Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại

06:30 | 31/12/2023

1,869 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Có những cuộc đời đã dừng lại nhưng đã tiếp sức cho nhiều cuộc đời khác được hồi sinh bằng chính một phần cơ thể mình. Có lẽ, những người ở nơi xa xôi vẫn hằng mong người được hồi sinh sẽ sống tiếp những tháng ngày xứng đáng.
Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại
Có nhiều trường hợp hiến tạng đã giúp tái sinh 4-7 cuộc đời khác

Những món quà vô giá

“Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại”, câu nói đó đã trở thành lẽ sống của nhiều người khi quyết định hiến dâng một phần cơ thể cho y học sau khi qua đời. Từ nghĩa cử cao đẹp ấy, nhiều cuộc đời tưởng như tắt hy vọng sống đã được tái sinh. Trái tim và những bộ phận mô, tạng... là món quà vô giá của những người hiến tặng trước khi qua đời, hằng mong cứu sống những người bệnh.

Đầu tháng 7-2023, chàng trai khỏe mạnh Đ.V.Th (32 tuổi, trú tại Lương Sơn, Yên Lập, Phú Thọ) bị tai nạn giao thông. Khi biết Th không thể qua khỏi, gia đình đã đồng ý hiến tạng của Th để hồi sinh sự sống cho những người bệnh nặng. Chàng trai trẻ ấy ra đi nhưng đã giúp 4 cuộc đời khác được hồi sinh, giúp 1 bệnh nhân suy tim, giãn cơ tim 13 năm được cứu sống tại Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, giúp cho 2 bệnh nhân ghép thận và 1 bệnh nhân ghép gan tại BV Hữu nghị Việt Đức.

GS.TS.BS Phạm Như Hiệp - Giám đốc BV Trung ương Huế - chia sẻ: “Sẽ không tồn tại bất kỳ sự mệt mỏi nào trong hành trình chung tay tiếp nối sự sống”.

Thời điểm đó, buổi tối, ngay khi tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia về việc có một trái tim hiến tặng, kíp ghép tạng BV Trung ương Huế lập tức được kích hoạt. “Tim đang ra”, “Tim đã lên xe”, “Tim đã xuất phát ra sân bay chưa?”, “Hy vọng kịp”..., đó là những tin nhắn vội vàng, đầy lo lắng của Ban Giám đốc và kíp ghép tạng BV Trung ương Huế, từng phút, từng giây nỗ lực đưa tim ra sân bay Nội Bài kịp thời gian. Đáp lại sự nỗ lực ấy, trái tim đã hạ cánh xuống sân bay Phú Bài - Huế vào lúc 21 giờ 25 phút, có mặt tại Trung tâm tim mạch - BV Trung ương Huế lúc 21 giờ 48 phút. Trái tim được đưa nhanh vào phòng phẫu thuật, kíp phẫu thuật bắt đầu tiến hành các bước ghép tim trong đêm khuya ngày 5-7-2023. Trái tim đã đập trở lại trong cơ thể mới ít giờ sau đó.

Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại
Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại

“Bây giờ tôi không chỉ sống cho riêng mình, mà sống có trách nhiệm với người đã khuất khi họ hiến dâng một phần thân thể giúp tôi duy trì sự sống này”, bệnh nhân T.V.G, người vừa được ghép tim thành công, bộc bạch.

Những nỗ lực của các bác sĩ là rất lớn, nhưng điều không thể thiếu là sự hiến tặng của một cuộc đời đã ra đi để những cuộc đời khác được sống lại. “Tôi muốn hiến tạng con để cứu những người bị bệnh nặng đang nằm chờ chết, để họ được sống khỏe mạnh như bao người khác. Cứu được họ, tôi mừng lắm. Giống như con tôi còn sống trên cõi đời này!”, một người mẹ ở Phú Yên đã tâm sự như thế khi nhắc về con mình và về một phần thân thể của con nay đã “sống” chung với người khác để làm nên những điều kỳ diệu của cuộc sống.

Có một câu chuyện mà các cán bộ tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ về người mẹ của một người hiến tạng. Khi con trai của bà mất, bà được các bác sĩ gọi vào phòng riêng, nói chuyện về việc hiến tạng. Ban đầu, bà phản đối. Nhưng rồi, câu nói của các bác sĩ cứ luẩn quẩn trong đầu bà suốt hôm đó: “Nếu phần tạng của anh hiến tặng thì một phần cơ thể của anh ấy sẽ vẫn sống trong những người khác, anh ấy không vĩnh viễn mất đi, không tan vào tro bụi...”.

Sau đó, bà quyết định làm chuyện “động trời” mà trước đó không bao giờ nghĩ tới. Bà nén nỗi đau và ký quyết định đồng ý hiến tạng của con trai mình. Trái tim, 2 quả thận và 2 giác mạc của người con trai lập tức được ghép cho 3 người mang trọng bệnh đang cận kề cái chết và 2 người bị hỏng giác mạc.

Theo luật định, các bác sĩ không thể cung cấp liên lạc và thông tin của người cho tạng và người nhận tạng. Nhưng rồi, người mẹ ấy đã có cơ duyên gặp được cả 5 người nhận một phần thân thể con trai bà. Một người lớn tuổi gọi bà là “chị”, 4 người còn lại đều gọi bà là “mẹ”. Cả 5 người đều thay nhau gọi điện cho bà mỗi ngày. Họ cùng hẹn ước sẽ cùng lo lắng cho bà và các công việc trong gia đình bà như chính gia đình của mình.

Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại
Ê kíp phẫu thuật thực hiện ca phẫu thuật ghép tim ngay trong đêm 5-7-2023 tại BV Trung ương Huế

Điều kỳ diệu của sự sống

Hiện nay, cả nước có hàng chục nghìn người ngày đêm chờ đợi được ghép tạng, nhưng nguồn tạng hiến tặng rất hạn chế, chủ yếu từ nguồn hiến sống. Ngành y tế Việt Nam đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó như ghép thận, ghép gan, ghép phổi, ghép tim..., nhưng không thể cứu sống người bệnh chờ ghép tạng nếu không có người hiến tặng mô tạng.

Có một điều đáng nói, đó là sự thay đổi nhận thức của nhiều người về việc hiến tạng. Quan điểm sống, văn hóa và phong tục ở nhiều nơi vẫn cho rằng người quá cố cần được nguyên vẹn thân thể. Thế nên, việc mổ xẻ để lấy đi một phần thân thể khi qua đời là việc làm đụng chạm vào góc khuất của tín ngưỡng, tâm linh, cả tâm lý của những người thân trong gia đình. Thế nhưng, con số thống kê từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho thấy, năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng, nhưng đến cuối tháng 6-2023, số người đăng ký hiến tạng đã tăng lên hơn 73.000 người.

Thời gian qua, nhiều cá nhân tìm đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến mô, tạng, gồm nhiều lứa tuổi, trình độ và nghề nghiệp khác nhau. Họ có điểm chung là đều cùng một suy nghĩ “sống phải biết cho đi”. Nhiều trường hợp cá nhân đến đăng ký hiến mô, tạng, có gia đình ủng hộ, có gia đình kịch liệt phản đối, thậm chí có gia đình đã dùng “biện pháp mạnh” để ngăn cản việc làm nhân đạo này. Những lo toan, những lời dị nghị từ nhiều phía dần được khép lại, thay vào đó, trên khuôn mặt những người hiến tạng luôn nở nụ cười hạnh phúc khi trên tay cầm tấm thẻ đăng ký hiến mô, tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.

Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại
Ê kíp thực hiện ca phẫu thuật ghép tim tại BV Trung ương Huế

Hầu hết các bộ phận tạng được hiến đều được đơn vị điều phối nhanh chóng triển khai từng giây từng phút cứu sống nhiều bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh. Có trường hợp tạng hiến giúp tái sinh 4-7 cuộc đời khác. Trước đây chỉ các bệnh viện lớn như BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy (TP HCM) mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng. Đến nay, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca ghép tạng tại Việt Nam gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca năm 2022. Đến nay, cả nước đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng các loại.

Có những ca ghép tạng xuyên Việt, khi bộ phận tạng của người hiến được đưa ra khỏi cơ thể lập tức được chuyển tới người bệnh đang chờ đợi một cách nhanh nhất có thể. Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến nay, BV Việt Đức vẫn là cơ sở y tế có nhiều bệnh nhân hiến tạng. Đây cũng là cơ sở y tế chia sẻ nhiều tạng nhất cho các cơ sở y tế trong cả nước. Việc vận chuyển mô, tạng ngày càng được Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tính toán sát giờ và vận chuyển kịp thời hơn, tạo điều kiện cho các ca ghép tạng được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi. Các chuyến bay vận chuyển mô, tạng của Việt Nam hiện đều được hãng hàng không hỗ trợ, với các ưu tiên tối đa, bằng sự giúp đỡ nhiệt tình của cả hệ thống. Đây không chỉ là kết quả của việc ký kết hợp tác giữa Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia với hãng hàng không mà việc vận chuyển tạng thành công còn cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, giàu lòng nhân ái của các cá nhân, tập thể và cả hệ thống. Đến nay, chưa có bất cứ lần điều phối tạng bằng đường hàng không nào bị chậm giờ so với “thời gian vàng” của việc bảo quản nội tạng được hiến tặng.

Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại
Bệnh nhân được ghép tim tại Huế ngày 5-7-2023 đã ổn định, chức năng tim tốt

Mỗi lá đơn đăng ký hiến mô, tạng đã viết lên dòng chảy văn hoá mới, đó là dòng chảy văn hóa tận hiến của người dân Việt Nam. Sự ra đi của những người hiến tạng không bao giờ vô nghĩa. Nhiều bệnh viện, nhiều địa phương luôn có những cuộc gặp gỡ, tri ân những người hiến tạng để dành sự sống cho người khác. Có những câu chuyện cảm động trong hàng nghìn trường hợp hiến tạng, ở đó, những sự kỳ diệu của cuộc sống được tái hiện. Những thân nhân của người hiến tạng có lẽ vẫn có niềm tin vào sự tốt đẹp và sự tồn tại của người thân mình, dẫu ở trong cơ thể một người khác. Chắc hẳn ở bên kia thế giới, những người hiến tạng đang mỉm cười vì họ đã cứu sống, đã hồi sinh được nhiều cuộc đời. Đáp lại tấm chân tình ấy, những người may mắn được ghép tạng đều tâm niệm “sống thật tốt, thật khỏe” bởi họ đã được hồi sinh từ cuộc đời của người khác.

GS.TS.BS Phạm Như Hiệp - Giám đốc BV Trung ương Huế: Đến nay, BV Trung ương Huế đã thực hiện hơn 1.500 trường hợp ghép tim, gan, thận, giác mạc. Số lượng ca ghép tim xuyên Việt của BV Trung ương Huế hiện đứng đầu cả nước. Trong quá trình xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu, trở thành trung tâm y học cao cấp, ghép tạng là lĩnh vực không thể thiếu đối với BV Trung ương Huế.
Ca sĩ Khắc Việt đăng ký hiến tạng khi qua đờiCa sĩ Khắc Việt đăng ký hiến tạng khi qua đời
Số người hiến mô tạng tăng 150 lần so với 5 năm trướcSố người hiến mô tạng tăng 150 lần so với 5 năm trước
Người vợ hiến đa tạng của chồng cứu nhiều người khácNgười vợ hiến đa tạng của chồng cứu nhiều người khác

Cường Hữu