Đừng ảo tưởng với… liên hoan!

18:45 | 29/11/2013

611 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhìn vào hiện tượng khán giả ùn ùn kéo tới rạp xem kịch, xem chèo… trong các kỳ Liên hoan gần đây, ai đó có thể hy vọng sân khấu sẽ trở về thời kỳ hoàng kim, hay ít ra là thoát khỏi trạng thái èo uột chung của nghệ thuật truyền thống. Nhưng, sự thật lại không khả quan đến như thế!

Chứng kiến cảnh hàng trăm lượt khán giả ùn ùn kéo đến rạp mỗi đêm công diễn kịch Lưu Quang Vũ hay Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc diễn ra thời gian vừa qua, bất cứ ai cũng mừng thầm mà nghĩ: Nghệ thuật truyền thống vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Và những mơ tưởng đưa sân khấu truyền thống quay trở về với thời kỳ hoàng kim, có lẽ cũng không quá xa vời! Thật ra, hy vọng này không phải là không có cơ sở, bởi lâu lắm rồi sân khấu truyền thống mới lại rộn ràng đến thế. Ba cụm rạp phục vụ Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ là: Đại Nam, Công Nhân và Nhà hát Tuổi Trẻ đêm diễn nào cũng chật ních người, không còn ghế trống. Người ta phải chen lấn nhau ngồi tràn cả lối đi, hành lang, thậm chí đứng kín cả cửa ra vào. Dù họ có phải xem trong tình trạng ngó nghiêng, dù chỉ nhìn thấy nghệ sĩ lờ mờ trên sân khấu... nhưng trong họ vẫn ánh lên một nụ cười của thỏa mãn!

Tương tự với Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc 2013, tuy diễn ra ở Hải Phòng nhưng sân khấu của Nhà hát Tháng Tám vẫn thu hút được những khán giả lặn lội từ thủ đô và các tỉnh lân cận đến xem. Cảnh tượng này hoàn toàn khác với sự hờ hững lâu nay hiện diện tại các sân khấu truyền thống. Nhìn vào “hiện tượng” này nhiều nghệ sĩ đã thực sự xúc động, bởi từ lâu lắm rồi họ vẫn sẵn sàng với một tâm lý đáng thương rằng: Liên hoan cũng chỉ là việc các đoàn tự diễn cho nhau xem! Nhưng hiện tại, liên hoan sân khấu rõ ràng đã có những biến chuyển khởi sắc hơn, sân khấu đang tiến gần đến khán giả hơn.

Vở "Vương nữ Mê Linh" của Đoàn chèo Hà Nội trong Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc 2013

Tuy nhiên, khi bình tâm nhìn lại thì đây cũng chưa phải là hiện tượng đáng mừng! Bởi xét cho cùng thì khán giả đến với rạp đông là vì được xem… miễn phí còn nếu bán vé thì sẽ không có những hiện tượng công chúng “rộn ràng” với sân khấu đến thế. Dẫu khó nghe nhưng đó là một thực tế!

Lâu nay giới chuyên môn và các nghệ sĩ vẫn phải đau đầu nghĩ cách làm sao để kéo được khán giả đến với những sân khấu nghệ thuật truyền thống. Từ chèo, tuồng, cải lương đến kịch nói, các rạp thường chung một trạng thái đìu hiu. Chẳng thế mà nghệ sĩ Hán Văn Tình đã than thở: Rạp Hồng Hà với hơn 800 ghế, nhưng mỗi lần diễn vé bán ra chỉ lèo tèo hơn trăm khán giả, đông nhất là được khoảng 300 khách, nghĩa là chưa đến nửa rạp. Còn một điều đáng buồn hơn nữa khi phần đông khán giả đó lại là khách du lịch nước ngoài! Những sân khấu khác cũng không khả quan hơn. Sân khấu chèo rạp Kim Mã cũng không mấy khi được sáng đèn. Sân khấu kịch có vẻ là khởi sắc nhất nhưng thực sự vẫn chưa xứng với tiềm năng. Vì thế, những gì nhìn thấy được từ hiện tượng đông đúc của Liên hoan chẳng khác gì… ảo ảnh! 

Thêm nữa, một sự thật nhức nhối rằng tình trạng những “cơn mưa” huy chương, giải thưởng vẫn là một đặc tính cố hữu tại các kỳ liên hoan sân khấu nghệ thuật ở xứ ta. Con số 50 huy chương được trao trong Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ với 16 huy chương vàng, 34 huy chương bạc, quả là không thua kém bất kỳ một giải thi thố nào trong lĩnh vực nghệ thuật. Tương tự, mưa giải thưởng này cũng trút xuống sân khấu Liên hoan Chèo toàn quốc khi đủ các hạng mục huy chương vàng, bạc dành cho tập thể cộng với 110 giải thưởng vinh danh cá nhân - một con số quá lớn so với 17 đoàn tham dự Liên hoan. Vô hình trung, càng nhiều huy chương được trao thì giải thưởng lại càng… “mất giá”.

Đó còn chưa kể đến những lùm xùm về giải thưởng sau mỗi kỳ liên hoan. Một Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ ấn tượng là thế, nức lòng công chúng đến thế, hẳn sẽ còn để lại ấn tượng tốt đẹp hơn nếu không lặp lại cái kết đáng buồn là tranh cãi về giải thưởng. Việc không phục giải này, tán thành giải khác là “chuyện thường ngày” tại các kỳ liên hoan như thế. Thử hỏi sân khấu truyền thống còn lại gì sau mỗi kỳ Liên hoan?!

Khán giả đổ xô đi xem kịch Lưu Quang Vũ trong đêm liên hoan

Sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến những nỗ lực mà các nghệ sĩ đã và đang làm cho sân khấu. Bởi nhiều nghệ sĩ vẫn từng ngày nỗ lực nghĩ cách đưa sân khấu ra khỏi trạng thái đìu hiu như hiện tại. Với tuồng, chèo các nghệ sĩ đã có những dự án đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng bằng những dự án thích hợp với nhu cầu của khán giả đương đại. Như với Nhà hát Chèo Hà Nội, các nghệ sĩ chủ trương đưa sân khấu đến các giảng đường, để thế hệ trẻ tiếp cận gần nhất với nghệ thuật truyền thống. Nhà hát Chèo Việt Nam lại kỳ công tìm về với chèo cổ là biến sân khấu lớn thành những chiếu chèo nhỏ - nghĩa là trở về với thưở nguyên sơ ban đầu là chiếu chèo gắn với các sân đình. Mọi nỗ lực là thế, nhưng sân khấu vẫn chưa thể quay về với thời xếp hàng mua vé như một thời hoàng kim của nó. Đó là điều đương nhiên bởi, nhịp sống xã hội với nhiều phương tiện giải trí hiện đại, nghệ thuật đa dạng… kéo theo món ăn tinh thần của công chúng phong phú hơn.  Và một sự thật là, với các rạp ở thì hiện tại, bán được vé đủ ghế cho tất cả các buổi diễn đã là một niềm mơ ước.

Vậy mới nói, các liên hoan chưa phản ánh được thực tế đời sống của các đơn vị nghệ thuật và nghệ thuật truyền thống mới chỉ “tỏa sáng” ở các kỳ thi thố mà thôi. Để nghệ thuật truyền thống sống được và để sân khấu truyền thống bước ra cuộc sống, đến gần cuộc sống thực tế… thì một mình nỗ lực của các nghệ sĩ thôi là chưa đủ.

Là một nghệ sĩ chịu khó bươn chải với sàn diễn NSƯT Chí Trung, Nhà hát Tuổi Trẻ là một trong những gương mặt năng nổ đi tìm lối thoát cho sân khấu kịch. Biết tận dụng ưu thế của kịch Lưu Quang Vũ, sau liên hoan nghệ sĩ này đã chịu khó đưa kịch Lưu Quang Vũ ra rạp bán vé, thậm chí là mang kịch của ông Nam tiến.

Nghệ sĩ Chí Trung cũng chỉ ra một thực tế: “Diễn kịch Lưu Quang Vũ, chúng tôi tin tưởng vẫn kéo được khán giả đến với rạp. Tất nhiên không thể kéo khán giả đến rạp đông như hiện tượng ở Liên hoan. Nhưng những khán giả chịu bỏ tiền túi mua vé, đó đã là đối tượng khán giả được tinh luyện, có lòng đam mê, yêu mến và chắc chắn chịu ngồi đến khi rèm buông, đèn tắt”.

Còn NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam thì cho rằng: “Nghệ thuật truyền thống sẽ chẳng bao giờ mất đi, vì tôi tin trong sâu thẳm mỗi người dân nước Việt đều có tinh thần tự tôn dân tộc, chính họ sẽ là người bảo tồn để nghệ thuật truyền thống sống được. Nhiệm vụ kéo khán giả đến với sân khấu trước mắt nghệ sĩ cũng đứng trước nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết mình”.

Đúng là không thể nhìn vào hiện tượng liên hoan mà có thể mơ tưởng vào một tương lai tươi sáng cho sân khấu. Nhưng rõ ràng hiện tượng này khẳng định công chúng vẫn có tình yêu dành cho nghệ thuật. Vậy nên, bên cạnh việc tinh lọc giải thưởng trong mỗi kỳ liên hoan, khen đúng người, thưởng đúng đơn vị thì việc để nghệ thuật truyền thống phát triển cũng cần sự chung tay tất cả các đoàn, nghệ sĩ và cả khán giả. Người làm sân khấu không thể trông chờ vào sự “hữu xạ tự nhiên hương” nữa mà phải chủ động trong việc tìm kiếm khán giả, kéo khán giả đến sân khấu và phải mang sản phẩm đến gần công chúng hơn.

Bên cạnh đó, công chúng cần từ bỏ thói quen “xem chùa, xài chùa” bởi tiền vé của mỗi khán giả chính là đáp đền đúng với công sức người nghệ sĩ bỏ ra; đó còn là một sự “đầu tư” để bản thân người khán giả có thể thưởng thức được những tác phẩm nghệ thuật tốt hơn sau đó. Và có như vậy mới mong nghệ thuật truyền thống sống được lâu bền…!

Huyền Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.