Gạo Việt với cơ hội chiếm lĩnh thị trường Bắc Âu

22:28 | 03/05/2022

134 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mặt hàng gạo của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 3,1% thị phần nhập khẩu vào các quốc gia Bắc Âu, nhưng với tốc độ tăng trưởng trung bình 54%/năm trong những năm gần đây đã mở ra cơ hội chiếm lĩnh thị trường rộng lớn này.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, các nước Bắc Âu là các nước không trồng lúa gạo và gần như nhập khẩu hoàn toàn. Hiện nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu gạo xay xát sang khu vực Bắc Âu. Tuy kim ngạch xuất khẩu chưa phải là nhiều, chỉ chiếm 3,1% thị phần nhập khẩu tại Bắc Âu, nhưng với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, trung bình 54%/năm trong những năm gần đây.

Gạo Việt với cơ hội chiếm lĩnh thị trường Bắc Âu
Gạo thơm Việt Nam đang được người dân các nước châu Âu ưa chuộng và ngày càng đánh giá cao.

Trước năm 2019, Thụy Điển hầu như không nhập khẩu gạo Việt Nam. Từ năm 2019, với những lợi thế từ Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), kim ngạch nhập khẩu gạo của Thụy Điển từ Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể, từ vài chục đến hơn 100.000 USD đã lên đến hơn 1 triệu USD năm 2019 và 1,7 triệu USD năm 2020... Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Na Uy cũng tăng mạnh từ 1,8 triệu USD năm 2018 lên hơn 3,7 triệu USD năm 2020.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu nhận định, thời gian tới, nhập khẩu gạo của thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Về chủng loại gạo, châu Âu chủ yếu sản xuất gạo Japonica (khoảng 75%) và hầu hết được sản xuất và tiêu thụ ở Nam Âu. Châu Âu là nước xuất khẩu ròng gạo Japonica. Tuy nhiên, ở khu vực Bắc Âu, giống truyền thống châu Á Indica phổ biến hơn, ví dụ các loại gạo hạt dài và gạo thơm như Bastima và Jasmine.

Gạo xát (trắng) và gạo xát vỏ (nâu) là những loại gạo quan trọng nhất để nhập khẩu vào Bắc Âu, kể cả khi nói đến các loại gạo đặc sản. Vào năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu gạo xay xát của các nước Bắc Âu là 159,11 triệu USD, chiếm 85,3% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của các nước này.

Nhiều người tiêu dùng Bắc Âu coi gạo tấm là gạo cấp thấp hơn, nhưng người tiêu dùng truyền thống hoặc châu Á đánh giá cao hơn vì đây là một loại gạo có giá cả phải chăng với đặc tính hấp thụ hương vị và nấu nhanh.

Gạo tấm (không phải gạo đặc sản) cũng được sử dụng cho các sản phẩm được chế biến tiếp, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng, thức ăn cho chăn nuôi, bia, tinh bột và bột mì. Gạo chưa qua chế biến (còn trấu) không được ưa chuộng trong thương mại.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng cho biết, các sản phẩm đặc biệt hấp dẫn đối với thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng là gạo Ấn Độ hạt dài đã xát hoặc xay, chẳng hạn như gạo Basmati.

Các loại gạo thơm và gạo màu thường không được sản xuất ở châu Âu và được nhập khẩu chủ yếu từ các nước châu Á. Việc nhập khẩu từ các nhà cung cấp ngoài châu Âu ngày càng tăng do nhu cầu về các loại gạo này ngày càng tăng. Các điều kiện thương mại thuận lợi giúp duy trì đà tăng trưởng này.

P.V

Gạo Việt Nam khởi sắc toàn diện Gạo Việt Nam khởi sắc toàn diện
Gạo xuất khẩu có tháng thứ 3 gia tăng mạnh về sản lượng và giá trị Gạo xuất khẩu có tháng thứ 3 gia tăng mạnh về sản lượng và giá trị
Hơn 10.000 người Úc được mời dùng thử gạo Việt Hơn 10.000 người Úc được mời dùng thử gạo Việt
Gạo Việt ngon nhất thế giới ST25 bị Mỹ đăng ký thương hiệu: Lỗi tại ai? Gạo Việt ngon nhất thế giới ST25 bị Mỹ đăng ký thương hiệu: Lỗi tại ai?