[eMagazine] COVID-19 đã thay đổi thế giới như thế nào?

15:34 | 13/09/2021

659 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
TS Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị Tài Chính, Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp nhấn mạnh thế giới hậu COVID là thế giới phát triển về công nghệ và y tế sức khỏe cộng đồng.
[eMagazine] COVID-19 đã thay đổi thế giới như thế nào?

COVID-19 bất ngờ xuất hiện làm chao đảo tất cả các nền kinh tế trên toàn cầu. Đáng nói, đại dịch này cũng làm thay đổi rất nhiều đến các mối quan hệ kinh tế quốc tế.

Tại Việt Nam, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 xuất hiện với diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó tập trung tại các khu công nghiệp đang tạo ra sức ép lớn đối với Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội đề ra cũng như kỳ vọng của các tổ chức quốc tế.

Vậy, cụ thể, COVID-19 đã thay đổi nền kinh tế Việt Nam và thế giới như thế nào?

Từ Paris, bà Lê Võ Phương Nga, TS Kinh tế, Giám đốc Quản trị Tài Chính, Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp, Giám đốc Tài chính AVSE Global đã dành riêng cho Diễn đàn Doanh nghiệp một cuộc trò chuyện về vấn đề này.

[eMagazine] COVID-19 đã thay đổi thế giới như thế nào?

-Nền kinh tế thế giới đã thay đổi ra sao khi COVID-19 xuất hiện, thưa bà?

Có lẽ nên bắt đầu bằng hai từ: Chao đảo và bất ngờ bởi không một quốc gia nào trên thế giới có sự chuẩn bị và có khả năng chống chọi khi một đại dịch như vậy ập đến. Đóng cửa và hy sinh kinh tế là giải pháp đầu tiên mà đa số các quốc gia lựa chọn để có thời gian sắp xếp và chờ giải pháp vaccine. Thiệt hại cho nền kinh tế thế giới lên tới hàng nghìn tỉ USD và con số vẫn chưa dừng lại.

Tuy nhiên với những nước phát triển, càng về những làn sóng sau của đại dịch, những ảnh hưởng về kinh tế giảm dần và đang tạo ra một đà khôi phục mạnh mẽ.

[eMagazine] COVID-19 đã thay đổi thế giới như thế nào?

Ở phía đối lập, các nước đang phát triển và không có điều kiện hoặc chậm trễ trong việc tiếp cận vaccine, ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế đang theo đà gia tăng.

Vì vậy, thế giới đang chứng kiến một sự phân hóa trong ảnh hưởng về kinh tế giữa các quốc gia khác nhau.

Điều quan trọng và không ngoại lệ cho bất kì quốc gia nào là đại dịch dẫn đến những thay đổi ngoạn mục trong khả năng thích ứngcủa các chủ thể kinh tế. Chưa bao giờ các động thái thay đổi của các chủ thể kinh tế, các sáng tạo của các doanh nghiệp, lại được thực hiện trong thời gian ngắn và ngoạn mục đến thế ở nhiều quốc gia.

Xu thế này giúp cho việc dần đưa đại dịch trở thành một yếu tố bình thường trong đời sống xã hội và nền kinh tế.

[eMagazine] COVID-19 đã thay đổi thế giới như thế nào?

Kinh tế Mỹ và châu Âu đang dần học được cách sống chung với COVID-19, cùng với vaccine là nhân tố quyết định đồng hành cho khả năng thích ứng này.

Các nước trên thế giới dần mở cửa trở lại ngay khi có các tín hiệu tích cực của vaccine và phát triển mạnh mẽ lợi thế của các giải pháp thích ứng này.

- Sau mỗi cuộc khủng khoảng sẽ có những xu thế mới xuất hiện. Vậy, theo bà, ở cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 lần này, đâu sẽ là những xu thế mới sẽ xuất hiện?

Thực tế là mỗi cuộc khủng hoảng sẽ kéo theo một sự chuyển dịch thay đổi lột xác các nền kinh tế. Có thể kể đến các xu thế mới sẽ chế ngự kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid như sau:

Thứ nhất, đại dịch tạo ra xu hướng bắt buộc là tăng năng suất và cải tiến sản phẩm, trong cuộc chạy đua tăng tốc để dành lại những gì đã bị kìm nén, bị bỏ lại phía sau, đặc biệt với một số khối sản xuất và dịch vụ. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới xuất hiện, với những chi phí và đầu tư về ngắn hạn, nhưng tạo ra các lợi ích và tiết kiệm về dài hạn.

Thứ hai, địa phương hóa sản xuất và tiêu thụ (nearshoring) : việc toàn cầu hóa vẫn tiếp diễn nhưng sẽ chậm lại, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào thị trường tại chỗ hoặc lân cận (từ sản xuất đến tiêu thụ), là vùng an toàn ; ưu tiên số một sẽ là khả năng chống chịu (resilience ) thay vì lợi nhuận như trước đây. Xu thế phổ biến sẽ là phát triển các cụm, khu vực sản xuất nhỏ khép kín.

Thứ ba, nợ công tăng cao của các chính phủ sau các gói hỗ trợ trong đại dịch sẽ đóng góp vào lạm phát. Vì vậy, rủi ro về lạm phát sẽ là một trong những ảnh hưởng mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần tính tới, với các ảnh hưởng trong ngắn, trung dài hạn khác nhau.

Thứ tư, thay đổi cách thức làm việc và đào tạo, không chỉ cho khối hành chính dịch vụ mà cả các doanh nghiệp sản xuất. Nếu như làn sóng dịch đầu tiên là cú sốc đối với các doanh nghiệp, lực lượng lao động phải làm việc từ xa và tất cả phải được điều chỉnh trong thời gian cực ngắn, thì giờ đây có thể nói các hạ tầng cần thiết đã sẵn có.

Cuối cùng, thế giới hậu Covid là một thế giới phát triển về công nghệ và y tế sức khỏe cộng đồng.

- Đâu là bài học mà đại dịch COVID-19 đem lại với kinh tế thế giới, thưa bà?

Nếu nói về ngọn nguồn sự ảnh hưởng với nền kinh tế, đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng của đa số các doanh nghiệp, đồng thời khiến nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước sụt giảm mạnh, cộng với các biện pháp đóng cửa giãn cách xã hội mà các Chính phủ áp dụng, đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và sự tiêu thụ bị đình trệ.

Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng cả cung lẫn cầu: Đứt gãy chuỗi cung ứng và chuỗi tiêu thụ. Nếu đem so với các cuộc khủng hoảng khác, chỉ một trong hai yếu tố cung hoặc cầu thôi đã rất trầm trọng rồi. Sự đứt gãy của chuỗi tiêu thụ có thể tự phục hổi ngay khi các biện pháp hạn chế đại dịch được nới lỏng. Yếu tố cầu sẽ hồi phục không chỉ về số lượng mà còn cả những định hướng tiêu dùng mới. Tuy nhiên, ở phía cung thì vấn đề sẽ không được tự thân giải quyết mà cần có sự chuẩn bị để chống trả, thích nghi, và đón đầu những xu thế mới.

Mặt tốt của đại dịch là một sự chuyển mình không chỉ rộng mà sâu của tất cả các ngành nghề và các nền kinh tế thế giới.

Có 5 bài học có thể rút ra từ khủng hoảng đại dịch Covid :

Thứ nhất, chuyển dịch kinh tế theo hướng sửa chữa lại những vấn đề của toàn cầu hóa.

Thứ hai, ưu tiên những doanh nghiệp cần thiết cho các xu hướng về sức khỏe và môi trường.

Thứ ba, hướng tới nền tài chính xanh và bền vững để hỗ trợ nhu cầu trên.

Thứ tư, thay đổi cơ cấu tổ chức và vận hành trong nội bộ từng doanh nghiệp.

Và thứ năm, dịch chuyển tới một nền tiêu dùng số hóa lâu dài.

- Quay trở lại với Việt Nam, đâu sẽ là những thuận lợi và khó khăn cho nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid?

Đối với Việt Nam hiện nay, điều đầu tiên là bài toán: Mở cửa trở lại – bài toán của sự cân bằng giữa sống chung với dịch và ảnh hưởng kinh tế ; không thể chỉ chọn một trong hai, tức là ko thể chờ hết dịch mới mở cửa kinh tế, hay đóng cửa kinh tế để theo chiến lược không Covid bằng mọi giá.

Chiến lược không Covid đã phát huy tác dụng ở thời điểm đầu, tuy nhiên đến giai đoạn dịch bùng phát này, cần phải thích nghi và với lợi thế đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng các kinh nghiệm của các nước. Hãy xem xét các biện pháp áp dụng ở các nước Âu Mỹ khi xác định sống chung với dịch từ đầu cho tới các điều chỉnh sau này, để có các áp dụng tốt nhất trong thời gian ngắn nhất cũng như những bài học cần tránh cho Việt Nam.

Những gì thế giới đang trải qua là một cuộc tập dượt để tiến tới một nền kinh tế được đinh hình và khu vực hóa lại, xanh hơn, bền vững hơn.

Đây không chỉ là một thông điệp vì môi trường toàn cầu mà có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi các chi phí của việc toàn cầu hóa trở nên đắt đỏ, thì sự dịch chuyển của doanh nghiệp về địa phương hóa là một yếu tố hoàn toàn tự nhiên quyết định về lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

- Vậy, Việt Nam sẽ đón đầu xu hướng này như thế nào, thưa bà?

Việt Nam có thể đón bắt xu thế này, không chỉ trong nội địa mà với thị trường quốc tế. Các khâu trong chuỗi giá trị được phân chia lại, các công nghiệp dịch vụ như dệt may dược phẩm hay các sản phẩm điện gia dụng đang bắt đầu rất nhanh xu hướng này, dịch chuyển tới nhiều nước thứ 3 khác nhau: Banladesh, Ấn độ, Indonesia… Việt Nam có thể chọn là điểm đến đón bắt xu hướng này.

Tiếp đến, hãy nhìn đại dịch ở góc độ tích cực như một chiếc chổi đang quét đi những mô hình kinh tế không phù hợp và dọn chỗ cho các mô hình kinh tế mới có sức bền. Đối với các doanh nghiệp, tăng « khả năng chống chịu » (resilience) với mọi hoàn cảnh là điều kiện tiên quyết cần phải áp dụng, sau đó mới là các tính toán về lợi nhuận.

Thế giới hậu COVID là một thế giới phát triển về công nghệ và y tế sức khỏe cộng đồng.

Đây là 2 mảng mà Việt Nam cần đặc biệt chú trọng để theo kịp đà của thế giới thậm chí vươn lên về vị thế nếu đón đầu được xu hướng. Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội để thay đổi cấu trúc kinh tế, lấy cấu trúc công nghệ để phát triển, đẩy mạnh kinh tế.

- Bà có khuyến nghị như thế nào để Việt Nam an toàn bước qua bão dịch. Và riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp, khuyến nghị như thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể bước ra khỏi cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19?

Như nói ở trên, doanh nghiệp Việt Nam cần học cách trụ vững trong biến đối trước khi tìm kiếm các cơ hội lợi ích. Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp đề song hành theo sự phục hồi của kinh tế toàn cầu một cách chủ động.

Cần hành động ngay để không bỏ lỡ cơ hội mới từ các chuyển dịch của kinh tế thế giới sau đại dịch, đón được làn sóng kích Cầu trở lại khi hết các điều kiện phong tỏa.

Trong các biện pháp kinh tế kết hợp y tế phòng chống dịch, phải ưu tiên khối doanh nghiệp: Hỗ trợ các giải pháp về thuế và lãi suất cho các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh mới.

Khi vaccine đang là giải pháp duy nhất để ra khỏi khủng hoảng, chính phủ Việt Nam phải đưa ra các biện pháp để đảm bảo sự vận hành cho khối doanh nghiệp: Ví dụ hộ chiếu vaccine cho doanh nghiệp: được đi lại, được sản xuất. Đây chính là chìa khóa của vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng đã nói ở trên ; vấn đề nào, giải pháp đó, nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất cũng như dòng vốn đầu tư kinh doanh là điều kiện tiên quyết để phục hổi kinh tế.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp từ Chính phủ quan trọng nhất là để doanh nghiệp để có phương án thay đổi mô hình kinh doanh thích ứng với điều kiện mới. Cần phải thay máu tạo sức mạnh cho lực lượng doanh nghiệp mới. Việt Nam cần xây dựng hệ thống tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hãy dùng bài học quốc tế để khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp theo xu hướng tìm ra các giải pháp ứng dụng xanh và bền vững, với mô hình mới để thích nghi với hệ quả lâu dài của đại dịch.

Các doanh nghiệp nhất thiết tìm ra giá trị mới thay vì tìm cách làm lại những thành quả cũ. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tìm ra các cơ hội kinh doanh mới trong thời kì khủng hoảng.

Các công ty có thể tạo sản phẩm gần gũi, địa phương hóa thay vì toàn cầu hóa theo xu thế chung và quay trở lại những nhu cầu cơ bản lớn nhất trên thế giới hiện nay: các sản phẩm về sức khoẻ, môi trường an toàn, công nghệ tiện năng thông minh ... đặc biệt, công nghiệp y tế và các công nghiệp bổ trợ…, với các mô hình biến chuyển linh hoạt, đây là một thách thức và nhưng cũng có thể là lợi thế đối với Việt Nam.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc phát triển nền tài chính xanh – bền vững với mức lãi suất thấp cho các ngành ưu tiên: Chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, các giải pháp sáng tạo về bền vững của các doanh nghiệp nhỏ…, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu Covid, đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững, ổn định xã hội.

Đây là thời điểm không chỉ có ý nghĩa sống còn cho nội lực của nền kinh tế cho Việt Nam, mà còn quyết đinh cơ hội lợi thế so sánh với các nước trong thời kì hậu Covid của kinh tế thế giới.

-Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Không tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ với lớp 1, lớp 2 khi học onlineKhông tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ với lớp 1, lớp 2 khi học online
Tin mới nhất về tình hình Covid-19 trên thế giới - ngày 13/9Tin mới nhất về tình hình Covid-19 trên thế giới - ngày 13/9
Hà Nội: Thống kê người ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quêHà Nội: Thống kê người ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc