Gạo Việt thua đơn thiệt kép

07:03 | 22/10/2015

816 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo GS Võ Tòng Xuân, thời gian qua hạt gạo Việt Nam vẫn chưa thể tìm đường vươn xa ở thị trường thế giới vì chất lượng quá thấp. Và sắp tới, mặt hàng này còn đứng trước nguy cơ bị “thua trên sân nhà”. Yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng đổi mới chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị cho hạt gạo. 
gao viet thua don thiet kep Giá gạo Việt Nam thấp gần nhất thế giới: Do Trung Quốc "ép"

PV: Thời gian qua xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục sụt giảm trong khi xuất khẩu gạo của một số nước lại tăng cả về lượng lẫn chất. Vậy theo giáo sư, nguyên nhân của việc này từ đâu?

GS Võ Tòng Xuân: Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục sụt giảm vì nhiều nguyên nhân. Như vừa rồi Thái Lan có đẩy ra thị trường một lượng gạo tồn kho lớn với giá cả cạnh tranh do 2 năm trước Chính phủ Thái Lan thực hiện kế hoạch mua gạo giá cao để hỗ trợ nông dân nhưng khi bán ra thị trường thì không thể bán được giá cao. Cuối cùng Thái Lan quyết định bán với giá rẻ nhằm đẩy hàng tồn kho. Thị trường xuất khẩu gạo thời gian qua cũng chứng kiến sự “góp mặt” thêm một số quốc gia về xuất khẩu gạo. Những nguyên nhân đó làm gia tăng sản lượng gạo vào thị trường các nước và số lượng đối thủ cạnh tranh.

gao viet thua don thiet kep
GS Võ Tòng Xuân

Đó là những nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ quan cố hữu nhất mà Việt Nam giữ khư khư không chịu thay đổi là không đảm bảo yêu cầu về chất lượng gạo cho khách hàng. Thực tế cho thấy, gạo Việt đang bị thương lái trộn thành một mớ bòng bong. Kết quả, gạo Việt mất vị trí “ứng cử viên sáng giá”. Đơn cử, gạo 50404 của Việt Nam được đánh giá là loại gạo ngon nhưng nông dân không có giống thuần, cho nên doanh nghiệp phải trộn để xuất khẩu. Sự thiếu ý thức xây dựng thương hiệu gạo Việt vô tình thu hẹp thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, gạo Thái Lan, Campuchia, Myanmar… “dậy sóng” do họ biết làm thương hiệu từ khâu chọn giống, vùng nguyên liệu cho đến trang thiết bị chế biến hiện đại để tạo ra những sản phẩm ngon, sạch, giá cả hợp lý. Bằng chứng, các nước nêu trên thường triển khai sản xuất với những giống dài ngày, năng suất thấp, chỉ khoảng 2,5-3 tấn/ha, còn Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại chỉ chuộng năng suất cao, không quan tâm nhiều đến chất lượng.

PV: Hiện nay có nhiều quốc gia xuất khẩu gạo mới nổi và họ xây dựng thương hiệu rất tốt. Điều này đặt ra nguy cơ gì cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới, thưa giáo sư?

GS Võ Tòng Xuân: Bao nhiêu năm nay Việt Nam cứ lòng vòng, luẩn quẩn bàn chuyện xây dựng thương hiệu cho gạo Việt mà vẫn chưa có hồi kết. Thế mà các nước khác như: Campuchia, Myanmar phát triển sau nhưng lại có gạo thơm mang thương hiệu riêng tạo ấn tượng tốt đối với thị trường khó tính như EU, Mỹ…

Nếu chúng ta cứ giữ cách sản xuất truyền thống hiện nay, rõ ràng trong thời gian tới gạo Việt Nam còn gặp nhiều trắc trở ở thị trường các nước, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực. Lúc đó, đảm bảo gạo Thái Lan, gạo Campuchia cùng gạo các nước trong khu vực ồ ạt chiếm lĩnh thị trường. Gạo Việt sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bị “thua trên sân nhà”.

PV: AEC sẽ đưa gạo Việt đứng trước viễn cảnh màu xám. Vậy Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có mở ra “chân trời mới” nào cho gạo Việt hay không?

GS Võ Tòng Xuân: TPP cũng không mang lại kỳ vọng cho ngành lúa gạo vì cuộc chơi này hoàn toàn không cân sức với Việt Nam. Gạo Việt Nam rất nhiều nhưng sản xuất theo cảm tính, không có tổ chức thì không thể cho ra lò những mẻ chất lượng cao để được thị trường khó tính như Mỹ, EU chấp nhận.

TPP đã đàm phán xong, AEC sắp có hiệu lực vậy mà đến thời điểm này nông dân vẫn sản xuất theo kiểu “lão nông tri điền”, doanh nghiệp cứ đủng đỉnh, Nhà nước cũng không có kế hoạch gì mới cho ngành lúa gạo để chuẩn bị hội nhập sâu rộng. Trước thực trạng hiện nay của ngành lúa gạo tôi đang lo lắng, vài năm nữa gạo Việt thua cả trên “sân nhà”, “sân người”. Có thể đây là cái thua rất cay đắng và đau đớn được báo trước.

PV: Mở cửa sâu rộng trong hội nhập không mang lại thị trường tốt cho ngành lúa gạo nước ta vì ngành này chậm chạp đổi mới. Thế liệu TPP có cơ hội để ngành này thu hút đầu tư vốn từ nước ngoài (FDI) hay không?

GS Võ Tòng Xuân: Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì chúng ta đang kêu gọi vốn FDI cho nông nghiệp. Chắc chắn sẽ có nhà đầu tư nước ngoài “rót vốn” vào quy hoạch sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến. Điều này hoàn toàn mang lại lợi ích cao cho người lao động; người tiêu dùng được sử dụng gạo ngon, giá rẻ; tài nguyên đảm bảo được sử dụng tốt.

PV: Khi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, tức là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng mang thương hiệu nước ngoài, ông có ủng hộ phương án này hay không?

GS Võ Tòng Xuân: Nếu như trong thời gian tới không có sự thay đổi về quy trình sản xuất - chế biến, gạo Việt sẽ thất bại trong cuộc chơi. Chính vì thế, trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài làm tốt điều này tôi hoàn toàn ủng hộ. Chỉ khi nào doanh nghiệp FDI vào làm thương hiệu cho hạt gạo thì doanh nghiệp của ta mới tỉnh giấc để đầu tư cho sản xuất.

PV: Trước hàng loạt khó khăn của hạt gạo, vậy đâu là giải pháp tốt nhằm gia tăng tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam khi tham gia vào sân chơi toàn cầu, thưa giáo sư?

GS Võ Tòng Xuân: Trước hết, cần xác định một vài giống lúa theo chuẩn của Việt Nam rồi công bố tiêu chuẩn cụ thể để căn cứ vào đó mà sản xuất. Song song đó, phải xây dựng vùng nguyên liệu gắn nông dân với doanh nghiệp, nông dân với hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp, trong đó có ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra những mắc xích tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Từ đó mới tính đến chuyện sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng VietGap, GlobalGap.

Ngoài ra, muốn tận dung TPP để phát triển hạt gạo đòi hỏi phải đào tạo cho nông dân, doanh nghiệp ngành này về kiến thức TPP.

PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

 

Mai Phương

Năng lượng Mới 467