Gần Phật tốt, gần dân tốt hơn!

16:56 | 24/12/2013

3,436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự quan liêu, vô cảm của quan chức đối với dân là một trong những nguyên nhân rất lớn làm xói mòn lòng tin của dân đối với Đảng.

Thời gian gần đây, có một hình ảnh mà mọi người thường thấy trên tivi, đó là một số vị lãnh đạo cao cấp hay có mặt ở những nơi xây dựng chùa chiền, tô tượng, đúc chuông; rồi cả những dịp lễ nọ, lễ kia do nhà chùa tổ chức. Các vị này cũng thắp hương, cũng lom khom quỳ lạy, khấn vái.

Xem ra rõ là "thành tâm"!?

Cũng phải thấy một thực tế rằng, thời gian gần đây, việc quan chức chịu khó đi cúng lễ ở các đền, chùa, miếu mạo ngày càng nhiều và dễ dàng nhận thấy không ít vị cung tiến cho nhà chùa số tiền tài, hiện vật rất lớn. Không ít hiện vật ấy tuy mang tên ông nọ, bà kia cung tiến, nhưng thực chất lại là tiền từ những sân sau cung cấp.

Các vị đi lễ chùa cầu cho quốc thái dân an thì quá tốt, nhưng chắc chắn rằng trong số đó, chẳng mấy người cầu cho quốc thái dân an đâu. Họ cầu cho chính cái ghế của họ được vững chắc mà thôi.

Đến cửa chùa cầu tài, cầu lộc thì thật là sai. Nếu các bậc Thần, Thánh có linh thiêng thực sự thì ắt các vị chẳng bao giờ vì mấy món đồ lễ của những loại đệ tử cơ hội ấy mà phù trợ, giúp đỡ cho họ thăng quan, tiến chức.

Từ xưa đã có câu "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Câu này cũng có ý răn dạy người đời đừng có xúc phạm, hỗn láo với các bậc Thần, Thánh. Nhưng cũng đừng có biến các bậc Thần, Thánh thành những người ban phát bổng lộc, chức tước.

Tại sao các vị lại hay xuất hiện ở những nơi đền, chùa như vậy? Ừ thì một phần cũng là do các vị "thành tâm", một phần do các vị muốn xin xỏ Phật, Thánh phù hộ, giúp cho phần Âm vượng để đạt được mục đích ở phần Dương.

Cũng một phần nữa là do các… nhà chùa, do những nơi xây dựng các công trình tâm linh muốn mượn tên tuổi các vị để tăng thêm phần uy tín của nhà chùa, của đền, miếu. Lẽ thường, khi nhận được lời mời tham dự, cũng ít người đủ bản lĩnh để từ chối. Thứ nhất là họ chẳng mất gì - Mất thời giờ ư? Cái đó rất vô hình. Mất tiền ư? Chắc chắn là chẳng mất! Thế thì tội gì mà không đi. Vừa được tiếng thành tâm, vừa có dịp cầu xin cái nọ, cái kia, vừa cũng là thể hiện rằng mình là người có lễ giáo, tôn trọng tôn giáo.

Thôi thì, các vị gần Phật cũng là tốt, mặc dù cái tốt đó xuất phát từ động cơ gì. Nhưng giá như các vị dành thời gian đi chùa, dự tô tượng, đúc chuông ấy để xuống với dân, lắng nghe, thấu hiểu được nỗi cơ cực của dân, thấy được những sự nhũng nhiễu của đám "quan lại cường hào kiểu mới" thì sẽ tốt biết bao nhiêu.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm bộ đội Phòng không Không quân, năm 1967.

Việc cán bộ lãnh đạo của ta ngày càng xa dân, càng quan liêu đã không còn là hiện tượng, mà là phổ biến và chính điều đó đã tạo nên một sự vô cảm của rất nhiều cán bộ đối với dân, đối với công việc. Chính vì thế mà họ đã làm sai rất nhiều, bất chấp tâm tư, nguyện vọng của dân, chỉ biết cho thân mình, cho túi tiền của mình. Nạn khiếu kiện vượt cấp có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp và trở thành cái cớ cho các thế lực phản động, thù địch, những kẻ cơ hội, những phần tử chống đối khoét sâu để kích động nhân dân.

Thử hỏi với những vụ việc dân khiếu kiện tập thể đông người đã có mấy Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố, huyện, quận, rồi các Bộ trưởng dám xuống đối thoại với dân? Thử hỏi đã có bao nhiêu cán bộ cao cấp dám lội ruộng xem sâu bệnh, chuột bọ hại lúa như thế nào, để xem hạt thóc, củ khoai bây giờ ra sao?…

Cán bộ cấp trên khi xuống làm việc ở đơn vị cơ sở thì cũng tiền hô hậu ủng, thậm chí còn chăng pano, áp phích "Nhiệt liệt chào mừng đồng chí A. xuống thăm và làm việc…".

Càng ngày, chuyện cán bộ cấp trên xuống kiểm tra cấp dưới đã gây cho đơn vị những nỗi phiền toái bởi phải tổ chức đón rước, phải nặn ra các loại báo cáo mà nhiều khi cốt chỉ để làm vừa lòng cấp trên, phục vụ những mục đích nào đó càng nhiều.

Sự quan liêu, vô cảm của quan chức đối với dân là một trong những nguyên nhân rất lớn làm xói mòn lòng tin của dân đối với Đảng.

Nhớ lại, trong một bài nói chuyện tại Hội nghị công tác chính trị toàn quân năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phải nói đến thế này: "Nhưng hiện nay chúng ta quả là còn nhiều cán bộ lười đi, thậm chí có anh hun khói cũng không chịu ra khỏi bàn giấy, hình như có ma quỷ cột chân lại. Có những người còn làm việc theo lối công chức thời xưa "sáng vác ô đi, tối vác về". Buổi sáng đến cơ quan, ngồi vắt chân, hút thuốc, xem báo cái đã, xong đâu đấy giở "các táp" ra xem, rồi hí hoáy viết ra một lô nào là những "tăng cường", với "đẩy mạnh", không thì lại là "quán triệt thêm một bước", với những "trên cơ sở…", "trên cơ sở…". Trên cơ sở cái gì? Trên cơ sở cái ghế 6 chân của anh ấy à? Thật là quái quá".

Rồi Đại tướng nói tiếp: "Cán bộ cao chừng nào, càng đi sục sạo nhiều chừng ấy và như thế làm cho quan hệ trên dưới rất tốt. Anh không nên sợ vắng mình thì công việc ở cơ quan sẽ đổ bễ, trái lại chính vì anh sợ đổ bễ theo lối đó thì công việc lại càng đổ bễ. Anh dám đi xuống, có khi đi xuống lúc đầu tác dụng phần nào, sau càng ngày con mắt càng tinh hơn, tai sẽ càng thính hơn, tác dụng nhiều hơn, cái đó cũng phải dần dần thôi. Tục ngữ ta có câu "Đi một quãng đàng, học một sàng khôn". Đi càng nhiều sẽ càng có nhiều cái mới trong chủ trương, kế hoạch. Vì chúng ta ít đi nên những sáng tạo mới trong phong trào quần chúng, chúng ta không biết, những nhân tài mới nảy nở chúng ta cũng không hay, những sai lầm, vướng mắc chúng ta cũng không phát hiện được kịp thời. Sự lãnh đạo của chúng ta trở nên lạc hậu với thực tế, lạc lõng chạy theo sau phong trào quần chúng, hóa ra thành sự lãnh đạo bảo thủ, hữu khuynh. Đó là một điều rất đáng sợ đối với người lãnh đạo".

Ngẫm lại lời của Đại tướng nói từ cách đây hơn 50 năm, sao mà đến bây giờ vẫn đúng thế. Chỉ có điều là ngày trước chúng ta thấy rất nhiều hình ảnh những người lãnh đạo xuống với dân, thì bây giờ những hình ảnh đó ngày một ít, thay vào đó là hình ảnh các vị lãnh đạo đi lễ chùa. Không hiểu các vị có nghĩ đến chuyện hình ảnh các vị bây giờ trong mắt người dân ra sao không? Và đã bao giờ các vị dám treo câu của Nguyễn Trãi sau lưng mình không: "Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước".

Thưa các vị quan chức đang nắm giữ vận mệnh của địa phương, của ngành mình, của lĩnh vực mình phụ trách. Các vị gần Phật thì cũng tốt, nhưng xin các vị hãy gần dân hơn và chắc chắn điều đó sẽ còn tốt hơn.

Như Thổ