Đừng để người dân chết oan vì còi xe!

14:19 | 18/10/2012

1,990 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bất chấp quy định, các chủ phương tiện đặc biệt là xe tải vẫn ngang nhiên lắp đặt và sử dụng còi hơi khi tham gia giao thông. Nhiều sinh mạng đã bị thần chết cướp đi cũng bởi những tiếng còi xe quái ác này. Tuy nhiên, đến nay, việc xóa bỏ vẫn chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa".

Những vụ tai nạn thương tâm

Vào khoảng 10 giờ ngày ngày 5/10, trên đường Nguyễn Cửu Phú, thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM, chiếc xe tải mang BKS 54S-1225 khi đi đến địa phận ấp 1, xã Tân Kiên thì gặp một xe tải khác chạy ngược chiều nên tài xế xe tải đã bấm còi. Tiếng còi xe đã làm ông Hà Quốc Tuấn (SN 1964, quê Hải Dương) đang điều khiển xe máy mang BKS 51H1-7907 lưu thông cùng chiều, giật mình, hoảng hốt. Tay lái loạng choạng, xe ông Tuấn đã lao vào vũng lầy bên lề đường, rồi ngã xuống đường. Ngay lúc này, xe tải trên lao tới cán qua người ông Tuấn khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ.

Trước đó, vào sáng 14/6/2010 tại tại đường Kha Vạn Cân (phường Linh Chiểu, quậnThủ Đức, TP.HCM), chị Lê Thị Loan (SN 1979, trú tại quận Thủ Đức) chạy xe Attila mang BKS 57L-0967, chở con gái Đinh Phương Vy (2 tuổi) ngồi phía trước xe. Cùng lúc, tài xế Nguyễn Văn Tuân điều khiển xe bồn mang BKS 57L-0967chạy phía sau rồi bóp còi để vượt lên. Tiếng còi xe quá lớn và bất ngờ khiến cháu Vy giật mình ngã về phía trước. Thấy vậy, chị Loan một tay giữ con, một tay bóp phanh. Do phanh gấp nên xe chị Loan ngã xuống đường, còn cháu Vy văng ra ngoài. Ngay lúc đó, bánh xe bồn đã cán qua người làm cháu bé tử vong tại chỗ.

Đa số xe tải đều lắp còi hơi trái quy định.

Đó là hai trong số những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây mà nguyên nhân chính là do nạn nhân bị giật mình bởi tiếng còi xe. Thực tế số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân này sẽ là rất nhiều bởi, nguyên nhân do còi xe thường không để lại dấu tích sau tai nạn.

Tình trạng sửa dụng còi hơi sai quy định đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều, nhưng đến nay vẫn tình trạng này vẫn diễn ra hết sức ngang nhiên.  

Ghi nhận của phóng viên Petrotimes trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ…(Hà Nội), hiện tượng xe tải gắn còi hơn diễn ra khá phổ biến. Các tài xế bấm còi rất hồn nhiên, đường vắng bấm, đường đông lại bấm nhiều hơn...

Anh Nguyễn Văn Hải, sống tại Khu đô thị Linh Đàm thường xuyên đi làm trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Phạm Hùng bức xúc: “Nhiều lần đang đi, bỗng giật nẩy mình vì âm thanh lạ, tay lái loạng quạng suýt ngã, định thần lại mới biết có xe tải đi đằng sau bấm còi".

Không chỉ xe tải, mà ngay cả xe thu gom rác (với khẩu hiệu vì môi trường…) cũng được gắn còi với âm thanh “xé tai người”. Còi xe chở rác đã thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra đường. Anh Nguyễn Quốc Hùng (ở đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần ra đường, hễ thấy bóng dáng xe chở rác là tôi lại tìm cách tránh xa... Bảo xe tải tư nhân làm liều đã đành, đằng này xe do Công ty về môi trường quản lý, không hiểu sao vẫn lắp còi “khủng” như vậy. Mà xe chở rác thì cần gì phải còi, xe chưa đến mùi đã đến rồi, ai mà chả tránh xa cơ chứ”.

TS.BS Nguyễn Thị Toán, Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường cho biết: "Với độ ồn đến 90 decibel (dB), người ta chỉ có thể làm việc trong 4 giờ/ngày nếu không muốn bị... điếc”. Hiện nay chúng ta chưa có qui định được bóp còi to đến mức độ nào. Trong khi chỉ cần bất ngờ nghe thấy tiếng còi 130 dB, người bình thường có thể đã rách màng nhĩ.

Khó xóa “nạn còi to”

Tình trạng còi hơi được lắp tràn lan không những gây ô nhiễm tiếng ồn, dễ làm cho các phương tiện khác giật mình, té ngã gây tao nạn nghiêm trọng. Mặc dù đã có nhiều quy định nghiêm cấm cũng như các chế tài xử phạt vi phạm tuy nhiên việc chấm dứt nạn “còi to, vượt ẩu” vẫn chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa".

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, quy định tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, độ ồn của còi xe được quy định nằm trong ngưỡng từ 65 đến 120 dB, các phương tiện cơ giới nếu có còi trên hoặc dưới ngưỡng nói trên đều vi phạm. Khi xe đi đăng kiểm, bị phát hiện gắn còi sai quy định, chủ xe phải tháo bỏ. Tuy nhiên khi đi đăng kiểm, các chủ phương tiện chả dại gì lắp còi hơi, vì như thế chả khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”, chỉ đến khi đăng kiểm xong, lái xe lại đàng hoàng lắp còi trở lại.

Dàn còi "khủng" của một xe tải.

Đến đây, việc kiểm tra, xử phạt lái xe và tịch thu vật vi phạm thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra, xử lý đối với lỗi còi hơi vẫn chưa mạnh tay, gắt gao như đối với các lỗi vi phạm khác. Các ô tô có sử dụng còi hơi thường che giấu bằng cách gắn thêm một công tắc phụ ở nơi khuất gần vô-lăng. Nếu bị kiểm tra, lái xe sẽ bật công tắc sang chế độ còi điện, khi vắng bóng Cảnh sát giao thông thì lại để sang chế độ còi hơi.

Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định mức phạt 300.000-500.000 đồng đối với hành vi bấm còi có âm lượng lớn, bấm còi hơi trong đô thị, trong khu dân cư. Do mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe, không đủ tuyên truyền mức độ nguy hiểm nên chủ xe, tài xế vẫn xem thường, không thực hiện. Chưa kể lực lượng xử phạt chưa được trang bị thiết bị đo âm thanh, do đó chủ yếu dùng mắt và nghe bằng tai để phân biệt là chính.

Văn Dũng