Ghép tạng: 'Bó tay' vì khan hiếm nguồn tạng

07:30 | 23/01/2016

591 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo GS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, mặc dù hiến tạng còn đang là việc làm lạ lẫm với xã hội, tuy nhiên, năm vừa qua, phong trào vận động đã có sức lan tỏa từ sau ca ghép tạng xuyên Việt. 

Tính đến ngày 31-12-2015, đã có 2.348 đơn đăng ký hiến trên cả nước. Và việc thay đổi ý thức của người dân và xã hội về hiến tạng là điều vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay không phải kỹ thuật mà là thiếu nguồn tạng. Năm 1954, lần đầu tiên trên thế giới có ca ghép tạng thành công. 50 năm sau, Việt Nam mới tiến hành ca ghép tạng đầu tiên nhưng đã phát triển rất nhanh.

Bằng chứng là nhiều ca ghép tạng đã thành công. Tính tới tháng 9-2015, Việt Nam ghép được 1.100 ca ghép thận, 1 ca tim phổi, 1 ca tụy thận, 13 ca ghép tim. Kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam không thua kém kỹ thuật ghép tạng trên thế giới.

bo tay vi khan hiem nguon tang
GS Trịnh Hồng Sơn

GS Trịnh Hồng Sơn cũng cho biết, 1 năm có hơn 11 ngàn trường hợp tử vong do tai nạn giao thông chết não có thể hiến tạng nhưng bỏ phí. Đơn cử riêng Bệnh viện Việt Đức, mỗi ngày có 2-3 ca chết não do tai nạn giao thông có thể hiến đa tạng.

Tuy nhiên, tính tới tháng 10-2015, mới có 39 ca chết não cho tạng, cứu sống được 108 bệnh nhân, trong khi đó, hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc.

“Khi bác sĩ vẫn có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh, khi người bệnh vẫn còn cơ hội và khao khát sống nhưng phải bó tay vì không có nguồn tạng. Đây thực sự là điều đáng tiếc”.

Nguyên nhân của việc chưa có nhiều người hiến tạng khi chết não là bởi nhận thức và quan niệm về cái chết toàn thây ở Việt Nam vẫn còn quá nặng nề.

Mặt khác, theo GS Sơn, quy định của pháp luật về cho, hiến tạng còn phần nào gây trở ngại. Trên thế giới, việc cho tạng khi chẳng may bị tai nạn giao thông hoặc chết não là điều tất nhiên. Khi công dân đủ 18 tuổi, mỗi người đều có thể đăng ký hiến tạng.

Nếu chẳng may bị chết não thì hệ thống y tế sẽ có trung tâm điều phối tạng và tự động tìm người chờ tạng có chỉ số sinh học phù hợp khi tìm trên hệ thống máy tính. Số người không tình nguyện làm thẻ hiến tạng cũng như số cha mẹ phản đối việc này là rất ít.

Và nếu ai không đồng ý hiến tạng thì sẽ tự đi đến những cơ quan phát luật để đăng ký vào danh sách không hiến tạng khi chết não.

Còn tại Việt Nam, ngay cả khi một người 18 tuổi trở lên đã đăng ký sẽ hiến tạng (nếu chẳng may bị chết não) nhưng khi người đó nằm xuống, chỉ cần 1 người không đồng ý thì pháp luật Việt Nam cũng không cho phép được lấy tạng của người hiến.

bo tay vi khan hiem nguon tang

Niềm vui của bệnh nhân được ghép tạng sau khi ca ghép đã thành công

Vậy thế nào là chết não? GS Sơn cho biết, chết não là các tế bào não hoàn toàn chết và sau đó các cơ quan trong cơ thể sẽ nhanh chóng hoại tử, chết theo. Điều này đồng nghĩa với việc không thể kéo dài sự tồn tại của người bệnh như sống thực vật.

Người đã chết não chỉ có thể tồn tại dưới dạng sống thực vật tối đa thêm 3 ngày sau đó (nếu có sự hỗ trợ của máy móc và phải hồi sức tốt). Còn sống thực vật là não chưa chết, bệnh nhân bị hôn mê sâu, không giao tiếp được nhưng bệnh nhân có thể sống lâu, thậm chí tới hàng chục năm.

Để đánh giá chết não hay chưa, điều này rất đơn giản trong y khoa. Tất cả các bệnh viện tuyến dưới đều có thể đánh giá được qua triệu trứng lâm sàng như: Đồng tử giãn, mất phản xạ nôn khi kích thích vào họng sâu, mất phản ứng ho khi hút phế quản, bệnh nhân không tự thở sau khi ngắt ra khỏi máy thở…

Vậy khi đã chết não, sớm muộn các bộ phận tạng cũng sẽ bị phân hủy thì tại sao không hiến tạng cho những người đang cần. Một người chết não có thể cho tim, gan, thận, giác mạc... cứu sống tới 5, 6 người một lúc.

Bác sĩ Sơn cũng cho biết, tại Việt Nam, quy trình khám nghiệm lâm sàng đánh giá chết não phải tiến hành nhiều lần cũng là nguyên nhân gây chậm trễ cho việc ghép tạng nếu người mất có yêu cầu hiến. Pháp luật quy định, phải điện não đồ, chụp mạch não nhiều lần rồi mới có thể đưa ra kết luận.

Sau 6 tiếng điện não đồ lần thứ nhất thì 6 tiếng sau lại điện não đồ kiểm tra lại lần thứ 2 và cứ 15 phút lại kiểm tra một lần. Bác sĩ gây mê, hồi sức phải cực giỏi thì mới giữ được tạng trong thời gian lâu như vậy. Nếu không làm tốt thì sẽ hỏng tạng và không thể dùng tạng đó.

Còn ở Mỹ, có những nơi không cần khám nghiệm cận lâm sàng vẫn có thể chẩn đoán được. Họ dựa trên đánh giá về mức độ hôn mê sâu, mất vận động, mất phản xạ... Hiện nay, có nhiều trường hợp bệnh nhân chưa chết não đã cho về để lo hậu sự hoặc có những bệnh nhân chết não rồi vẫn giữ lại do người nhà cũng chưa hiểu về vấn đề này.

Bác sĩ Sơn nói: “Tôi là người sống giữa 2 thế giới âm và dương. Chủ yếu, tôi phẫu thuật cho người bị ung thư. Trước khi phẫu thuật, tôi thường nói với bệnh nhân của mình sẽ có tỷ lệ chết nhất định. Tôi thường chụp lại những tấm ảnh của bệnh nhân để lưu thời khắc. Nhưng nếu bức ảnh đó bệnh nhân cười tươi thì tôi sẽ phẫu thuật, còn nếu chưa vui, nếu có một cảm nhận về sự lo âu của bệnh nhân thì cuộc phẫu thuật có thể hoãn lại. Bởi bệnh nhân vẫn còn… buồn, chưa sẵn sàng”.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Nhiều người vẫn quan niệm về chết toàn thây, nhưng theo Bồ Tát, sau khi mất đi chỉ trong vòng 24 giờ, xác thịt sẽ phân hủy, tiêu tan. Và Bồ Tát cũng dạy rằng, kể cả chết rồi, còn làm gì giúp cho con người hay con vật thì vẫn nên làm. Huống chi đây là việc sẽ hồi sinh cho cả một con người.

Hơn nữa, trong quan niệm Đại thừa của Phật giáo, người tu hành theo Bồ Tát lấy việc bố thí làm đầu. Bố thí chia làm 2 phần: nội thí và ngoại thí. Nội thí tức là đem cho những cái người ta cần trong cơ thể mình. Còn ngoại thí là đem cho những cái người ta cần ngoài cơ thể mình. Hiện nay, y học kêu gọi hiến xác, hiến nội tạng, hiến máu chính là kêu gọi con người hãy làm phần nội thí và điều này hoàn toàn nên làm.

Trên phương diện Công giáo, Linh mục Anton Hoàng Minh Hải, Chính xứ Hoàng Mai, Tam Điệp (Ninh Bình) cho rằng: Chúa Giê-su là người đã chết trên cây thập giá để cứu loài người. Quan niệm của Chúa là sống cho người khác và chết cho người khác. Đó là điều cốt lõi của tình yêu, của đạo Công giáo.

Vậy nên, tất cả những người là môn đệ của Chúa Giê-su đều hướng và đi theo con đường của người. Chính Linh Mục cũng là cộng tác với Viện Mắt Trung ương tuyên truyền hiến giác mạc sau khi chết.

Giáo xứ Kim Sơn, nơi ông đã từng tu đạo đã có 100 người tình nguyện hiến giác mạc sau khi mất. Đây cũng là một trong những nơi đi đầu về phong trào lớn mạnh về hiến tặng giác mạc sau khi chết.

 

Thanh Loan - Năng lượng Mới số 493