những công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ hoạt động tại thủ phủ nguồn dầu đá phiến Mỹ, Bắc Dakota - đã đệ đơn phá sản do sức ép về các khoản lỗ tài chính do giá dầu giảm quá lớn. Vì vậy, mặc dù dự báo ở kịch bản tồi tệ nhất, nhu cầu dầu thô thế giới giảm 30 triệu thùng/ngày trong tháng 4-2020, lượng cầu còn lại cũng sẽ ở mức trên dưới 70 triệu thùng/ngày. Bất chấp lượng dự trữ dầu thô trên khắp thế giới đang gia tăng kỷ lục, cán cân cung - cầu dầu thô dự báo sẽ thu hẹp lại đáng kể và tác động giúp giá dầu đi lên.

Các nhà máy chế biến dầu thô trên thế giới dần giảm công suất để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ chậm lại từ đại dịch Covid-19. Một trong những ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô là nhu cầu nhiên liệu xăng dầu, sản phẩm chế biến từ dầu thô. Trong những ngày đầu tháng 4, hàng loạt nhà máy lọc dầu trên thế giới đã giảm công suất do nhu cầu giảm bởi đại dịch, ví dụ tại châu Á, khu vực chiếm hơn 1/3 công suất lọc dầu thế giới, Tập đoàn Indian Oil (IOC) của Ấn Độ đã giảm hoạt động 40% và đóng cửa nhà máy sản xuất naphtha vì nhu cầu hóa dầu giảm.

Hay các nhà máy lọc dầu tại Mỹ cũng phải giảm công suất do nhu cầu xăng của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Lượng cung xăng giảm xuống 6,66 triệu thùng/ngày từ mức 9,7 triệu thùng/ngày 2 tuần trước, là mức cung thấp nhất kể từ năm 1994, theo số liệu do Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cung cấp ngày 3-4-2020.

gia dau khong the giam ve 0

Qua đó cho thấy, lượng dầu thô tiêu thụ chậm lại tạo sức ép giúp cân bằng thị trường dầu theo quy luật thị trường hàng hóa giản đơn.

Dưới góc nhìn dầu thô là loại hàng hóa đặc biệt, tại các quốc gia có hoạt động khai thác dầu thô, doanh thu từ dầu thô có thể chiếm đến hơn 20% GDP quốc gia. Do vậy, giá dầu biến động sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền tài chính/ngân sách của cả quốc gia. Theo công bố của Bloomberg, khi giá dầu duy trì ở mức 30 USD/thùng sẽ làm GDP từ dầu thô của Nga giảm 3%; Arập Xêút và UAE giảm trên dưới 1% trong giai đoạn 2020-2022. Do đó, giá dầu giảm đến một ngưỡng nhất định nào đó, tất nhiên không phải mức “0”, sẽ có sự can thiệp từ các chính phủ.

Bên cạnh đó, có một số thông tin cho rằng có một số lượng lớn các lô dầu trôi nổi xuất hiện do hoạt động trộm cắp hoặc khai thác lậu tạo sức ép đối với các nguồn cung dầu cầu chính thức do giá bán rẻ hơn, thế nhưng giá bán của các lô dầu phi pháp này cũng sẽ không thể ở mức “0”. Do đó, mặc dù có thể gây sức ép đến hoạt động khai thác nhưng không thể đẩy giá dầu về mức giá “0”.

PV: Ông có thể cho biết thực tế tồn trữ dầu tại các kho của Việt Nam hiện nay?

Thạc sĩ Đoàn Tiến Quyết: Năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến 2035” với mục tiêu tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam cần đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng. Tuy nhiên, do các vấn đề về chuẩn bị, quy định pháp lý... hoạt động dự trữ dầu thô gần như chưa được thực hiện.

Việt Nam hiện nay có 2 nhà máy lọc hóa dầu bao gồm NMLD Dung Quất và Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Dầu thô của NMLD Dung Quất được lưu trữ tại 8 bể chứa với mức vận hành cao khoảng hơn 70 nghìn m3 mỗi bể. Đối với Nghi Sơn, hiện nhà máy cũng có 8 bể chứa, công suất khoảng 110 nghìn m3 mỗi bể.

PV: Khả năng đóng mỏ khai thác kém khi giá dầu xuống thấp ở mức “không tưởng” liệu có xảy ra không, thưa ông? Được biết, việc đóng một mỏ khai thác, sau đó vận hành trở lại sẽ hết sức tốn kém về tài chính và gây ra những khó khăn không nhỏ về kỹ thuật. Ông có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

gia dau khong the giam ve 0

Thạc sĩ Đoàn Văn Thuần: Với dự báo giá dầu giảm sâu, xét dưới góc độ nhà đầu tư, việc cân nhắc dừng khai thác đối với một số lô/mỏ dầu khí khi mất cân đối dòng tiền hoặc có giá thành khai thác cao hơn so với giá bán là vấn đề cần được tính toán dựa trên bài toán về kinh tế. Tuy nhiên, nếu việc mất cân đối chỉ mang tính thời điểm thì một số yếu tố sau cần được xem xét kỹ trên cả góc độ kinh tế của nhà đầu tư cũng như các đóng góp từ dự án cho ngân sách quốc gia.

Để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và đưa mỏ vào khai thác, các nhà thầu dầu khí phải chi ra khoản vốn đầu tư rất lớn (có thể lên tới hàng tỉ USD). Theo quy định của hợp đồng dầu khí, các chi phí đầu tư này sẽ dần được thu hồi trong quá trình khai thác mỏ, nếu dừng khai thác/đóng mỏ sẽ kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư của nhà thầu.

Hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi thường có các hợp đồng dài hạn (ví dụ hợp đồng thuê tàu FPSO, FSO...), nếu dừng khai thác, nhà thầu vẫn phải chi trả chi phí cho các hợp đồng này, dẫn đến nhà thầu sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Về kỹ thuật, việc dừng khai thác mỏ trong thời gian dài khi khôi phục lại thường dẫn đến sản lượng bị sụt giảm do giếng bị nhiễm bẩn, ngập nước...

Đối với Nhà nước, tùy thuộc vào điều kiện của từng hợp đồng, phần thu của nước chủ nhà chiếm khoảng 30-40% doanh thu toàn dự án (trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, với nước chủ nhà, ngoài các khoản thuế nhận được từ nghĩa vụ thuế của nhà thầu như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, còn được hưởng một phần lãi hằng năm từ chia lãi dầu khí theo hợp đồng dầu khí), việc dừng khai thác/đóng mỏ sẽ ảnh hưởng đến các khoản thu vào ngân sách nhà nước từ dầu khí.

gia dau khong the giam ve 0

Do đó, trong bối cảnh giá dầu thấp, trước tiên cần xem xét, rà soát để tiết giảm, tối ưu chi phí đầu tư, chi phí vận hành/bảo dưỡng; đồng thời xem xét, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ giảm/miễn các khoản thuế để giảm lỗ hoặc tăng tính thanh khoản của doanh nghiệp khai thác dầu khí, nhằm hài hòa giữa phần thu của Nhà nước và chi phí của nhà thầu phải bỏ ra để khai thác mỏ.

PV: Trân trọng cảm ơn các ông!

Ngày 9-4, OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng ở mức 10 triệu thùng/ngày do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Theo đó, OPEC+ sẽ giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6; giảm 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến cuối năm 2020. Đến năm 2021, OPEC+ sẽ giảm 6 triệu thùng/ngày từ tháng 1 đến tháng 4.

Nguyễn Huy